Tin KHCN trong nước
Hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất giấy chống thấm dầu mỡ dùng cho bao gói thực phẩm khô (14/01/2022)
-   +   A-   A+   In  
Giấy chống thấm dầu mỡ (greaseproof) là loại giấy bao gói có khả năng chống thấm dầu mỡ. Loại giấy này khi sử dụng cho bao gói thực phẩm thì không những phải có tính chất phù hợp với giấy bao gói mà còn phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trước đây, tính chất chống thấm dầu mỡ của giấy được tạo thành chủ yếu là do quá trình nghiền bột giấy tới độ nghiền rất cao. Giấy sản xuất theo công nghệ này thường có giá thành cao do quá trình sản xuất tiêu hao năng lượng lớn. Để giảm giá thành của sản phẩm giấy chống thấm dầu mỡ, một trong các phương pháp được các nhà khoa học trên thế giới đi sâu vào nghiên cứu là sử dụng các loại hóa chất để tạo cho giấy có tính chịu và chống thấm dầu mỡ. Hiện nay, trên thế giới hiện nay đã có rất nhiều loại hóa chất dạng thương phẩm có tính chống thấm dầu mỡ như: AG-E060, AG-E070, AG-E080, AG-E090 (oil and grease resistant fluorochemical) của Công ty AGC Chemicals ASAHI GLASS co.,ltđ. Các chất này có thể sử dụng cho sản xuất giấy chống thấm dầu mỡ bằng cách tráng phủ lên bề mặt cũng như được phối trộn với bột giấy ở phần ướt. Điều quan trọng nhất là các loại hóa chất này đều được cấp chứng nhận của FDA (Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ) cho phép sử dụng trong quá trình sản xuất các loại sản phẩm tiếp xúc với thực phẩm. Các loại giấy chống thấm dầu mỡ dùng cho bao gói thực phẩm đang sử dụng ở Việt Nam đều được nhập khẩu từ nước ngoài. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải Quan số lượng các loại giấy chống thấm dầu mỡ nhập khẩu vào Việt Nam theo đường chính ngạch hàng năm khoảng 700 - 1000 tấn/năm và sản phẩm có giá thành khoảng 40 - 50 triệu đồng/tấn. Hiện tại, Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu về công nghệ sản xuất giấy bao gói công nghiệp. Tuy nhiên, riêng loại giấy bao gói thực phẩm khô có tính chống thấm dầu mỡ lại chưa có một nghiên cứu, triển khai nào có tính hệ thống và bài bản.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội, hạn chế nhập khẩu, năm 2016 Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đã được Bộ Công Thương giao thực hiện đề tài: “Nghiên cứu công nghệ sản xuất giấy chống thấm dầu mỡ dùng cho bao gói thực phẩm”. Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy, các chỉ tiêu chất lượng của giấy chống thấm dầu mỡ sản xuất thử nghiệm tại Trung tâm sản xuất thử nghiệm - Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô về cơ bản đều đạt yêu cầu đề ra và tương đương với chất lượng của giấy chống thấm dầu mỡ nhập khẩu từ Indonesia. Để nâng cao và ổn định chất lượng sản phẩm, việc tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ - thiết bị cho sản xuất giấy chống thấm dầu mỡ là rất cần thiết.

Nhằm tạo ra được sản phẩm hoàn chỉnh, có chất lượng đáp ứng được yêu cầu của thị trường, từng bước cạnh tranh và thay thế giấy nhập khẩu, nhóm nghiên cứu do KS. Đỗ Thị Thu Nguyệt, Viện công nghiệp giấy và xenluylô đã tiếp tục đề xuất và được Bộ Công Thương giao thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm: “Hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất giấy chống thấm dầu mỡ dùng cho bao gói thực phẩm khô”.

Sau gần 2 năm thực hiện dự án, nhóm dự án đã đạt được một số kết quả sau:

1. Đã nghiên cứu và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giấy chống thấm dầu mỡ dùng cho bao gói thực phẩm khô trong phòng thí nghiệm và trên dây chuyền sản xuất thiết kế 2,5 tấn /ngày với sản lượng 1,5 tấn/ngày.

 2. Đã thiết kế và hoàn thiện dây chuyền sản xuất giấy chống thấm dầu mỡ dùng cho bao gói thực phẩm khô trên cơ sở dây chuyền hiện có của Trung tâm sản xuất thực nghiệm có thể sản xuất được 1,5 tấn giấy chống thấm dầu mỡ dùng cho bao gói thực phẩm khô/ngày.

3. Đã đào tạo được 02 cán bộ công nghệ - kỹ thuật và 11 công nhân vận hành nắm vững quy trình sản xuất trên dây chuyền hiện có của Trung tâm sản xuất thực nghiệm - Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô.

4. Đã tiến hành sản xuất 04 đợt sản xuất thử nghiệm, sản lượng 152,4 tấn giấy với chất lượng đạt yêu cầu đề ra, ổn định có khả năng tiêu thụ trên thị trường.

5. Đã từng bước tiếp cận thị trường và tiêu thụ được gần 142,5 tấn sản phẩm, doanh thu ước đạt 3776,25 triệu đồng. Trong thời gian tới Viện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác bán hàng và sản xuất tiếp.

Như vậy, kết quả nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ và thiết bị để sản xuất giấy chống thấm dầu mỡ và ứng dụng trên dây chuyền sản xuất giấy, công suất 2,5 tấn/ngày của Viện CN Giấy và Xenluylô là cơ sở, tiền đề cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn chuyển đổi công nghệ sang hướng phát triển, sản xuất sản phẩm giấy đặc biệt, giá trị cao cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Bước đầu định hình một sản phẩm mới, thay thế sản phẩm giấy nhập khẩu, sản phẩm nhựa dùng một lần. Đối với lĩnh vực sản xuất giấy bao gói, dự án sẽ góp phần vào việc từng bước chuyển đổi sản phẩm theo hướng sản lượng ít, giá trị và hiệu quả kinh tế cao cho các đơn vị có công suất vừa và nhỏ.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 16915/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 4256

Về trang trước Về đầu trang