Tin KHCN trong nước
Tác động tích cực của đổi mới cơ chế chính sách khoa học công nghệ trong phát triển nông thôn (04/03/2015)
-   +   A-   A+   In  

Động lực chính cho sự phát triển của nông nghiệp nước ta những năm qua chính là sự đổi mới trong cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp mà trụ cột của nó là phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại. Song, khoa học và công nghệ (KH&CN) cũng là một trong những động lực giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong các thành tựu của ngành nông nghiệp. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Liễu - Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Phóng viên: KH&CN đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời là một trong những trọng tâm chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong thời gian qua? Bên cạnh những kết quả đạt được còn có những mặt hạn chế gì? Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong thời gian tới?

 

Ông Nguyễn Văn Liễu: Trong gần 30 năm đổi mới, nền nông nghiệp nước ta đã có sự phát triển đầy ấn tượng, thể hiện một cách rõ nét nhất là ở chỗ từ một nước còn thiếu lương thực trầm trọng những năm 80 trở về trước của thế kỷ trước, hiện nay Việt Nam về nhiều mặt đã được coi là cường quốc về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản với 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đó là: gỗ và sản phẩm gỗ: 6,54 tỷ; tôm: 4,0 tỷ; cà phê 3,62 tỷ; gạo 3,04 tỷ; điều 2,0 tỷ; cao su: 1,8 tỷ; cá tra: 1,8 tỷ; rau quả: 1,47 tỷ; tiêu: 1,2 tỷ, sắn: 1,12 tỷ; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt 30,86 tỷ USD; lĩnh vực nông nghiệp cũng là lĩnh vực xuất siêu nhiều nhất (năm 2013: 8,82 tỷ USD, năm 2014 là 9,02 tỷ USD).

 

Động lực chính cho sự phát triển của nông nghiệp nước ta những năm qua chính là sự đổi mới trong cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp mà trụ cột của nó là phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại. Song KH&CN cũng là một trong những động lực rất quan trọng của phát triển nông nghiệp thời gian qua, nó giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong các thành tựu của ngành nông nghiệp. Theo các chuyên gia kinh tế của FAO thì KH&CN đã đóng góp tối thiểu 30% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp, còn nhiều chuyên gia trong nước cho rằng KH&CN còn đóng góp ở mức cao hơn.

 

Các nhà KH&CN của Việt Nam hàng năm đã nghiên cứu, chọn tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản mới, đáp ứng yêu cầu sản xuất. Nhiều quy trình kỹ thuật sản xuất, phòng trừ dịch hại cũng đã được nghiên cứu, hoàn thiện. Công nghệ sinh học - một lĩnh vực được thế giới rất quan tâm cũng đã được chú trọng đầu tư nghiên cứu và thu được những thành tựu rất đáng kể ở nước ta.

 

Hiện nay nhiều lĩnh vực KH&CN trong nông nghiệp ở nước ta đã có những tiến bộ vượt bậc: Chúng ta gần như đã tự chủ hoàn toàn về công tác tạo giống cây trồng (trừ một số giống ngô nhập ở nước ngoài); nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm như vàng lùn, lùn xoắn lá, bệnh tai xanh ở lợn, bệnh cúm gia cầm đã có quy trình công nghệ phòng trị; chúng ta cũng đã tự nghiên cứu sản xuất được nhiều loại vắc-xin trong chăn nuôi, trong đó cáo vắc-xin H5N1 (Công ty CP Thuốc thú y TW2- NAVETCO); công nghệ sản xuất cá tra của ta cũng vào loại hàng đầu thế giới (chúng ta đã tự sản xuất được cá tra giống sạch bệnh, quy trình nuôi công nghiệp đã cho năng suất vượt 500 tấn/ha)…

 

Hiện nay năng suất lúa của Việt Nam cao nhất khối ASEAN (trong đó cao hơn gấp rưỡi Thái Lan), cà phê cũng có năng suất đứng thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Brazil), hồ tiêu đứng đầu thế giới, cao su cũng đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Ấn Độ), cá tra cao nhất thế giới...

 

Chính vì năng lực KH&CN của nước ta trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng cao nên FAO và một số tổ chức của Liên hợp quốc hiện đang thuê chuyên gia Việt Nam làm cho nhiều chương trình phát triển nông nghiệp của Liên hợp quốc.

 

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được của KH&CN trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp còn một số hạn chế, tồn tại như: Cơ chế quản lý KH&CN nói chung cũng như KH&CN trong nông nghiệp, nông thôn nói riêng đã có nhiều đổi mới song chưa thoát hẳn khỏi các cơ chế lạc hậu mang nặng tính hành chính, nên chưa tạo động lực thực sự cho yêu cầu phát triển KH&CN trong nông nghiệp; hệ thống KH&CN nông nghiệp tuy có quy mô lớn song ngày càng thể hiện là quá cồng kềnh và kém hiệu quả; nguồn nhân lực trong các tổ chức KH&CN còn nhiều bất cập: chất lượng nguồn nhân lực có xu hướng giảm, hiện tượng “chảy máu chất xám” có xu hướng tăng nhanh trong vài năm gần đây.

