Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu thành công quy trình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo bán tự nhiên và chiết xuất chất quý để làm cao (03/12/2021)
-   +   A-   A+   In  
Đông trùng hạ thảo là vị thuốc quý hiếm ở vùng Tây Tạng - nơi chất lượng của nấm phần lớn được quyết định bởi môi trường trong điều kiện nhiệt độ không khí từ 10 đến 25 độ C, độ ẩm 80-95%. Tuy nhiên việc khai thác quá mức khiến đông trùng hạ thảo trong tự nhiên dần cạn kiệt, khan hiếm.

Nấm đông trùng hạ thảo có hàm lượng chất Cordycepin và Adenosin cao. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Từ thực tế trên, Công ty TNHH MTV Traphacosapa là đơn vị chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu quy trình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo bán tự nhiên và chiết xuất chất quý để làm cao và viên nang. Nhận thấy điều kiện tự nhiên tại Sa Pa, tỉnh Lào Cai có nhiều nét tương đồng với vùng Tây Tạng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt dự án hoàn thiện quy trình nuôi trồng và đưa ra sản phẩm đông trùng hạ thảo với quy mô 40.000 lọ/năm.

Theo ThS Lê Quân, Phó Giám đốc công ty, trưởng nhóm nghiên cứu, từ bước lựa chọn chủng giống Cordyceps militaris Nhật Bản, nhóm nghiên cứu đã nhân giống trong phòng thí nghiệm, làm giá thể và cấy giống. Giá thể được chọn từ nguyên liệu khoai tây, nhộng tằm, gạo... đặt vào các bình thủy tinh. Sau khi cấy giống vào môi trường, sợi nấm được nuôi dưỡng trong môi trường có kiểm soát đến khi bắt đầu xuất hiện quả thể thì được đặt trong môi trường tự nhiên tại Sa Pa để phát triển cho tới khi thu hoạch. Công đoạn khó là việc chuyển nấm đông trùng trong phòng thí nghiệm ra môi trường tự nhiên. Song nhờ nghiên cứu đã tìm ra công thức phù hợp việc nuôi trồng trong điều kiện bán tự nhiên đã giúp phát triển tốt, thời gian sinh trưởng tăng lên từ 10-15 ngày, cho năng suất và chất lượng đạt yêu cầu. Nhờ bước tiến trong công nghệ nuôi cấy, nhóm thu về một tấn quả thể dạng tươi và được sấy bảo quản dưới dạng khô. Để chế biến nấm đông trùng hạ thảo khô, thay vì sử dụng phương pháp gia nhiệt thông thường, nhóm nghiên cứu áp dụng công nghệ sấy bơm nhiệt trong mức nhiệt tối đa 60 độ C. Đây là một trong những công nghệ sấy tiên tiến hiện nay giúp giữ dược chất, hình dáng, màu sắc cũng như tăng thời gian bảo quản sản phẩm. Một phương pháp khác là sấy thăng hoa cũng giúp sản phẩm giữ hàm lượng hoạt chất gần như nguyên trạng tuy nhiên đòi hỏi có chi phí lớn và máy móc hiện đại.

Từ nấm đông trùng hạ thảo thu được, trong khuôn khổ dự án các nhà khoa học đã chiết xuất chất quý để sản xuất 100.000 viên nang và 40 kg cao. Trong đó, quy trình sản xuất cao được Traphacosapa sử dụng với phương pháp ngâm lạnh bằng Ethanol 70% trong tỷ lệ dược liệu phù hợp (2 lần, mỗi lần 7 ngày). Phương pháp này cho sản phẩm cao đạt hàm lượng theo yêu cầu. Các sản phẩm viên nang, trà túi lọc đông trùng hạ thảo kết hợp tam thất, xạ đen, trà dưỡng sinh, viên nang dành cho bệnh xương khớp... cũng đang được phát triển. Theo nhóm nghiên cứu, các sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo có nhiều dưỡng chất có lợi. Đặc biệt, nấm đông trùng hạ thảo sản xuất theo quy trình bán tự nhiên ở Sa Pa có hàm lượng chất quý cordycepin và adenosin cao hơn ba lần so với các loại sản phẩm đại trà khác.

Theo các nghiên cứu đã được công bố trên Pubmed (Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Mỹ), cordycepin và adenosine là 2 hoạt chất chính tạo nên công dụng và giá trị của loại thảo dược này. Hoạt chất cordycepin có tác dụng hỗ trợ ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, góp phần chống di căn, hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân ung thư (Byung-Keun Yang và cộng sự, 2007). Cordycepin còn có tác dụng hỗ trợ chống oxy hóa, tăng cường sức khoẻ lá gan, hạ đường huyết, phòng bệnh đái tháo đường (Choi SB và cộng sự, 2004). Đối với nam giới, Cordycepin trong nấm đông trùng hạ thảo giúp kích thích sản sinh testosteron, hỗ trợ tăng số lượng tinh trùng, cải thiện chức năng sinh lý.

Việc nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo tại Sa Pa là một bước tiến đánh dấu về mặt khoa học kỹ thuật, giúp thu được sản phẩm chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt với các tác dụng bổ phế, ích thận. Lần đầu tiên có mô hình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo bán tự nhiên tại ngay tại lòng Sa Pa cũng là cơ hội quảng bá, xây dựng hình ảnh dược liệu Sa Pa.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 3221

Về trang trước Về đầu trang