Tin KHCN trong nước
Sở hữu trí tuệ: Công cụ 'nâng tầm' hoạt động đổi mới sáng tạo (26/04/2022)
-   +   A-   A+   In  
Hoạt động đổi mới sáng tạo rất đa dạng và có nhiều cấp độ khác nhau. Nó có thể là việc triển khai một ý tưởng mới, tạo ra các sáng chế, tác phẩm nghệ thuật hoặc giống cây trồng mới… Dù ở mức độ, cấp độ nào, thì đổi mới sáng tạo luôn bắt nguồn từ các ý tưởng. Đây cũng là khởi nguồn hình thành tài sản trí tuệ của nhân loại. Vì vậy, sở hữu trí tuệ được ví là công cụ đòn bẩy thúc đẩy, nâng tầm cho đổi mới sáng tạo.

Những năm qua, làn sóng đổi mới sáng tạo đang tạo ra hiệu ứng lan tỏa trên nhiều tỉnh, thành phố và trong nhiều lĩnh vực. Đi kèm với phong trào "khởi nghiệp", "đổi mới sáng tạo" là thuật ngữ "sở hữu trí tuệ".

Tuy nhiên, dường như những vụ kiện tụng tốn kém để lấy lại các thương hiệu nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre, võng xếp Duy Lợi, thuốc lá Vinataba… trên thị trường nước ngoài vẫn chưa là bài học đắt giá cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, các start-up.

Thực tế hiện nay là các nhóm khởi nghiệp mới chỉ tập trung vào hình thành doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư mà ít chú trọng đến việc tạo ra, xác lập và khai thác các tài sản trí tuệ của mình.

Vẫn còn nhiều start-up ra đời mà chưa dựa trên yếu tố đổi mới sáng tạo, chưa tích hợp được công nghệ đặc thù, thay vào đó chỉ mới sao chép mô hình kinh doanh, ý tưởng hoặc sản phẩm tương tự đã có trên thị trường trong và ngoài nước nên thực tế cũng không có gì để… đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Thậm chí có những bạn trẻ cho rằng sở hữu trí tuệ với cơ chế bảo hộ có khi còn là "tấm rào" làm chậm lại tinh thần đổi mới sáng tạo.

Báo Điện tử Chính phủ đã trao đổi với ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) về những vấn đề liên quan đến tài sản trí tuệ và đổi mới sáng tạo.

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN): Quyền sở hữu trí tuệ khuyến khích, thúc đẩy bản thân các chủ thể quyền, các cá nhân, pháp nhân, tổ chức liên quan trong xã hội không ngừng đổi mới và sáng tạo ra các đối tượng sở hữu trí tuệ mới để được bảo hộ độc quyền - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

 

Gắn quyền sở hữu trí tuệ với các hoạt động đổi mới sáng tạo

Thưa ông, quyền sở hữu trí tuệ thường gắn với những từ như "độc quyền" hay "bảo hộ", trong khi đó đổi mới sáng tạo thường gắn với tính "mới", "mở". Dường như có sự đối lập. Vậy sở hữu trí tuệ có khuyến khích đổi mới sáng tạo không, thưa ông?

Ông Đinh Hữu Phí: Giả dụ, bạn có ý tưởng phát triển công nghệ nhằm giải quyết một vấn đề nào đó. Lúc này, bạn có thể khai thác kho thông tin sáng chế để tìm hiểu trình độ công nghệ của thế giới về lĩnh vực đó để tiếp tục cải tiến, tránh nghiên cứu trùng lặp, hoặc bạn có thể tìm thấy công nghệ được phép khai thác miễn phí do công nghệ đó đã hết thời hạn bảo hộ hoặc không đăng ký bảo hộ ở Việt Nam.

Nếu công nghệ do bạn tạo ra được bảo hộ sáng chế tại Việt Nam, lúc này, bạn sẽ độc quyền sản xuất, kinh doanh công nghệ này trong nước hoặc cho phép người khác sử dụng và thu lợi từ phí li-xăng. Đến khi đưa công nghệ ra thị trường tiêu thụ, bạn cần tính đến bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ đối với các chỉ dẫn thương mại gắn với công nghệ này như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm... Hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn giúp ngăn chặn hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, độc quyền đối với tài sản trí tuệ chính là cơ sở pháp lý cho quá trình đưa các quyền sở hữu trí tuệ ra thị trường, thu về lợi nhuận và tăng trưởng bền vững trong sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, hiện nay quyền sở hữu trí tuệ chính là công cụ đắc lực, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho sự phát triển của các doanh nghiệp, các chủ thể quyền khác trong nền kinh tế thị trường.

Rõ ràng là sở hữu trí tuệ đồng hành và gắn kết chặt chẽ với hoạt động đổi mới sáng tạo của những bạn trẻ nói riêng và những chủ thể sáng tạo nói chung. Quyền sở hữu trí tuệ khuyến khích, thúc đẩy bản thân các chủ thể quyền, các cá nhân, pháp nhân, tổ chức liên quan trong xã hội không ngừng đổi mới và sáng tạo ra các đối tượng sở hữu trí tuệ mới để được bảo hộ độc quyền.

Với Thông điệp của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) năm nay là: "Sở hữu trí tuệ và thế hệ trẻ: Đổi mới sáng tạo vì một tương lai tốt đẹp hơn", tại Việt Nam, những chủ thể sáng tạo trẻ tuổi được tạo điều kiện để thúc đẩy ý tưởng sáng tạo của mình bằng hệ thống sở hữu trí tuệ như thế nào, thưa ông?

Ông Đinh Hữu Phí: Bên cạnh việc tạo môi trường pháp lý thuận lợi và chính sách về tài chính (vay vốn, ưu đãi thuế) cho những người làm sáng tạo nói chung - trong đó bao gồm những nhà sáng chế, doanh nghiệp trẻ - Việt Nam cũng đưa ra các giải pháp hỗ trợ về sở hữu trí tuệ.

Theo quy định của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017, đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ thêm các vấn đề về sở hữu trí tuệ; khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đào tạo, thông tin, thương mại hóa.

Thông tư 75/2021/TT-BTC ngày 9/9/2021 do Bộ Tài chính ban hành quy định về quản lý tài chính thực hiện Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 nêu rõ về mức ngân sách nhà nước hỗ trợ trong đơn đăng ký bảo hộ trong nước, như: Đối với đơn đăng ký bảo hộ sáng chế và đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới, mức hỗ trợ 30 triệu đồng/đơn; đối với đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu, 15 triệu đồng/văn bằng bảo hộ. Hình thức hỗ trợ này không phân biệt về độ tuổi, nên các bạn trẻ đều có thể nghiên cứu để tham gia Chương trình.

Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước cũng hỗ trợ kinh phí triển khai các biện pháp bảo vệ và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Như kinh phí tổ chức trưng bày, triển lãm phân biệt sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; xác định, lựa chọn sản phẩm, tra cứu đánh giá sản phẩm được bảo hộ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Với nhiệm vụ quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ đã dành nguồn lực cho hoạt động phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Trong đó, Cục đã có những quan tâm nhất định tới đối tượng giới trẻ từ khá sớm nhằm nâng cao nhận thức cũng như tư vấn, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ cho các bạn trẻ như: Tổ chức đào tạo kiến thức về sở hữu trí tuệ từ cơ bản đến nâng cao cho sinh viên của các trường đại học trên toàn quốc, tổ chức các cuộc thi, hỗ trợ, tư vấn xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm/dự án…

