Chuyển đổi số
Chuyển đổi số: Động lực phát triển bền vững ngành du lịch (18/05/2022)
-   +   A-   A+   In  
Đại dịch COVID-19 là cuộc thanh lọc chưa từng có với ngành du lịch. Nếu những năm trước câu chuyện chuyển đổi số trong du lịch vẫn chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp, địa phương có tư duy nhạy bén, linh hoạt và mạnh tiềm lực tài chính, thì nay chính COVID đã đẩy tất cả buộc phải lựa chọn: chuyển đổi số hay là chết; chỉ có chuyển đổi số ngành du lịch mới có thể phát triển bền vững.

Đây là nhận định của Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng tại Diễn đàn “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh- Chuyên đề: “Chuyển đổi số: Động lực phát triển bền vững” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào ngày 18/05/2022 tại Hà Nội.

 Xu hướng tất yếu

Theo Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp du lịch thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường. Dịch COVID-19 bùng phát năm 2020 khiến khách không thể đi du lịch, trên nền dữ liệu sẵn có, các nhân sự ngành du lịch vẫn tương tác với khách để hiểu tâm lý, hành vi, nhu cầu để giới thiệu sản phẩm phù hợp.

Không chỉ doanh nghiệp, tại các điểm đến cũng đang định hình chuyển đổi số mang tới những trải nghiệm thuận tiện và an toàn cho khách hàng như các hệ thống thuyết minh tự động, mã QR giới thiệu hiện vật... Điểm đáng chú ý là nhiều địa phương đã thực sự hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh về dịch vụ, mua sắm, ẩm thực… tại các điểm du lịch đồng thời du khách có thể gửi phản ánh đến chất lượng dịch vụ đến cơ quan quản lý.

Diễn đàn “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh- Chuyên đề: “Chuyển đổi số: Động lực phát triển bền vững” ngày 18/5/2022

Nhận thức về chuyển đổi số đang có sự thay đổi rõ nét và tác động mạnh mẽ khiến các doanh nghiệp du lịch, các điểm đến liên tục tìm kiếm các giải pháp thích ứng để tồn tại. Hiện không chỉ các doanh nghiệp lớn mà nhiều đơn vị doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa cũng áp dụng triển khai thông qua thuê nền tảng số để tự cứu chính doanh nghiệp khi trở lại cuộc đua cạnh tranh.

Có thể thấy, ngành du lịch đang chủ động chuyển đổi số và tích cực tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý Nhà nước.

Để chuyển đổi số thành công, có thể sẽ phải mất vài ba năm nhưng không thể chậm hơn nữa. Dịch COVID-19 tuy gây thiệt hại nhưng cũng tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp và ngành du lịch chuyển đổi, bắt kịp xu hướng không thể đảo ngược của thế giới- chuyển đổi số- Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Nhận định chuyển đổi số ngành du lịch là việc làm cấp thiết, ông Phạm Đình Huỳnh- Chủ tịch HĐQT Đại Nam Sơn Group cho rằng, chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu của mọi doanh doanh nghiệp, mọi tổ chức.

“Bản chất của chuyển đổi số là việc số hoá lại các quy trình và đưa lên không gian số, tích hợp các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo AI, kết nối xây dựng hệ thống big data. Tạo mã nguồn mở để tương thích với mọi nền tảng; trong đó, công nghệ hình ảnh ứng dụng là một trong những chiếc chìa khoá để mở ra cánh cửa chuyển đổi số”- ông Huỳnh nhấn mạnh.

Việc áp dụng và ứng dụng với thực tế doanh nghiệp rất hiệu quả, khi đại dịch diễn ra và diễn biến phức tạp với việc sử dụng công nghệ hình ảnh ứng dụng chúng tôi vẫn triển khai các dự án và đi khảo sát các dự án một cách bình thường.

Thay vì theo cách truyền thống chúng tôi phải mất từ 15 ngày đến vài tháng để khảo sát toàn bộ dự án. Thì bây giờ ngay tại Văn phòng một tuần chúng tôi có thể thẩm định được từ 2 đến 3 dự án vô cùng chân thực và đầy đủ thông tin- ông Huỳnh cho hay.

Phát triển một nền tảng số du lịch thống nhất

Trước những vướng mắc về tính nhỏ lẻ, tự phát của nền tảng số trong phát triển du lịch, ông Nguyễn Lê Phúc – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch- cho biết, sẽ xây dựng một hệ thống thống nhất về nền tảng số du lịch trên toàn quốc ngay trên hệ thống quản lý Nhà nước trong thời gian tới, trong đó, những đơn vị nào chưa xây dựng nền tảng sẽ được hỗ trợ, còn những đơn vị đã thực hiện và có nền tảng thì dữ liệu sẽ được liên kết về nền tảng chung.

Trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch, trên cơ sở nền tảng chung này, các dữ liệu sẽ được chia sẻ lên các sàn thương mại điện tử đã có, để các doanh nghiệp, du khách có thể khai thác và trải nghiệm. Nền tảng này, hoạt động và cung cấp dữ liệu hoàn toàn miễn phí.

Theo ông Phúc, để có một nền tảng chung phát triển trong tương lai thì cần sự đóng góp dữ liệu từ người dùng. “Trong kế hoạch chuyển đổi số quốc gia, chúng tôi cũng đề ra nhiệm vụ trọng tâm là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam liên thông với các cơ quan quản lý Nhà nước, từ đó cùng chia sẻ lên để du khách và doanh nghiệp có thể cùng sử dụng được. Trên thực tế, thời gian qua, những tập đoàn công nghệ lớn như: VNPT, Viettel, FPT,… cũng thường xuyên phối hợp với Tổng cục Du lịch để thực hiện công tác chuyển đổi số tại các điểm du lịch, từng bước triển khai các hệ sinh thái du lịch”- ông Phúc chia sẻ.

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Trọng Đường- Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, để xây dựng một nền tảng chung, một cơ quan Nhà nước đứng ra xây dựng sẽ rất khó, nhưng đối với một doanh nghiệp đứng ra xây dựng và hoạt động sẽ rất khả quan.

“Thực tế đã chứng minh, một nền tảng do các doanh nghiệp xây dựng, phát hành sẽ có nguồn dữ liệu dồi dào, và mang lại giá trị lan tỏa, khi thu hút được người dùng và Zalo là một ví dụ tại Việt Nam. Hầu hết các nền tảng hiện nay đều hình thành và phát triển tự nhiên, nền tảng tốt hay không, người dân, du khách sẽ là người bình trọng”- ông Đường bày tỏ.

Chuyển đổi số ngành du lịch phải từ tư duy

Lựa chọn chuyển đổi số ngành du lịch phải chuyển đổi dần dần từ tư duy, nhận thức đến hành động và cần con người để làm. Trong đó, con người là khâu đột phá. Đó là chia sẻ của ông Bùi Văn Mạnh- Giám đốc Sở du lịch Ninh Bình tại Diễn đàn.

Ông Mạnh cho biết, trên thế giới, ngành du lịch đã và đang tiến hành chuyển đổi số, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế số. Sự kết hợp giữa thương mại điện tử và du lịch đã đem lại nhiều tiện ích cho ngành du lịch cũng như du khách, hướng tới một ngành kinh tế thông minh.

Cùng với xu thế chung, ngành Du lịch Ninh Bình cũng hưởng ứng và đang triển khai chuyển đổi số trong toàn ngành. Tuy nhiên, từ thực tế triển khai ở Ninh Bình, chuyển đổi số trong ngành du lịch còn rất nhiều khó khăn và đặt ra yêu cầu cấp thiết cần giải pháp để giải quyết. 

Theo ông Bùi Văn Mạnh, chuyển đổi số ngành du lịch cần lưu ý tới các vấn đề con người, nhận thức và hạ tầng. Cụ thể: thứ nhất, nâng cao nhân thức tư duy cán bộ Nhà nước, chủ doanh nghiệp về chuyển đổi số. Thứ hai, cơ sở dữ liệu hoà chung và kết nối với các địa phương. Thứ ba, nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ. Thứ tư, cần có hướng dẫn cụ thể ở các địa phương, tránh tình trạng việc mỗi địa phương thực hiện mỗi khác gây khó khăn cho khách du lịch tiếp cận. Thứ năm, đào tạo nhân lực – đây là khâu đột phá để giải quyết vấn đề đang đặt ra. 

Kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp du lịch… là yêu cầu bắt buộc để phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh. Chuyển đổi số không chỉ là về mặt công nghệ, mà còn là chuyển đổi cả cách quản lý, phương thức tiếp cận, quảng bá...- ông Bùi Văn Mạnh nhấn mạnh. 

Cần nhiều hơn nữa những “trợ lực” từ chính sách

Tại Diễn đàn, các đại biểu đều thể hiện ý chí quyết tâm thực hiện chuyển đổi số trong ngành du lịch. Khẳng định, chuyển đổi số là vấn đề sống còn của các doanh nghiệp du lịch, song bà Đỗ Hồng Xoan – Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho rằng, vấn đề chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nhiều hơn nữa những “trợ lực” từ chính sách và các tổ chức.

Theo bà Đỗ Hồng Xoan, hiện nay để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường và cả quốc tế, các doanh nghiệp Việt cũng đã nhận ra muốn tiếp cận khách hàng cũng như giữ chân họ ở lại cơ sở mình lâu dài thì đã đến lúc phải áp dụng số hóa từ trong quản lý, điều hành, các khâu thực hiện đón tiếp khách để mang đến những trải nghiệm trọn vẹn nhất cho khách hàng, không thể kinh doanh truyền thống nữa. 

Đặc biệt, hậu đại dịch, việc số hóa sẽ càng khó khăn hơn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi công nghệ còn yếu, chưa có quy trình quản lý, chưa có công nghệ thông tin đi sâu vào từng bộ phận để tạo ra quá trình hoạt động chuyên nghiệp, quy trình khép kín. 

Vừa rồi Quốc hội cũng đã thông qua chương trình phát triển, có bổ sung ngân sách để bổ sung chuyển đổi số và xúc tiến du lịch, đây là cơ sở để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. “Chúng tôi mong muốn hơn nữa những chính sách để cùng đưa ngành du lịch phát triển mạnh mẽ hơn nữa” – bà Đỗ Hồng Xoan chia sẻ.

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 969

Về trang trước Về đầu trang