Tin KHCN trong nước
Phát triển thành công loại giày thông minh cho người khiếm thị (03/05/2022)
-   +   A-   A+   In  
Hiểu được những khó khăn của người khiếm thị trong việc đi lại, nam sinh 19 tuổi quê Tiền Giang đã sáng tạo sản phẩm “Giày thông minh cho người khiếm thị”.

Thuở nhỏ, khi thấy người khiếm thị phải trải qua nhiều khó khăn trong học tập, vui chơi và sinh hoạt, phải dùng tay hoặc gậy để dò đường, gặp nhiều khó khăn khi phải vừa làm việc bằng tay, vừa di chuyển, với mong muốn khắc phục hạn chế đó, khi vào lớp 10 Hoàng Anh đã nhen nhóm trong đầu ý tưởng thực hiện. Nhưng vì chưa đủ kiến thức và kĩ năng để tạo nên sản phẩm hoàn thiện nên Hoàng Anh tạm gác lại. Mãi đến lớp 12, nam sinh mới quyết định bắt tay vào thực hiện sản phẩm.

Trong quá trình nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm, Hoàng Anh gặp không ít khó khăn khi bắt đầu tìm hiểu thói quen đi lại của người khiếm thị để cài đặt cảm biến sao cho phù hợp. Việc lựa chọn và sắp xếp các linh kiện phù hợp để lắp vào đôi giày vì giày có diện tích khá nhỏ, tìm kiếm linh kiện chịu được tác động từ môi trường như đất, nước,… mất nhiều thời gian.

Tác giả sản phẩm “Giày thông minh cho người khiếm thị”. Ảnh: NVCC

Sau 6 tháng tìm tòi và nghiên cứu cùng với sự chỉ dẫn của giáo viên hướng dẫn là thầy Nguyễn Thanh Tuấn, cuối cùng Hoàng Anh cũng đã hoàn thành sản phẩm. Khi người khiếm thị mang “Giày thông minh” để di chuyển 2 cảm biến siêu âm ở phần đế giày sẽ phát hiện các vật cản trên đường đi của họ.

Tín hiệu vật cản sẽ được truyền đến bộ xử lý trung tâm để xử lý. Nếu khoảng cách từ giày đến vật cản từ 20cm đến 100cm, tín hiệu sẽ được truyền đến các mô-tơ rung phản hồi vào bàn chân. Vật cản ở phía nào thì tín hiệu sẽ truyền đến mô-tơ tương ứng ở phía đó để rung, từ đó giúp người mang giày có những điều chỉnh thích hợp khi di chuyển để tránh vật cản.

Nếu chẳng may người khiếm thị bị té ngã, cảm biến góc nghiêng sẽ truyền tín hiệu đến bộ xử lý trung tâm. Ngay lúc đó, một tín hiệu được truyền đến loa để báo động tìm sự trợ giúp. Một tín hiệu khác sẽ truyền đến modul GPS, từ đó truyền đến modul sim và modul sim sẽ gửi tin nhắn cho người thân vị trí người khiếm thị bị té.

Bên cạnh đó, người thân cũng có thể xác định vị trí hoặc muốn biết âm thanh xung quanh người khiếm thị cũng có thể gửi tin nhắn theo cú pháp ấn định sẵn trên điện thoại tới modul sim thì modul sim sẽ gửi tin nhắn ngược lại xác định vị trí và kích hoạt mi-rô ở giày đang thu tín hiệu âm thanh xung quanh gửi qua điện thoại cho người thân. 

Hoàng Anh kỳ vọng trong tương lai sản phẩm này sẽ được sản xuất rộng rãi để giúp cho người khiếm thị thuận tiện trong việc di chuyển.

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 1380

Về trang trước Về đầu trang