 

Ngoài ra, kinh phí đầu tư cho KH&CN trong nông nghiệp, nông thôn còn quá thấp so với yêu cầu: hiện tại, nguồn lực đầu tư cho KH&CN phục vụ nông nghiệp, nông thôn chỉ đáp ứng khoảng 55 - 60% so với nhu cầu; xuất phát điểm của KH&CN nước ta nói chung cũng như KH&CN trong nông nghiệp nói riêng là thấp nên trình độ KH&CN trong nông nghiệp của nước ta còn thấp so với thế giới; trong khi các giải pháp liên kết trong sản xuất nông nghiệp chưa trở thành phổ biến thì kinh tế hộ với ruộng đất manh mún vẫn đang là lực cản lớn cho quá trình đầu tư ứng dụng KH&CN trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; thương mại hóa kết quả KH&CN trong nông nghiệp gặp khó khăn do đối tượng thụ hưởng chủ yếu là hộ nông dân nhỏ lẻ làm ăn manh mún, khả năng chi trả kém.

 

Về giải pháp khắc phục, cần tập trung vào thực hiện tốt các nhiệm vụ sau: Thứ nhất, thực hiện tốt những đổi mới cơ bản về cơ chế hoạt động KH&CN theo tinh thần của Luật Khoa học và Công nghệ cũng như các nghị định hướng dẫn thi hành, như: Cơ chế đặt hàng, Cơ chế quỹ, Cơ chế khoán, Cơ chế liên kết và Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thứ hai, tăng cường đầu tư cho KH&CN lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó tập trung vào việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình quốc gia về KH&CN đến năm 2020, trong đó có một số chương trình quan trọng liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn như: Phát triển sản phẩm quốc gia; Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; Đổi mới công nghệ quốc gia; và các Chương trình quốc gia như: Phát triển công nghệ cao; Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp; Chương trình KH&CN phục vụ phát triển nông thôn mới; Các Chương trình/đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường. Thứ ba, tăng cường phối hợp hoạt động giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tổ chức thực hiện các giải pháp nêu trên.

 

Phóng viên: KH&CN trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới có ý nghĩa thế nào trong sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của nước ta, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Văn Liễu: Trước hết phải nói là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình hết sức quan trọng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong Hội nghị đánh giá về thực hiện Chương trình này năm 2014 đã cho rằng: Thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ tổ quốc, là nội dung cụ thể của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn cũng như công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2014 thì một xã muốn được coi là nông thôn mới phải đạt 19 tiêu chí: Từ quy hoạch, phát triển hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa, bảo vệ môi trường đến xây dựng hệ thống chính trị, an ninh trật tự.

 

Nông thôn mới không chỉ có bộ mặt nông thôn được thay đổi bằng cơ sở hạ tầng, mà nông thôn mới phải tạo được cơ hội cho nông dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế bền vững. Muốn làm được điều này, ngoài các chính sách về tổ chức lại sản xuất, chính sách về ưu đãi tín dụng, chính sách tổ chức thị trường thì không có cách nào khác là phải đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của KH&CN vào sản xuất kinh doanh, dich vụ.

 

Chúng ta phải đưa các giống cây con mới, đưa kỹ thuật, công nghệ tiến tiến, công nghệ cao vào sản xuất, đưa công nghệ thông tin vào nông thôn phục vụ kết nối thị trường để các hàng hóa sản xuất từ nông nghiệp, nông thôn có chất lượng tốt, sức cạnh tranh tốt trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

 

Chính vì vậy, khi xây dựng nông thôn mới đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền phải hết sức quan tâm đến việc đưa các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, phát huy sức sáng tạo của người dân nông thôn.

 

Phóng viên: Xin ông một vài nhận xét về hiệu quả thực hiện mô hình “Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà nông – Nhà doanh nghiệp" trong thời gian qua? Ông có thể chia sẻ một số giải pháp nhằm khẳng định vai trò của Nhà khoa học trong chuỗi “Liên kết 4 nhà”?

 

Ông Nguyễn Văn Liễu: Trước hết, theo tôi mô hình “Liên kết 4 nhà” là một mô hình tốt, mô hình lý tưởng. Khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 26/4/2000 về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng, chúng ta đã rất kỳ vọng vào việc phát triển mạnh mẽ mối liên kết này. Tuy nhiên trong thực tiễn nhiều năm qua, do cách thức tổ chức sản xuất manh mún của ta nên mô hình này chưa phát triển, vì vậy hiệu quả của nó chưa rõ.

