Tiêu chuẩn ĐLCL
Tiêu chuẩn phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững (13/10/2021)
-   +   A-   A+   In  

Ngày Tiêu chuẩn thế giới (14/10) năm nay có chủ đề là "Tiêu chuẩn phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững - Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn" nhằm nhấn mạnh vai trò của tiêu chuẩn là công cụ, cách thức góp phần giúp các chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Từ năm 1970, ngày 14/10 hằng năm đã được 3 tổ chức tiêu chuẩn hóa hàng đầu là Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) chọn là Ngày Tiêu chuẩn thế giới nhằm vinh danh những đóng góp và hợp tác của hàng nghìn tổ chức, chuyên gia trên toàn thế giới trong hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn.

 

Bình luận về chủ đề của Ngày Tiêu chuẩn thế giới năm nay, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng (Bộ KH&CN) cho biết, các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc nhằm giải quyết sự mất cân bằng xã hội, phát triển nền kinh tế bền vững và làm chậm tốc độ biến đổi khí hậu. Để đạt được các mục tiêu này đòi hỏi sự hợp tác của nhiều đối tác nhà nước và tư nhân, đồng thời cần sử dụng tất cả các công cụ sẵn có, bao gồm cả các tiêu chuẩn quốc tế.

 

Ban Tổ chức muốn truyền tải ý nghĩa chính, đó là: Tiêu chuẩn cung cấp những giải pháp để giải quyết các thách thức liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững; Tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên sự hợp tác (thế giới không thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững một cách đơn độc); Tiêu chuẩn có thể giúp chúng ta gây dựng và phục hồi mọi thứ trở lại tốt đẹp hơn (COVID-19 đã làm gia tăng tính cấp thiết phải đạt được các mục tiêu phát triển bền vững).

 

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Linh, tại Việt Nam, trong thời gian qua, Hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) được phát triển theo hướng tăng cường hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài tiên tiến… đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, bảo đảm an toàn, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ.

 

Do vậy, các sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, xuất khẩu theo TCVN cũng có chất lượng tương đương với các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn châu Âu và các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản…, được thị trường thế giới chấp nhận.

 

Đến nay, Bộ KH&CN đã công bố hơn 13.000 TCVN với tỉ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực là hơn 60%, đã bao trùm hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế.

 

Bên cạnh đó, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế là một công cụ quản lý hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế về quản lý sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định, xây dựng, triển khai hiệu quả các chính sách công và các chương trình mục tiêu quốc gia.

 

Hệ thống TCVN cũng đã hỗ trợ trong công tác xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Đến nay, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã ban hành khoảng 800 quy chuẩn. Các quy chuẩn này đã trở thành công cụ và phương tiện quan trọng để duy trì chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế; hỗ trợ quản lý nhà nước; bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ cho con người; bảo vệ động vật, thực vật và môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và xã hội.

 

Nguồn: chinhphu.vn

Số lượt đọc: 1937

Về trang trước Về đầu trang