Tin KHCN trong nước
Sinh viên chế tạo máy tách sợi chuối (04/04/2022)
-   +   A-   A+   In  

Nhóm sinh viên Đại học Cửu Long chế tạo máy tách sợi cây chuối năng suất khoảng 3 kg sợi mỗi giờ, giá thành 17 triệu đồng, giúp nông dân tăng thu nhập.

Sau mỗi vụ thu hoạch, phần thân chuối chủ yếu được nông dân làm thức ăn cho vật nuôi. Những gia đình có diện tích trồng lớn thì chặt bỏ, thải ra môi trường. Nhóm tác giả Trần Văn Huynh và Trần Quốc Bảo, sinh viên năm cuối khoa kỹ thuật công nghệ, Đại học Cửu Long tìm cách chế tạo máy tách sợi từ cây chuối với mong muốn giúp nông dân có thêm thu nhập.

"Sợi trong thân chuối là một vật liệu dùng để làm các sản phẩm phục vụ du lịch, làm đồ lưu niệm... giá thành xấp xỉ 100.000 đồng mỗi kg. Vậy tại sao mình không biến những thân chuối thành sợi để tăng thu nhập cho nông dân", Trần Văn Huynh, chia sẻ về lý do chế tạo máy.

Bắt đầu nghiên cứu từ tháng 4/2021, sau hơn 2 tháng nhóm hoàn thiện phần thiết kế, nguyên lý hoạt động để chế tạo sản phẩm. Máy có kích thước rộng 0,5 m, dài 0,6 m, cao 1,2 m, nặng 82 kg, gồm 6 bộ phận chính: động cơ điện 2.2 kW, bộ truyền đai, bộ phận tách sợi, trục chính, miệng cấp liệu và thùng chứa bã.

Khi hoạt động, động cơ điện giúp quay hệ thống 20 lưỡi dao ở bộ phận tách sợi. Người dùng đưa một nửa bẹ chuối sau khi loại bỏ cạnh nhỏ vào miệng cấp liệu. Ở đây các lưỡi dao sẽ va đập vào bẹ, phá vỡ liên kết giữa bã chuối và sợi. Bã chuối được tách khỏi sợi và rơi xuống thùng chứa. Người dùng có thể kéo sợ chuối theo hướng ngược lại. Một nửa còn lại của bẹ chuối được cho vào máy và tiếp tục quy trình tách sợi.

Sau quá trình thử nghiệm, nhóm đánh giá máy có công suất trung bình 3 kg sợi chuối cho một giờ làm việc. Với 40 kg bẹ chuối cho ra khoảng 5 kg sợi tươi, sau đó phơi khô còn khoảng 2kg. Theo nhóm, giống chuối xiêm cho ra số lượng, chất lượng sợi cao hơn các loại chuối còn lại. Thử nghiệm cho thấy, cây chuối xiêm trưởng thành cao 2,5-3 m có thể cho ra khoảng 300 g sợi. Các loại chuối khác như chuối cau, chuối lùn... cho sản lượng thấp hơn, khoảng 50 g mỗi cây.

Chiếc máy của nhóm hiện loại bỏ 80-90% bã chuối để tách thành sợi. Nhóm đang nghiên cứu cải tiến hệ thống dao để máy có khả năng loại bỏ bã cao hơn, vừa làm sạch vừa không làm đứt sợi trong quá trình tách, giúp tăng giá trị của sản phẩm. "Một số máy trên thị trường hiện nay sau khi tách sợi phải thông qua máy làm sạch để cho ra chất lượng sợi tốt hơn. Tuy nhiên, máy của nhóm không cần phải qua công đoạn này", Huynh chia sẻ về ý tưởng cải tiến và cho biết sẽ tự động hóa thêm các khâu để đạt năng suất sợi cao hơn.

Hiện, sợi chuối được các doanh nghiệp thu mua để tạo hình các sản phẩm như giỏ đựng, rèm cửa, thảm trải mặt bàn, các vật dụng lưu niệm...

Đánh giá về sản phẩm, PGS.TS Nguyễn Ngọc Lâm, nguyên Viện phó Viện nghiên cứu điện tử, tin học và tự động hóa, Bộ Công thương, cho biết đây là sản phẩm không mới vì hiện nay một số người dân và doanh nghiệp trong nước đã làm. Với sản phẩm này của sinh viên thì ý tưởng là tốt và khả năng ứng dụng là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, nhóm cần cải tiến quy trình tạo sợi chỉ cần đưa bẹ chuối vào một lần để hoàn thành thay vì phải đưa vào hai lần hiện tại. Nhóm cũng cần quan tâm đến vấn đề an toàn trong quá trình kéo sợi. "Khi hoàn thiện giải pháp cần đăng ký kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm và kiểm định các yếu tố kỹ thuật cần thiết để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng", PGS Lâm góp ý.

Nguồn: vnexpress.net

Số lượt đọc: 3700

Về trang trước Về đầu trang

TIN TỨC KHÁC
  • Hiện trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ bảo quản trên tàu khai thác xa bờ và tàu hậu cần thuỷ sản của tỉnh BR-VT (22/10/2018)
  • Công nghệ chế biến một số sản phẩm giá trị gia tăng từ nguyên liệu còn lại trong công nghiệp chế biến cá (19/10/2018)
  • Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN không chính thức lần thứ 10 (IAMMST-10) (19/10/2018)
  • Giải pháp ứng dụng công nghệ thủy phân đối với nguyên liệu cá tạp và triển vọng ứng dụng (18/10/2018)
  • Giải pháp công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm surimi và sản phẩm mô phỏng từ surimi trong quá trình chế biến và bảo quản tại các nhà máy chế biến surimi trên địa bàn tỉnh (18/10/2018)
  • Ứng dụng kỹ thuật sấy bằng bơm nhiệt (heat pump) để cải thiện chất lượng và tiết kiệm năng lượng cho quá trình sản xuất các sản phẩm khô thủy sản (18/10/2018)
  • Những giải pháp công nghệ mới trong sản xuất chitin, chitosan từ phế liệu của các nhà máy chế biến (tôm, mực, ghẹ, …) trên địa bàn tỉnh BR-VT (18/10/2018)
  • Công nghệ sản xuất collagen, gelatine từ nguyên liệu còn lại của nhà máy chế biến thủy sản (xương, da, vây, vẩy) và khả năng ứng dụng trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)
  • Ứng dụng công nghệ trong thu hồi protein từ nước rửa trong quá trình sản xuất surimi, chả cá tại các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)
  • Ứng dụng công nghệ trong nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất đối với các nhà máy chế biến nước mắm truyền thống trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)