 

Vai trò của Nhà khoa học được coi là then chốt trong mối liên kết. Nhưng trong thực tiễn nhà khoa học lại thiếu các chính sách hỗ nhà khoa học, nhà khoa học không được hưởng lợi nhiều trong mối liên kết đó, mà chỉ có nghĩa vụ phục vụ, hoạt động KH&CN trong nông nghiệp mang nặng tính công ích, bao cấp.

 

Những khó khăn vướng mắc như trên chính là xuất phát từ mô hình sản xuất dựa chủ yếu vào kinh tế hộ nhỏ lẻ, không đủ sức tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn có sức cạnh tranh cao. Hay nói cách khác chính là quan hệ sản xuất hiện tại đang lạc hậu nên kìm hãm lực lượng sản xuất.

 

Như vậy để giải quyết khó khăn, đầu tiên là phải tính lại cách thức tổ chức sản xuất nông nghiệp. Vấn đề này hiện nay đang được gọi là “tái cấu trúc” hay “tái cơ cấu” ngành nông nghiệp. Tức là phải khuyến khích sản xuất tập trung quy mô lớn, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, khuyến khích liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để đảm bảo lợi ích của tất cả các đối tượng tham gia vào chuỗi. Có như vậy thì Nhà khoa học mới gắn các hoạt động nghiên cứu của mình với sản xuất, với thị trường, gắn với Nhà nông, Nhà doanh nghiệp. Sự liên kết giữa Nhà nông và Nhà doanh nghiệp mới đảm bảo khả năng đầu tư sản xuất hàng hóa quy mô lớn và phát triển ổn định và từ đó sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ hiệu quả hơn.

 

Còn về hoạt động KH&CN trong mối liên kết này cũng phải hướng trọng tâm vào doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết với nông dân và hoạt động KH&CN cũng phải theo nguyên tắc thị trường, tức là nghiên cứu phải đáp ứng cầu của sản xuất, song cũng phải đảm bảo bán được sản phẩm KH&CN để tái đầu tư phát triển KH&CN.

 

Đáng mừng là gần đây Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 ban hành chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Chính sách này phần nào khắc phục được các khó khăn, thúc đẩy liên kết trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

 

Phóng viên: Vậy bức tranh KH&CN nước ta trong năm 2015 sẽ như thế nào và mục tiêu phát triển ngành trong giai đoạn tiếp theo là gì?

 

Ông Nguyễn Văn Liễu: Năm 2015 là năm khởi đầu cho việc thực hiện nhiều cơ chế chính sách mới theo tinh thần đổi mới của Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, cũng như triển khai thực hiện Luật KH&CN và các văn bản hướng dẫn thi hành. Chính vì vậy, hoạt động KH&CN chắc chắn sẽ có rất nhiều khởi sắc do cơ chế mới mang lại, nhưng cũng có rất nhiều khó khăn do việc vận hành cơ chế mới chưa thật “trơn tru”. Tuy nhiên, tổng thể mà nhìn nhận thì tôi thấy rằng: Năm 2015 hoạt động KH&CN chắc chắn sẽ thu được những kết quả tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Cụ thể: trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn các hoạt động KH&CN sẽ góp phần tạo lập cơ sở cho Trung ương Đảng, các cấp ủy đảng định ra được các chủ trương, phương hướng phát triển của đất nước cũng như của từng địa phương giai đoạn 2016 - 2020; hoạt động trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ sẽ tiếp tục có các kết quả tốt hơn ứng dụng trong phát triển nông nghiệp, công nghiệp, y tế, giao thông, xây dựng, thông tin truyền thông và quốc phòng an ninh; các hoạt động nghiên cứu cơ bản cũng sẽ được thúc đẩy với việc triển khai các chuương trình khoa học về toán học và vật lý.

 

Năm 2014, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2014 (GII 2014). Theo đó, nhờ sự phát triển nhanh của nền KH&CN nước ta mà Việt Nam đã tăng năm bậc trên Bảng xếp hạng, đứng thứ 71 (so với vị trí 76 năm 2013) trên tổng số 143 nền kinh tế được đánh giá. So với các nước trong ASEAN thì Việt Nam xếp thứ 4, chỉ sau Xin-ga-po (thứ 7), Ma-lai-xia (33) và Thái Lan (48).

 

Tôi hy vọng rằng năm 2015 này Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước tiến dài hơn trong việc thăng hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo theo đánh giá của WIPO, để đến năm 2020 chúng ta có thể xếp thứ 3 khu vực Đông Nam Á về đổi mới sáng tạo.

 

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 12243

Về trang trước Về đầu trang