Càng xả nhiều rác càng phải trả nhiều tiền
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với 16 chương, 171 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, với nhiều điểm mới quan trọng như mở rộng phạm vi điều chỉnh, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao…
Một trong những điểm mới đáng chú ý nhất của Luật này là quy định chặt chẽ về nghĩa vụ phân loại rác thải sinh hoạt của mỗi gia đình, cá nhân. Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom, vận chuyển, thậm chí còn bị thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra và xử lý theo quy định (hiện nay, theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP, không phân loại rác có thể sẽ bị phạt từ 15-20 triệu đồng).
Ngoài ra, Luật mới cũng quy định giá của dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sẽ được tính dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Tức là, kể từ ngày 1/1/2022, gia đình, cá nhân nào càng xả nhiều rác thì càng phải trả nhiều tiền…
Lao động đi làm việc ở nước ngoài không phải đóng BHXH và thuế 2 lần
Từ ngày 1/1/2022, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chính thức có hiệu lực.
Điểm mới đáng chú ý tại luật sửa đổi lần này là quy định quyền của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không phải đóng BHXH hoặc thuế thu nhập cá nhân 2 lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động nếu Việt Nam và nước đó đã ký hiệp định về BHXH hoặc hiệp định tránh đánh thuế 2 lần…
Đặc biệt, trong luật mới có thêm nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động Việt Nam trong thời gian làm việc ở nước ngoài, nhất là quy định cho phép NLĐ được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động, có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục…
Luật cũng nghiêm cấm các hành vi lôi kéo, dụ dỗ hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo NLĐ; lợi dụng hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép, mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động; cấm thu tiền môi giới của NLĐ; thu tiền dịch vụ của NLĐ không đúng quy định; sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước không đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, luật mới còn quy định rõ cấm đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong các công việc sau: massage tại nhà hàng, khách sạn, trung tâm giải trí; săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập; liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả; công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn như dưới lòng đất, đại dương…
Xử phạt hành chính đến 1 tỷ đồng
Từ 1/1/2022, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ có hiệu lực thi hành. Luật quy định mức phạt tiền tối đa với các cá nhân lên đến một tỷ đồng nếu vi phạm quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa; quản lý hạt nhân và chất phóng xạ; năng lượng nguyên tử; tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng; hoạt động dầu khí và khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; thủy sản.
Luật cũng quy định phạt tối đa 500 triệu đồng nếu vi phạm ở lĩnh vực xây dựng; lâm nghiệp; đất đai; kinh doanh bất động sản. Mức phạt 250 triệu đồng áp dụng với lĩnh vực điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; thủy lợi; sở hữu trí tuệ; báo chí.
Mức phạt 200 triệu đồng áp dụng với lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mức phạt 150 triệu đồng áp dụng với lĩnh vực quản lý giá; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý, phát triển nhà và công sở; đấu thầu; đầu tư…
Quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính
Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ban hành ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Nghị định quy định về: Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính; quy định về vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính; áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính và quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Theo đó, việc quy định hành vi vi phạm hành chính phải bảo đảm các yêu cầu sau: Có vi phạm các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của pháp luật về trật tự quản lý hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự quản lý hành chính nhà nước; hành vi vi phạm hành chính phải được mô tả rõ ràng, đầy đủ, cụ thể để có thể xác định và xử phạt được trong thực tiễn.
Hình thức xử phạt, mức xử phạt được quy định đối với từng hành vi vi phạm hành chính và phải căn cứ vào các yếu tố sau: Tính chất, mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước của hành vi vi phạm; đối với hành vi vi phạm không nghiêm trọng, có tính chất đơn giản, thì phải quy định hình thức xử phạt cảnh cáo; mức thu nhập, mức sống trung bình của người dân trong từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; mức độ giáo dục, răn đe và tính hợp lý, tính khả thi của việc áp dụng hình thức, mức phạt.
Vi phạm hành chính lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp bị phạt đến 100 triệu đồng
Có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, Nghị định số 122/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đã bổ sung quy định về mức phạt tiền tối đa với các hành vi vi phạm hành chính tại Nghị định này như sau:
Trong lĩnh vực đầu tư là 300 triệu đồng; trong lĩnh vực đấu thầu là 300 triệu đồng; trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp là 100 triệu đồng; trong lĩnh vực quy hoạch là 500 triệu đồng.
Riêng với lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, mức phạt tiền tối đa tăng từ 30 triệu đồng lên 100 triệu đồng so với trước đây.
