Tiêu chuẩn ĐLCL
Nâng cao năng suất chất lượng: “Đòn bẩy” cho doanh nghiệp phát triển (09/03/2015)
-   +   A-   A+   In  

Sau 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” đã mang lại những thành công bước đầu, điều này cho thấy, hoạt động năng suất chất lượng đã có xu hướng lan tỏa và ảnh hưởng tới nhiều hoạt động cũng như đời sống kinh tế - xã hội trong cả nước.

Tạo bước chuyển biến về năng suất, chất lượng

Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”  được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 21 tháng 5 năm 2010 và Bộ KH&CN được Chính phủ giao là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện, điều hành hoạt động của Chương trình và thực hiện 02 dự án chính gồm dự án Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và dự án Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng. Một trong những mục tiêu mà Chương trình hướng đến là tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước... trong đó trọng tâm là xây dựng các mô hình điểm về áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng, hệ thống quản lý tiên tiến và hỗ trợ nhân rộng kết quả mô hình điểm tới các doanh nghiệp. 

Chương trình được phê duyệt vào đúng thời điểm các doanh nghiệp Việt Nam đang cần một động lực để chuyển mình từ giai đoạn phát triển theo hướng tập trung đầu tư vốn, sử dụng nguồn lao động giá rẻ sang giai đoạn phát triển với cách quản lý hiệu quả bên cạnh việc ứng dụng những tiến bộ khoa học để tăng cao giá trị hàng hóa. Đặc biệt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các phương thức quản lý tiên tiến cùng với đội ngũ nhân lực có kỹ năng và chất lượng là những điểm tựa quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập thị trường khu vực và quốc tế. Chương trình được kỳ vọng sẽ đảm bảo cho từng doanh nghiệp có những mục tiêu và định hướng cơ bản nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Qua 3 năm triển khai các nhiệm vụ của Chương trình, thông qua việc triển khai đồng bộ, phối hợp giữa dự án do Trung ương quản lý với các dự án địa phương, đã bước đầu hình thành được phong trào năng suất chất lượng ở hầu hết các địa phương. Báo cáo của các địa phương cho thấy, nhiều địa phương có dự án NSCL triển khai có hiệu quả tốt như: Cà Mau, Quảng Trị, Trà Vinh, An Giang, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Trà Vinh, Thừa Thiên Huế,… Một số dự án hỗ trợ doanh nghiệp đã thu được kết quả nổi bật như: hỗ trợ nuôi tôm ở dự án tỉnh Cà Mau, hỗ trợ chứng nhận Viet GAP, rau an toàn ở dự án tỉnh An Giang, Sơn La, các mô hình điểm về NSCL ở An Giang, Cà Mau,…

trong giai đoạn 2011-2015, mục tiêu về phát triển hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp đã xây dựng mới 4.000 tiêu chuẩn quốc gia, bảo đảm đồng bộ các TCVN cho các sản phẩm, hàng hóa chủ lực kinh tế, 45% TCVN của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực.

Đến tháng 10/2014, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hiện hành đã có trên 8.100 TCVN, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt tỷ lệ trên 43% đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển kinh tế xã hội trong nhiều lĩnh vực.

Năm 2015, theo kế hoạch Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ sẽ xây dựng khoảng 1.200 TCVN. Như vậy, chỉ tiêu “xây dựng 4.000 TCVN cho các sản phẩm hàng hóa chủ lực và các lĩnh vực liên quan” với tỷ lệ hài hòa với TCQG, TCQT, TCKV đạt khoảng 45% của giai đoạn 1 của Chương trình là hoàn toàn có thể hoàn thành.

Thông qua việc xây dựng các hệ thống quản lý, tạo lập môi trường, nguồn lực cần thiết trong doanh nhiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung, Chương trình sẽ tạo bước đột phá về năng suất và chất lượng, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực, góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. 

