Thông tin chỉ đạo điều hành
Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 (từ ngày 25/5 – 30/6): “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em” (10/05/2022)
-   +   A-   A+   In  

Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và cộng đồng trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; đồng thời góp phần tạo điều kiện cho mọi trẻ em có một mùa hè an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (diễn ra từ 25/5 – 30/6/2022) với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”.

Theo đó, UBND tỉnh đề nghị các Sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan trực thuộc và phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai một số hoạt động cụ thể sau:

1. Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động xã hội như: Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em; đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội về luật pháp, chính sách liên quan đến trẻ em; truyền thông tại gia đình và cộng đồng về giáo dục đạo đức, lối sống, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, kỹ năng bảo vệ, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục, hạn chế tai nạn thương tích trẻ em...; tuyên truyền về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 và hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tại địa phương, Đường dây nóng 24/7 của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh: 02543. 829.839, nhà tạm lánh, địa chỉ tin cậy tại các địa phương.

2. Nâng cao năng lực bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em, bản thân trẻ em và người chăm sóc trẻ em thông qua các lớp tập huấn.

3. Vận động các nguồn lực hỗ trợ, chăm sóc trẻ em; nhất là trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

4. Tổ chức các hoạt động thúc đẩy sự tham gia của trẻ em như: diễn đàn – đối thoại giữa học sinh và phụ huynh; câu lạc bộ - đội -  nhóm do trẻ em khởi xướng; các lớp hướng dẫn trẻ em về kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em và các vấn đề liên quan đến trẻ em phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và phát triển của trẻ em.

5. Tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè, văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, du lịch, tham quan, giao lưu với nội dung bổ ích, an toàn, phù hợp; tăng cường các lớp dạy bơi, trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước, an toàn khi tham gia giao thông, kỹ năng cứu hộ và sơ cứu trẻ em bị tai nạn, thương tích... để trẻ em có kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh.

Để triển khai tốt Tháng hành động vì trẻ em năm 2022, UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương xây dựng Kế hoạch hướng dẫn triển khai các hoạt động cụ thể; trong đó chú trọng lồng ghép nội dung các hoạt động của Tháng hành động vì trẻ em với nội dung hoạt động của đơn vị, địa phương. Kế hoạch phải đảm bảo hiệu quả thiết thực, an toàn cho trẻ em và chấp hành các quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, các địa phương cần tiến hành rà soát, kiểm tra phát hiện kịp thời các khu vực, địa điểm thường xảy ra hoặc có nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em (công trình xây dựng, ao, hồ, sông, suối…) nhằm chủ động có biện pháp phòng ngừa, khắc phục như làm rào chắn, nắp đậy, biển cảnh báo; có giải pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, hỗ trợ kịp thời các trẻ em bị xâm hại và chỉ đạo kiên quyết xử lý các tội phạm gây bạo lực và xâm hại trẻ em…

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND tỉnh đôn đốc, báo cáo thường xuyên với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình triển khai thực hiện tại các Sở, ban, ngành và địa phương liên quan.

Không chỉ tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 là điểm nhấn trong năm nhằm tạo nên đợt cao điểm đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên toàn quốc với các thông điệp, khẩu hiệu truyền thông:

1. Trẻ em phải được an toàn trong ngôi nhà của mình.

2. Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng.

3. Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em.

4. Kiên quyết phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình.

5. Hãy lên tiếng để ngăn chặn mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em.

6. Gọi 111 để thông báo, tố giác mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em.

7. Số 111 - tiếp nhận thông tin mọi lúc, bảo vệ trẻ em mọi nơi.

8. Bảo vệ quyền của mọi trẻ em trên môi trường mạng.

9. Hãy cho trẻ em học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

10. Đội mũ bảo hiểm cho con, trọn tình cha mẹ.

(Nguồn: Kế hoạch số 75/KH-UBND)

Nguồn: baria-vungtau.gov.vn

Số lượt đọc: 1298

Về trang trước Về đầu trang