Tin KHCN trong tỉnh
Côn Đảo ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững (29/03/2022)
-   +   A-   A+   In  
Những năm gần đây, huyện Côn Đảo phát triển mạnh và trở thành điểm đến thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Côn Đảo cũng đang phải đối mặt với những thách thức về ô nhiễm môi trường. Vì vậy, huyện Côn Đảo đang hướng đến việc ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Nhiều thách thức đe dọa phát triển bền vững

Ông Huỳnh Trung Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, du lịch và dịch vụ đang là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện đảo, chiếm khoảng 90% tổng thu hằng năm của nền kinh tế huyện. Tuy nhiên đi liền với đó huyện Côn Đảo cũng phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, rác thải rắn từ nhiều nguồn, rác thải từ đại dương, thiếu hụt nước ngọt sinh hoạt, hạn chế về năng lượng… dẫn đến nhiều thách thức trong việc tiếp tục nâng cao đời sống người dân trên đảo trong dài hạn.

Cụ thể, sự phát triển nhanh của ngành du lịch - dịch vụ dẫn đến sự gia tăng mạnh về nhu cầu nước sạch, năng lượng, nhu yếu phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu, đồng thời gia tăng phát thải rác và nước thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên thiên nhiên và du lịch của đảo. Trong phát triển kinh tế nông nghiệp và công nghiệp, đất lâm nghiệp chiếm diện tích lớn nhất với trên 86% diện tích đảo, ngược lại đất nông nghiệp có diện tích nhỏ chỉ chiếm 2,2%. Do đó, Côn Đảo hiện đang phụ thuộc nguồn cung ứng về nguyên vật liệu, thực phẩm, dịch vụ từ đất liền với chi phí vận chuyển cao.

Theo Phòng TN-MT, rác thải cũng là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của huyện đảo. Hiện bãi rác Bãi Nhát có tổng diện tích khoảng 3.800m2 đã chứa hơn 70.000 tấn rác và diện tích còn lại chỉ còn khoảng 300m2, trong khi mỗi ngày Côn Đảo hiện phát sinh khoảng 25 tấn rác thải. Bên cạnh đó, hiện tượng nước bãi rác rỉ ngấm xuống đất, gây tác động xấu đến chất lượng nước, hệ sinh thái dưới nước gần bãi rác. Bên cạnh đó, Côn Đảo là một ngư trường lớn của Việt Nam, nơi có hàng trăm ngàn lượt ghe, tàu đánh bắt hải sản vãng lai neo đậu, kéo theo một lượng rác nhựa rất lớn là ngư lưới cụ và rác thải sinh hoạt khác xả trực tiếp ra biển và cảng cá dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quanh đảo.

Ngoài ra, hệ sinh thái quanh đảo đang có nguy cơ bị suy thoái do tác động của các hoạt động kinh tế và biến đổi khí hậu. Những diễn biến bất thường của thời tiết đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động khai thác du lịch, giảm sản lượng sản xuất nông nghiệp. Hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước ngọt dự trữ như nước biển dâng có thể xâm lấn sâu vào đảo ảnh hưởng chất lượng nước ở các hồ chứa. Nước biển ấm lên dẫn đến điều kiện môi trường sống các loài sinh vật mất sinh cảnh sống gây suy giảm sản lượng ở các ngư trường thuỷ sản xung quanh.

Kinh tế tuần hoàn - xu hướng tất yếu

Mô hình kinh tế tuần hoàn là lựa chọn phù hợp để Côn Đảo phát triển xanh và bền vững. Trong ảnh: Đường từ cảng Bến Đầm đến trung tâm Côn Đảo xanh mát và trong lành.
Mô hình kinh tế tuần hoàn là lựa chọn phù hợp để Côn Đảo phát triển xanh và bền vững. Trong ảnh: Đường từ cảng Bến Đầm đến trung tâm Côn Đảo xanh mát và trong lành.

Từ những thách thức trên, việc đề xuất việc nghiên cứu và ứng dụng kinh tế tuần hoàn đối với huyện Côn Đảo có thể xem là một trong những giải pháp chiến lược và tạo được sự đột phá giúp Côn Đảo phát triển bền vững, nâng cao đời sống người dân. PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn khẳng định, mô hình kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế chú trọng đến quản lý tài nguyên và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm hạn chế đến mức tối đa việc phát sinh chất thải. Trên thế giới, nhiều đảo có điều kiện tương đồng với Côn Đảo đã áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn. Do đó, kinh tế tuần hoàn được xác định là hướng đi đúng đắn mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là trong bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là đối với địa bàn hải đảo như Côn Đảo.

Rác thải sinh hoạt gia tăng đang tạo thêm áp lực về phát triển bền vững tại huyện Côn Đảo. Trong ảnh: Xử lý rác thải tại khu vực Bãi Nhát.
Rác thải sinh hoạt gia tăng đang tạo thêm áp lực về phát triển bền vững tại huyện Côn Đảo. Trong ảnh: Xử lý rác thải tại khu vực Bãi Nhát.

PGS-TS Nguyễn Hồng Quân chỉ ra rằng xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cho huyện Côn Đảo là phù hợp với chủ chương, chính sách của Đảng và nhà nước, góp phần giải quyết các thách thức về hiện nay trên địa bàn về phát triển kinh tế, ô nhiễm môi trường (rác thải), thiếu hụt nguồn nước. “Mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ đóng góp sự phát triển kinh tế huyện Côn Đảo một cách bền vững với những giá trị sinh thái, văn hóa lịch sử tiêu biểu. Đồng thời đảm bảo khai thác và sử dụng môi trường thiên nhiên có hiệu quả, kết hợp với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, gia tăng giá trị các thành phần kinh tế, trong đó tạo điều kiện để du lịch - dịch vụ trở thành ngành có sức cạnh tranh quốc tế”, PGS-TS Nguyễn Hồng Quân nói.

Ông Nguyễn Công Danh, Giám đốc Sở KH-CN khẳng định, việc triển khai đề án áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cho Côn Đảo là giải pháp để hỗ trợ thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra của Nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ huyện Côn Đảo nhiệm kỳ X, cũng như mục tiêu tại Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vừa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, vừa đáp ứng các yêu cầu, chủ trương phát triển bền vững, tăng trưởng xanh mà Đảng và nhà nước đề ra. Đồng thời, sẽ tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong việc phục vụ thúc đẩy tăng trưởng bền vững để Côn Đảo trở thành huyện đảo đầu tiên, tiên phong và hình mẫu điển hình trong áp dụng kinh tế tuần hoàn trong tỉnh và cả nước.

 

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 3897

Về trang trước Về đầu trang