Từ thực tế trên, đề tài “Nghiên cứu chế tạo cảm biến sinh học ứng dụng trong phân tích nhanh và liên tục nhu cầu oxy sinh hóa (BOD)” mã số VAST07.01/19-20 do TS. Phạm Thị Thùy Phương, Viện Công nghệ hóa học làm chủ nhiệm đã được thực hiện với mục tiêu phát triển cảm biến sinh học dựa trên bioreactor kiểu mới có giá thành thấp nhằm xác định nhanh giá trị BOD của nước thải, giúp việc quan trắc môi trường thuận lợi hơn. Đề tài đã được nghiệm thu xếp loại Xuất sắc.
Sau một thời gian nghiên cứu, các tác giả đã chế tạo thành công cảm biến sinh học ứng dụng trong phân tích nhanh và liên tục nhu cầu oxy sinh hóa, đạt được các kết quả như sau: Thời gian phân tích BOD trên cảm biến sinh học được rút ngắn khoảng 10 phút nhờ vận hành bằng phương pháp bán liên tục. Theo đó, thời gian đo được giảm so với phương pháp liên tục và cho phép xác định giá trị BOD theo thời gian thực so với phương pháp gián đoạn.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng phát triển thành công phương pháp và vật liệu đơn giản, cụ thể là bộ phận tiếp nhận sinh học được thiết kế và chế tạo theo kiểu thiết bị phản ứng sinh học dạng ống nhồi (PBBR -Packed-bed Bioreactor). Qua đó, PBBR có thể thực hiện tại nơi vận hành, nhằm chế tạo được cảm biến sinh học với giá thành rẻ sử dụng các chi tiết, cụm thiết bị có sẵn ở thị trường trong nước. Cảm biến sinh học có thể vận hành liên tục ổn định trong 20 giờ, sau đó cần hiệu chỉnh lại để tiếp tục sử dụng. PBBR có thể được bảo quản bằng cách sục khí bão hòa để giúp hệ vi sinh vật hoạt động ổn định khoảng 2 tuần khi không sử dụng. Hộ cũng đã xây dựng phần mềm hoàn chỉnh để thu nhận và xử lý kết quả vận hành cảm biến sinh học, chứng minh khả năng xác định nhanh BOD5 trong nước thải thủy sản và nước kênh rạch trong nội thành TP. HCM với hệ số biến thiên lớn nhất là < 10% (phương pháp đo BOD5 truyền thống < 20%) và không có sự khác biệt về mặt thống kê giữa hai phép đo khi sử dụng nước thải mô hình theo công thức từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) làm dung dịch chuẩn.