Tăng nặng các mức xử phạt vi phạm giao thông
Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng đã tăng nặng nhiều mức xử phạt vi phạm. Cụ thể, nghị định bổ sung quy định: Phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi đón, trả khách; nhận, trả hàng trên đường cao tốc.
Hành vi điều khiển ô tô không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) sẽ bị xử phạt 4-6 triệu đồng, thay cho mức phạt cũ từ 800.00 đồng đến 1 triệu đồng.
Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 4-5 triệu đồng đối với người điều khiển mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175cm3 trở lên, mô tô ba bánh thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Có giấy phép lái xe, nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển; không có giấy phép lái xe, hoặc sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, giấy phép lái xe bị tẩy xóa...
Hành vi không đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy hoặc đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng, thay cho mức phạt từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng. Hành vi tài xế ôtô không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị phạt 6-8 triệu đồng, thay cho mức phạt 3-5 triệu đồng; Người lái ôtô có bằng lái xe hết hạn trên 3 tháng, không có bằng lái xe, tẩy xóa, sử dụng bằng lái xe không hợp lệ cũng bị phạt 10-12 triệu đồng…
Với hành vi đua mô tô, xe máy, xe đạp điện trái phép, mức phạt tăng từ 7-8 triệu đồng lên 10-15 triệu đồng và tịch thu xe; hành vi đua ôtô trái phép tăng từ 8-10 triệu đồng lên 20-25 triệu đồng và tịch thu xe. Ngoài ra, Nghị định 123/2021 bổ sung quy định phạt tiền 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện trốn tránh, không trả tiền dịch vụ sử dụng đường bộ khi phương tiện tham gia giao thông qua các trạm thu phí.
Vi phạm quy định về quản lý giá trang thiết bị y tế sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng
Có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, Nghị định 124/2021/NĐ-CP ban hành ngày 28/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Trong đó, Nghị định 124/2021/NĐ-CP bổ sung Điều 78a vi phạm quy định về quản lý giá trang thiết bị y tế vào sau Điều 78 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP. Cụ thể, phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không thực hiện việc kê khai giá trang thiết bị y tế trước khi lưu hành tại Việt Nam; mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai hoặc mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán.
Phân biệt đối xử về giới trong lao động bị phạt tới 30 triệu đồng
Nghị định số 125/2021/NĐ-CP ban hành ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Trong đó, Nghị định quy định, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới đối với cá nhân là 30 triệu đồng.
Giá xăng, dầu được điều chỉnh vào các ngày mùng 1, mùng 11 và ngày 21 hằng tháng
Theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh vào các ngày mùng 1, mùng 11 và ngày 21 hằng tháng (tức là 10 ngày một lần). Nếu trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ; nếu trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán thì được lùi sang kỳ điều chỉnh tiếp theo.
Trước đây, Nghị định 83/2014/NĐ-CP quy định khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá.
Việc rút ngắn khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh giá xăng của Nghị định 95 được cho là nhằm tránh tình trạng tăng giá sốc, giảm giá chậm như hiện nay.
Nghị định cũng sửa đổi điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Một trong các điều kiện được sửa là thương nhân phải có hệ thống phân phối xăng dầu: Tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ 5 năm trở lên, trong đó có ít nhất 5 cửa hàng thuộc sở hữu của doanh nghiệp; tối thiểu 40 tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 02/01/2022.
Bảo đảm công khai, minh bạch giá trang thiết bị y tế khi lưu hành trên thị trường
Nghị định 98/2021/NĐ-CP ban hành ngày 8/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Theo đó, quản lý giá trang thiết bị y tế theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch giá trang thiết bị y tế khi lưu hành trên thị trường.
Niêm yết giá bán buôn, bán lẻ trang thiết bị y tế bằng đồng Việt Nam tại nơi giao dịch hoặc nơi bán trang thiết bị y tế của cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế; thông báo công khai trên bảng, trên giấy hoặc bằng các hình thức khác.
Công khai giá trúng thầu trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế công lập; không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán.
Quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công
Nghị định 99/2021/NĐ-CP ban hành ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Nghị định này quy định chi tiết về quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công cho dự án, công trình, nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.
Trích dẫn không đúng nguồn thông tin thống kê sẽ bị phạt đến 1 triệu đồng
Có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, Nghị định 100/2021/NĐ-CP ban hành ngày 15/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê.
Trong đó, Nghị định bổ sung Khoản 1a vào sau Khoản 1 Điều 13: Phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng đối với hành vi trích dẫn không đúng nguồn thông tin thống kê khi phổ biến, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm.
Tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn lên 02 năm
Nghị định 102/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập, bổ sung quy định phạt từ 04 - 08 triệu đồng đối với trường hợp lập hóa đơn, nhưng không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc trên hóa đơn theo quy định.
Tương tự, với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế, Nghị định cũng quy định phạt từ 04 - 08 triệu đồng và các bên phải lập biên bản ghi nhận việc mất, cháy, hỏng hóa đơn.
Đáng chú ý, Nghị định tăng thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa đơn lên 02 năm, thay vì 01 năm như cũ.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy
Nghị định 105/2021/NĐ-CP ban hành ngày 04/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, trong đó quy định quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.
Thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là 1 năm, kể từ ngày Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định quản lý.
Trong thời hạn quản lý, nếu người đang có quyết định quản lý bị phát hiện tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy mà không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều 23 của Luật Phòng, chống ma túy thì Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền ra quyết định quản lý mới, trong đó xác định lại thời hạn quản lý là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định quản lý mới.
Chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù đối với Bộ đội Biên phòng
Nghị định số 106/2021/NĐ-CP ban hành ngày 6/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Biên phòng Việt Nam có hiệu lực từ ngày 21/01/2022. Nghị định này quy định chi tiết về hệ thống tổ chức; chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù đối với Bộ đội Biên phòng; phối hợp giữa bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng.
Nghị định nêu rõ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, hải đảo có thời gian từ 5 năm trở lên nếu có nhu cầu chuyển gia đình đến định cư ổn định cuộc sống lâu dài ở khu vực biên giới, hải đảo được chính quyền địa phương nơi chuyển đến ưu tiên giao đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai; hỗ trợ về chỗ ở, nhà ở cho gia đình, việc làm cho vợ hoặc chồng của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc Bộ đội Biên phòng và được hưởng các chế độ, chính sách khác theo quy định.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng ngoài được hưởng chế độ tiền lương, phụ cấp và các chính sách khác trong Quân đội còn được hưởng phụ cấp trách nhiệm bảo vệ biên giới, hải đảo trong thời gian trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, hải đảo.
Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng
Nghị định 108/2021/NĐ-CP của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng quy định, từ ngày 1/1/2022, mức lương hưu và mức trợ cấp của những đối tượng đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng sẽ chính thức được tăng.
Mức tăng sẽ là 7,4% so với mức lương hưu, mức trợ cấp bảo hiểm xã hội của tháng 12/2021.
Sau khi thực hiện điều chỉnh theo mức tăng nêu trên, mà mức lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng vẫn thấp hơn 2,5 triệu đồng/tháng, người nghỉ hưu trước năm 1995 còn được tăng thêm với mức như sau:
- Tăng 200.000 đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống.
- Tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng đến dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ở những lần điều chỉnh tiếp theo.
Điều kiện cơ sở y tế thực hiện xác định tình trạng nghiện ma túy
Có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, Nghị định 109/2021/NĐ-CP ban hành ngày 08/12/2021 của Chính phủ quy định cơ sở y tế thực hiện xác định tình trạng nghiện ma túy phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
1- Là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh với phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa nội hoặc chuyên khoa tâm thần hoặc điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy hoặc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; cơ sở giám định pháp y tâm thần.
2- Bác sĩ xác định tình trạng nghiện ma túy phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa tâm thần hoặc đa khoa hoặc chuyên khoa nội hoặc chuyên khoa y học cổ truyền. Trường hợp bác sỹ có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đa khoa hoặc chuyên khoa nội hoặc chuyên khoa y học cổ truyền thì phải có chứng nhận đã hoàn thành khóa tập huấn về xác định tình trạng nghiện ma túy do cơ sở có chức năng đào tạo cấp.
3- Cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm để thực hiện được quy trình chuyên môn xác định tình trạng nghiện ma túy, phù hợp với hình thức tổ chức, phạm vi hoạt động chuyên môn của chuyên khoa.
Doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phải ký quỹ 2 tỷ đồng
Theo Nghị định số 112/2021/NĐ-CP ban hành ngày 10/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (doanh nghiệp dịch vụ) phải thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng tại một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Đối với doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải ký quỹ thêm 500 triệu đồng đối với mỗi chi nhánh được giao nhiệm vụ.
Hỗ trợ tìm việc làm cho người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Nghị định 120/2021/NĐ-CP ban hành ngày 24/12/2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Nghị định quy định cụ thể các nội dung cơ bản trong giáo dục tại xã, phường, thị trấn gồm:
- a) Phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân, các quy định của pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của người được giáo dục.
Phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, về tác hại của việc sử dụng ma túy đối với sức khỏe, gia đình và cộng đồng cho đối tượng là người sử dụng trái phép chất ma túy;
- b) Giáo dục về kỹ năng sống, hỗ trợ học văn hóa, hướng nghiệp, dạy nghề, hỗ trợ tìm việc làm cho người được giáo dục;
- c) Tổ chức cho người được giáo dục tham gia các hoạt động công ích tại cộng đồng với hình thức phù hợp;
- d) Giáo dục về truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước;
đ) Các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật nhằm thúc đẩy việc phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.
Điều chỉnh tăng gấp đôi mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu
Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 quy định mức thu nhập tối thiểu được chọn làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Mỗi tháng, người lao động sẽ phải trích 22% mức thu nhập đã chọn để đóng BHXH tự nguyện.
Sang năm 2022, Khoản 1 Điều 3 Nghị định 07/2021/NĐ-CP thay đổi mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng/tháng lên thành 1,5 triệu đồng/tháng.
Tương ứng với đó, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất sẽ tăng từ 154.000 đồng/tháng lên thành 330.000 đồng/tháng
Ngoài bảo hiểm y tế, người nước ngoài bắt đầu phải đóng quỹ hưu trí - tử tuất
Quy định đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với người lao động nước ngoài và doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài cũng bắt đầu đi vào thực tiễn từ 1.1.2022.
Theo đó, Điều 12 và Điều 13 Nghị định 143/2018/NĐ-CP ghi rõ về mức đóng và phương thức đóng của người lao động.
Từ 1.1.2022, người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này, hàng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Đồng thời, người sử dụng lao động quy định tại Khoản 3 Điều 2 của Nghị định này, hàng tháng đóng 14% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Tiếp tục giảm 37 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp
Thông tư số 120/2021/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thời gian thực hiện từ 1/1-30/6/2022.
Theo đó, có 37 khoản phí, lệ phí được giảm với mức giảm từ 10-50% so với quy định hiện hành.
Nhiều khoản phí, lệ phí được giảm đến 50% mức phí quy định trước đó, như: Lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng; lệ phí giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng; phí thẩm định thiết kế cơ sở; phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán (trừ 2 khoản phí, lệ phí quy định); lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh; lệ phí sở hữu công nghiệp; lệ phí nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp, công bố, đăng bạ đại diện sở hữu công nghiệp...
Sửa đổi hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội
Có hiệu lực từ ngày 20/1/2022, Thông tư 20/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2015/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 6 Thông tư số 25/2015/TT-NHNN về mức cho vay như sau: Đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
Điều kiện thi, xét thăng hạng giáo viên mầm non, phổ thông công lập
Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập có hiệu lực từ 15/1/2022.
Việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ giáo viên hạng II lên giáo viên hạng I được thực hiện thông qua việc xét, chấm điểm hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng và kiểm tra, sát hạch theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I của mỗi cấp học. Giáo viên hạng II dự xét thăng hạng lên giáo viên hạng I được tham dự kiểm tra, sát hạch khi điểm hồ sơ đạt 100 điểm theo thang điểm quy định.
Việc kiểm tra, sát hạch được thực hiện bằng hình thức làm bài trắc nghiệm hoặc phỏng vấn. Đối với hình thức làm bài trắc nghiệm, thời gian thực hiện là 60 phút; đối với hình thức phỏng vấn, thời gian không quá 15 phút/người.
Việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ giáo viên hạng III lên giáo viên hạng II được thực hiện thông qua xét và chấm điểm hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II của mỗi cấp học.
Từ 1/1/2022, người dân có thể mở thẻ ngân hàng bằng hình thức online
Có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, Thông tư 17/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng; trong đó, bổ sung quy định: Tổ chức phát hành thẻ có thể thực hiện phát hành thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh đối với chủ thẻ chính là cá nhân bằng phương thức điện tử.
Hạn chế sử dụng túi nylon khó phân huỷ trong cơ sở y tế
Thông tư 20/2021/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế có hiệu lực từ ngày 10/1/2022. Theo đó, cơ sở y tế phải thực hiện các biện pháp hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần, túi nylon khó phân huỷ nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa.
Thực hiện dân chủ trong thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Thông tư số 117/2021/TT-BCA của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng của Công an nhân dân có hiệu lực từ ngày 15/1/2022.
Mục đích thực hiện dân chủ trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng là phát huy quyền làm chủ của nhân dân, của cán bộ, chiến sĩ CAND trong công tác. Công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng của CAND. Phòng ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà của cán bộ, chiến sĩ CAND khi thực hiện công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng.