Tin KHCN trong nước
Chế phẩm phòng bệnh dịch tả heo châu Phi từ tế bào nấm men (16/02/2022)
-   +   A-   A+   In  
Sản phẩm PIG-FERON của nhóm tác giả ở Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM có khả năng phòng bệnh dịch tả heo Châu Phi và một số bệnh do virus khác.

Trong nhiều năm, ngành gia súc, gia cầm của nước ta thường xuyên bị thiệt hại nghiêm trọng do các bệnh do virus gây ra như cúm, Gumboro,… trên gia cầm, và một số bệnh thường gặp trên heo như dịch tả, lở mồm long móng, tai xanh,… Đây là những bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan nhanh, để lại hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và môi trường. Phương pháp phòng các bệnh do virus chủ yếu là vaccine; tuy nhiên, virus có tính biển đổi nhanh làm giảm hiệu quả của vaccine, và một số bệnh chưa có vaccine phòng ngừa,… Bên cạnh đó, chưa có thuốc điều trị các bệnh do virus gây ra, nên khi xuất hiện dịch, phương pháp xử lý chủ yếu là cách ly và tiêu hủy.
 
 
interferon (IFN) là glycoprotein được sản xuất bởi hầu hết các tế bào động vật có xương sống nhằm đáp ứng lại sự xâm nhiễm của các tác nhân như sinh vật gây bệnh (virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng,…) và các tế bào khối u. IFN được phân thành nhiều lớp như IFNα, IFNβ, IFNω, IFNε,… Trong đó, IFNα - được sử dụng để điều trị viêm gan C cấp và mãn, viêm gan B mãn, HIV,…. trên người - có khả năng kích hoạt trạng thái kháng virus ở cả tế bào bị nhiễm bị nhiễm virus và các tế bào lân cận không bị nhiễm virus.
 
 
Từ những năm 2016, Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM đã nghiên cứu thành công chế phẩm IFN gà (CHICKEN-FERON), có hiệu quả bảo vệ gà con kháng lại virus gây bệnh, đạt tỷ lệ 80%, chế phẩm an toàn, không gây ra tác động xấu nào cho gà. Sản phẩm CHICKEN-FERON được đánh giá hiệu quả trên nhiều hệ thống thực nghiệm như tế bào xơ phôi gà, phôi gà, gà và vịt bị gây nhiễm virus.
 
 
b
Các sản phẩm interferon-α phòng bệnh trên gia súc, gia cầm Ảnh: NNC
 
Tiếp nối thành công này, Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM tiếp tục thực hiện để tài nghiên cứu tạo interferon heo (PoIFNα) trên tế bào nấm men P.pastoris bằng kỹ thuật DNA tái tổ hợp. P.pastoris là chủng nấm men biểu hiện mạnh protein tái tổ hợp ở dạng tan, đồng thời có thể biểu hiện các protein tái tổ hợp trong quá trình lên men với mật độ tế bào cao, mà không làm giảm năng suất sản phẩm và tiết protein tái tổ hợp vào môi trường nuôi.
 
 
Theo đó, nhóm đã tạo được dòng tế bào nấm men P.pastoris có khả năng biểu hiện tiết ổn định PoIFNα. Đồng thời, xây dựng quy trình lên men PoIFNα trong điều kiện nuôi cấy lắc và trên bồn lên men. Từ đó, tạo chế phẩm PoIFNα dạng tan (CHICKEN-FERON), có độ tinh sạch trên 90%.
 
Sản phẩm PIG-FERON đã được sử dụng thử nghiệm trên heo thịt, heo nái ở các trại chăn nuôi heo trên địa bàn TPHCM, Cần Thơ, Bến Tre, Tiền Giang cho thấy hiệu quả trong việc phòng bệnh dịch tả heo châu Phi cũng như tiềm năng phòng và trị một số bệnh do virus khác. Khi sử dụng liều tiêm 3 – 5 ngày/lần đối với heo trong vùng dịch, PIG-FERON các tác dụng phòng bệnh với tỷ lệ bảo hộ 100%. So sánh với các hộ cùng xã không dùng PIG-FERON thì tỷ lệ chết là 90 – 100%. Từ những kết quả đó, sản phẩm PIG-FERON được khuyến nghị sử dụng cho phòng bệnh ngay từ đầu, đặc biệt với các đàn heo vừa tái đàn, nhằm tăng cường hệ miễn dịch của heo.
 
 
Cuối năm 2021, đề tài “Nghiên cứu tạo sản phẩm interferon-α heo tái tổ hợp ứng dụng trong phòng bệnh do virus gây bệnh dịch tả heo châu Phi trên heo nuôi” của nhóm tác giả Trung tâm đã được trao giải Nhất hội thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật TPHCM” lần thứ 26 (năm 2019 - 2020).

Nguồn: khoahocphattrien.vn

Số lượt đọc: 3322

Về trang trước Về đầu trang