Trong giai đoạn sắp tới, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ nghiên cứu và học tập kinh nghiệm quốc tế để mở rộng hoạt động tuyên truyền về sở hữu trí tuệ tới các cấp học phổ thông với mục tiêu tạo dựng và nuôi dưỡng văn hóa sở hữu trí tuệ cho trẻ em Việt Nam từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chúng tôi mong muốn ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác và biết cách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình sẽ được đi vào tiềm thức của trẻ em càng sớm càng tốt.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương giới thiệu với Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt một thương hiệu sản phẩm tiêu biểu của Bắc Giang trong khuôn khổ Hội nghị Sở hữu trí tuệ năm 2022 - Ảnh: VGP

Hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội

Như vậy, việc nhận thức đúng đắn về vai trò này của sở hữu trí tuệ chính là bước đi đầu tiên vững chắc trên con đường đổi mới sáng tạo. Chúng ta có một mẫu hình sở hữu trí tuệ cho những người sáng tạo trẻ không, thưa ông?

Ông Đinh Hữu Phí: Khó có một mẫu hình duy nhất nào về sở hữu trí tuệ có thể áp dụng cho mọi ngành nghề, lĩnh vực. Đối với những người làm trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, phần mềm máy tính... thì cần quan tâm tới quyền tác giả, quyền liên quan, còn doanh nhiệp sản xuất thì quan tâm tới quyền sở hữu công nghiệp để bảo hộ cho các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, bí mật kinh doanh...

Trong một hệ thống sở hữu trí tuệ đa dạng đối tượng bảo hộ, lời khuyên đối với thế hệ thanh niên là: Các bạn nên chủ động trang bị cho mình kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ để biết được mình cần lấy gì từ chiếc giỏ lớn và tập trung vào cái mình đã chọn, cần có những hiểu biết đúng đắn, đầy đủ và luôn cập nhật xu thế phát triển. Bằng sự sáng tạo và khéo léo của mình, những người trẻ tuổi ở mọi khu vực đang thúc đẩy sự thay đổi và tạo ra những con đường đến một tương lai tốt đẹp hơn.

Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành đã đề ra giải pháp quan trọng đó là hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội. Vậy làm sao để hình thành được "văn hóa sở hữu trí tuệ" thưa ông?

Ông Đinh Hữu Phí: Những năm qua, các mạng xã hội phủ sóng toàn cầu như Facebook, Instagram; công ty công nghệ như Samsung, Apple; nền tảng xem trực tuyến như Youtube, Netflix... xâm nhập sâu rộng vào thị trường Việt Nam và đi kèm với đó là vấn đề tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Khi càng nhiều doanh nghiệp đa quốc gia hiện diện tại Việt Nam thì yêu cầu về ý thức xã hội, cách thức hành xử liên quan đến các vấn đề sở hữu trí tuệ tự nó dần dần trở lên bức thiết.

Chính phủ Việt Nam đã sớm xác định chủ trương "sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ làm đòn bẩy thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế xã hội". Có thể nói rằng, chúng ta đã nhận thức đúng đắn ngay từ cấp trung ương và chủ trương này trở thành kim chỉ nam lan tỏa đi nhiều cấp, ngành.

Văn hóa sở hữu trí tuệ ở đây chủ yếu là đề cập đến nhận thức, thái độ, lòng tin, quan niệm của con người đối với các vấn đề sở hữu trí tuệ và cách thức hành vi xử thế liên quan đến các vấn đề sở hữu trí tuệ. Cũng có thể nói, văn hóa sở hữu trí tuệ nghĩa là văn hóa của con người biết tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác.

Văn hóa sở hữu trí tuệ có thể được sử dụng như một công cụ mạnh mẽ để giải quyết nhiều vấn đề trong xã hội. Một hệ thống sở hữu trí tuệ vận hành hiệu quả chỉ khi cả xã hội có ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Và đặc biệt, các bạn trẻ cần nhớ rẳng, thế giới tương lai không có chỗ cho sự gian lận và ăn cắp thành quả trí tuệ của người khác.

Nguồn: Chinhphu.vn

Số lượt đọc: 4614

Về trang trước Về đầu trang