Chuyển đổi số
Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa (20/06/2022)
-   +   A-   A+   In  

Việc chuyển đổi số (CĐS) trong DNNVV thông qua việc sử dụng các nền tảng số sẽ giúp DN tối ưu hoá hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới.

Xu hướng tất yếu

HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Bầu Mây (huyện Xuyên Mộc) có hàng chục năm gắn bó với lĩnh vực nông nghiệp. Chính bản thân ông Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc HTX không nghĩ rằng một ngày làm nông cũng phải am hiểu về công nghệ. Khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bắt đầu bùng nổ, HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Bầu Mây là một trong những đơn vị đi đầu trong CĐS. Để thúc đẩy doanh số bán hàng trong và ngoài nước, ông Lâm Ngọc Nhâm số hóa cho sản phẩm hồ tiêu như sử dụng tem truy xuất nguồn gốc, quét mã QR cho các sản phẩm hồ tiêu; đưa lên sàn thương mại điện tử… “Nếu như trước đây, nông dân phải đưa sản phẩm đến các điểm triển lãm nông sản thì nay đưa lên sàn TMĐT, tiếp cận với nền tảng số, việc quảng bá trở nên dễ dàng, đơn giản và tiết kiệm chi phí hơn”, ông Nhâm nói.

Bà Ngô Thị Hồng Phượng, Chủ tịch HĐQT Công ty Quốc tế Troy (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) cho biết, CĐS trong DN có thể hiểu là quá trình thay đổi mô hình cũ, mô hình truyền thống sang dạng DN số, dựa trên những ứng dụng công nghệ mới như: Big data, IoT, điện toán đám mây,… nhằm thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc và văn hóa lao động trong DN. “CĐS giúp DN khai thác tối đa năng lực làm việc của nhân viên trong công ty. Đồng thời, giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh với các DN khác nhờ việc tối ưu hóa quản trị, chi phí, lợi nhuận, tương tác nhanh chóng với khách hàng, chính sách chăm sóc và phục vụ khách hàng”, bà Phượng nói.

Theo Sở KH-ĐT, trên địa bàn tỉnh có khoảng 14.000 DNNVV đang hoạt động, chiếm 98% tổng số DN trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Công Danh, Giám đốc Sở KH-CN cho hay, 2 năm qua (2021-2022), hoạt động của DN nói chung, DNNVV nói riêng trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức khi dịch COVID-19 kéo dài. Tuy nhiên, cũng chính trong bối cảnh đầy thách thức đó, làn sóng CĐS trong DN để thích nghi với tình hình sản xuất kinh doanh trong đại dịch trên địa bàn tỉnh lại được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Cộng đồng DN trong tỉnh đã chủ động, tích cực tìm hướng đi mới, bằng cách áp dụng CĐS trong quản trị điều hành DN để có thể duy trì tối đa hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng hành cùng DN

Trong quá trình thực hiện CĐS, các DNNVV thường gặp các rào cản, trở ngại từ công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể làm chủ công nghệ mới, phục vụ cho việc triển khai CĐS; khó khăn từ vốn đầu tư. Ngoài ra, đa số DN chưa hiểu rõ về đổi mới, sáng tạo, về CĐS và các hình thức hỗ trợ của Nhà nước trong công cuộc này. Đây là một trong những rào cản chính khiến các DN không tận dụng được các hình thức hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Nguyễn Công Danh cho biết thêm, nhằm tiếp tục đồng hành cùng DN, thúc đẩy hoạt động CĐS của các DNNVV, thời gian tới, Sở KH-CN sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành và các viện, trường, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ. Theo đó, Sở KHCN đã tăng cường tổ chức sự kiện kết nối cung - cầu công nghệ, các hội nghị, hội thảo và báo cáo chuyên đề về công nghệ số, CĐS, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh; triển khai các nhiệm vụ KH-CN dựa trên nền tảng số và đổi mới sáng tạo; xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ DN nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, thực hiện CĐS, nâng cao năng suất, chất lượng…

Theo Sở TT-TT, đối với những DNNVV với số vốn ít và khả năng đầu tư vào công nghệ còn hạn chế thì DN nên lựa chọn các mô hình, ứng dụng phù hợp. Ông Lê Việt Trung, Phó Giám đốc Sở TT-TT cho biết, ngày 22/3/2021, Bộ TT-TT đã ban hành Quyết định số 377/QĐ-BTTTT phê duyệt chương trình hỗ trợ DNNVV CĐS  với mục tiêu đẩy nhanh việc CĐS trong DNNVV (DN SMEs) thông qua việc sử dụng các nền tảng số để tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra giá trị mới cho DN, góp phần phát triển kinh tế số quốc gia và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn. Bộ TT-TT đã xây dựng và công bố trang thông tin hỗ trợ DN CĐS tại địa chỉ https://dbi.gov.vn. Tại đây, các DN có thể tìm hiểu thông tin, đăng ký tư vấn, tham khảo các giải pháp công nghệ, nền tảng và áp dụng cho DN mình.

Đối với tỉnh BR-VT, mục tiêu phát triển kinh tế số đã được Ban Chỉ đạo CĐS thông qua với quan điểm “đưa DN lên môi trường số”, trong đó đáng chú ý là các chỉ tiêu trong năm 2022 phải có 30% DNNVV sử dụng nền tảng số; 50% DN sử dụng hợp đồng điện tử; 100% DN sử dụng hóa đơn điện tử; 50% các DNVVN có website với tên miền .vn; 30% hộ sản xuất nông nghiệp có gian hàng trên các sàn thương mại điện tử; thí điểm cài đặt ứng dụng Sổ tay theo dõi tình hình sản xuất trồng trọt; Thúc đẩy đưa công nghệ IoT vào nuôi trồng thủy sản. Để hiện thực chỉ tiêu trên, Sở TT-TT phối hợp cùng Trung tâm Internet Việt Nam xây dựng chương trình hỗ trợ cho các DN, tổ chức, cá nhân, trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi mô hình kinh doanh trực tuyến hiệu quả với các dịch vụ số sử dụng tên miền quốc gia…

 

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 1003

Về trang trước Về đầu trang