Tuy nhiên, phong trào năng suất chất lượng mới được hình thành ở bước đầu, việc triển khai, duy trì và phát triển phong trào thực sự là những thách thức rất lớn trong hoàn cảnh doanh nghiệp Việt Nam hiện còn gặp rất nhiều khó khăn như giai đoạn hiện nay.

Bài toán cần chung tay giải

Theo TS Ngô Quý Việt – Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, muốn trụ vững trên thị trường trong nước và vươn ra thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam cần sản xuất ra các sản phẩm (cả hàng hóa và dịch vụ) có chất lượng đáp ứng yêu cầu của khách hàng với giá cả chấp nhận được (tức là phải có năng suất cao). Chương trình này bao gồm các biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu trên. Đó là xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến, các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất hiện đại và ứng dụng tiến bộ KH&CN, đổi mới công nghệ. 

Tại Hội nghị Ban điều hành chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện Chương trình, đại diện Bộ KH&CN cho biết, Giai đoạn 1 của Chương trình chủ yếu tập trung nghiên cứu, xây dựng bài bản hướng dẫn áp dụng các giải pháp nâng cao NSCL cho doanh nghiệp, mặt khác do nhiều dự án thành phần được phê duyệt chậm, thời gian thực hiện nhiệm vụ ở đa số dự án bị “trễ” (hầu hết bắt đầu từ cuối năm 2012), nguồn nhân lực thực hiện Chương trình, Dự án ở các Bộ, địa phương còn rất mỏng (kinh phí cấp cho hầu hết các dự án đều rất thấp), sự tham gia của các doanh nghiệp còn chưa tích cực, hoạt động hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ hầu như chưa được thực hiện, do đó, mặc dù đã rất nỗ lực song chỉ tiêu “40.000 doanh nghiệp được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng” trong giai đoạn 1 không thể đáp ứng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cho rằng, để nâng cao năng suất lao động Chương trình này tiếp tục cần được các Bộ và UBND các tỉnh/thành phố quan tâm và chỉ đạo triển khai mạnh mẽ, trong đó cần tập trung vào các ngành nghề Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh để làm cơ sở cho việc chuyển biến rõ rệt về chất lượng sản phẩm hàng hóa và năng suất tại các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó cần thúc đẩy các hoạt động cải tiến năng suất trong doanh nghiệp, xây dựng văn hóa cải tiến trong các doanh nghiệp để doanh nghiệp chủ động trong việc xác định vấn đề và lựa chọn các giải pháp phù hợp để tăng năng suất. Cùng với đó là phải đào tạo được một đội ngũ chuyên gia có đủ năng lực giúp doanh nghiệp xác định được các nút thắt đối với vấn đề tăng năng suất. Hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp lựa chọn và ứng dụng các giải pháp quản lý hay đầu tư các công nghệ, thiết bị phù hợp để giải quyết các nút thắt, tạo đà cho tăng trưởng năng suất.

Hiện tại nhiều doanh nghiệp đang sử dụng các thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu thì yếu tố lao động hay quản lý không đủ để tăng năng suất cao. Vì vậy, cùng với việc nâng cao chất lượng lao động và trình độ quản lý cần phải đổi mới thiết bị, công nghệ ở các doanh nghiệp mới giải được bài toán về năng suất chất lượng và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, cũng cần thúc đẩy các doanh nghiệp quan tâm tới việc xây dựng một môi trường làm việc khuyến khích người lao động nỗ lực để nâng cao năng suất. Có lẽ chỉ ở những nơi người lao động được trả lương thỏa đáng, được đánh giá kết quả và đối xử một cách công bằng, họ mới có thể hết lòng vì công việc.

Tuy nhiên, nâng cao năng suất lao động vẫn là một bài toán lâu dài đòi hỏi sự chung sức của toàn xã hội. Nếu chính sách tốt, nhưng việc triển khai thực hiện tới các cấp, các ngành không tốt thì hiệu quả không thể như mong đợi. Ông Tuấn nhấn mạnh.

Nguồn: truyenthongkhoahoc

Số lượt đọc: 3090

Về trang trước Về đầu trang