Tin KHCN trong nước
Startup Việt làm thiết bị cảnh báo môi trường ao nuôi tôm (05/07/2022)
-   +   A-   A+   In  
Thiết bị gồm các cảm biến có thể phát hiện nồng độ oxy, pH trong ao, sau đó tự động điều chỉnh máy quạt nước giúp chủ ao không phải túc trực đo, điều chỉnh thủ công.

Sản phẩm có tên Farmext do Trần Duy Phong (36 tuổi) cùng 15 thành viên nhóm khởi nghiệp Tép Bạc phát triển. Máy đo chỉ số môi trường tự động được thiết kế có thể đặt trên mặt nước ao nuôi. Bên dưới có bốn đầu dò là các cảm biến đo nồng độ oxy, nhiệt độ, pH và độ mặn. Cứ mỗi 5 phút, máy cập nhật dữ liệu lên điện thoại của chủ ao tôm. Nếu nồng độ oxy xuống dưới ngưỡng cho phép (theo cài đặt từ đầu), hệ thống sẽ tự động vận hành máy quạt nước trong ao và dừng khi nồng độ oxy cao.

Phong cho biết, những việc này trước kia nông dân phải túc trực, theo dõi ao nuôi liên tục. Theo kinh nghiệm, khi nhận thấy nồng độ oxy xuống thấp, họ phải bật máy quạt nước và tắt khi nồng độ oxy cao. "Việc bật tắt thủ công thường phải thực hiện 8 lần mỗi ngày", Phong nói.

Phong cho biết, sản phẩm được nhóm phát triển thêm công nghệ tự vệ sinh đầu dò giúp đảm bảo hoạt động chính xác, tăng độ bền lên trên 2 năm. Công nghệ này được nhóm đăng ký cấp bằng giải pháp hữu ích ở Cục Sở hữu Trí tuệ.

Máy đo chỉ số môi trường có thể được lắp đặt một thiết bị trong mỗi ao diện tích 500 - 2.000 m2. Theo nhóm, tùy vào độ xáo trộn môi trường trong ao để bố trí mật độ thiết bị. Với nhiều ao có độ đồng nhất về môi trường, có thể chỉ cần lắp đặt một máy đo.

Nói về lý do phát triển thiết bị, Phong cho biết, gia đình có 11 ao nuôi tôm, diện tích hơn 10 ha ở huyện Hồng Dân, Bạc Liêu nên hiểu được sự vất vả của nông dân nuôi tôm. Theo lối sản xuất truyền thống, dựa nhiều vào kinh nghiệm, nghề nuôi tôm như đánh bạc bởi chỉ một sơ sẩy nhỏ, môi trường sống không đảm bảo, dịch bệnh, tôm có thể chết hàng loạt, dẫn đến thua lỗ. Để giảm thiểu rủi ro, sau khi tốt nghiệp ngành thủy sản, Đại học Nông lâm TP HCM, Phong cùng các đồng sự phát triển sản phẩm giúp nông dân quản lý các chỉ số môi trường bằng công nghệ, với giá thành phù hợp và dễ sử dụng.

Nhóm cũng phát triển thêm tủ điều khiển các thiết bị: máy sục khí, máy cho ăn, máy quạt nước... Khi lắp đặt tủ này người dùng có thể điều khiển các thiết bị trên điện thoại thông qua phần mềm cũng do nhóm phát triển. Các dữ liệu môi trường, lượng thức ăn... được cập nhật thường xuyên phục vụ việc truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm khi nông dân muốn phát triển thương hiệu tôm, xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Theo tính toán, hệ thống Farmext giúp nông dân tăng 26% lợi nhuận, giảm các loại chi phí như tiền điện lãng phí khi vận hành máy quạt nước bằng tay, chi phí công lao động... và giảm rủi ro trong quá trình nuôi tôm.

TS Ngô Văn Thạo, chuyên gia nuôi trồng thủy sản, giảng viên Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM đánh giá, đây là giải pháp hay, thể hiện sự dám nghĩ, dám làm của các startup trẻ ứng dụng công nghệ trong nuôi tôm - lĩnh vực khó, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, TS Thạo cũng lưu ý, với thiết bị đo môi trường, có hai chỉ số quan trọng mà nhóm chưa làm là đạm nitrat và nitrit phát sinh trong quá trình phân hủy thức ăn, tiêu hóa, bài tiết của tôm. Đây là những chất có độc tố, gây ngộ độc làm tôm có thể chết. "Nhóm cũng chưa có phương án cụ thể ngoài việc cảnh báo các chỉ số môi trường", ông nói và cho rằng cần có công cụ để điều tiết chỉ số này về tối ưu.

Ứng dụng Farmext được phát triển từ năm 2017. Đến 2020 ứng dụng đoạt giải quán quân cuộc thi Startup Việt do báo VnExpress tổ chức. Sau cuộc thi, dự án phát triển thêm hệ thống máy cho ăn tự động tích hợp vào trong hệ thống ao nuôi. Máy tự cho ăn theo cài đặt sẵn, điều khiển bằng phần mềm, giúp nông dân giải phóng sức lao động, giảm lượng thức ăn dư thừa... Đến nay, nhóm bán được hơn 100 bộ thiết bị cho các ao tôm, cá cả nước và hơn 5.000 người dùng phần mềm quản lý.

Nguồn: vnexpress.net

Số lượt đọc: 5936

Về trang trước Về đầu trang