Tiêu chuẩn ĐLCL
Tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế mới nhất phục vụ DN đi tắt đón đầu (14/10/2021)
-   +   A-   A+   In  

Trong thời gian tới, cần thiết phải xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia gắn chặt với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đến 2030. Tạo lập hạ tầng tiêu chuẩn tiên tiến, tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế mới nhất phục vụ cộng đồng DN đi tắt đón đầu.

Chiều 14/10, Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng (Bộ KH&CN) tổ chức kỷ niệm 51 năm Ngày Tiêu chuẩn thế giới (14/10) với hình thức trực tiếp và trực tuyến.

 

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho hay, với tư cách là thành viên chính thức của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX) và là thành viên liên kết của Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC), Việt Nam có quyền và có trách nhiệm tham gia tích cực vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc tế để sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam có thể vươn ra thị trường thế giới mạnh mẽ hơn.

 

Đồng thời, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh việc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế làm nền tảng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ lợi ích chính đáng cho các DN, cũng như người tiêu dùng Việt Nam. Ngoài việc tham gia vào các hoạt động chung theo trách nhiệm của thành viên, Việt Nam đã và đang có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là các tiêu chuẩn liên quan đến các sản phẩm hàng hoá chủ lực của Việt Nam.

 

Theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, chủ đề Ngày Tiêu chuẩn thế giới năm nay là “Tiêu chuẩn phục vụ cho các Mục tiêu phát triển bền vững-Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn”, lại một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng của tiêu chuẩn trong việc cung cấp công cụ hữu hiệu để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Đó là những mục tiêu toàn cầu, là mục tiêu phổ quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên LHQ, trong đó có Việt Nam.

 

Hiện nay, Bộ KH&CN đã công bố hơn 13.000 Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 60%, bao trùm hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, giúp các DN chủ động tăng cường năng lực và chuẩn bị các giải pháp, chiến lược tốt nhất trong việc tuân thủ các quy tắc và quy định đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng trong thương mại hóa toàn cầu.

 

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng cho hay, trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội từ 2021-2030 của Chính phủ đã giao ngành KHCN nói chung và lĩnh vực tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng nói riêng nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

 

Do đó, xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia cần gắn chặt với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030. Để thực hiện chiến lược này, điều quan trọng là cần nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng tận dụng tối đa các thuận lợi của Việt Nam trong quá trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới; tạo lập hạ tầng tiêu chuẩn tiên tiến, tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế mới nhất phục vụ cộng đồng DN đi tắt đón đầu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo; thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và LHQ.

 

Bên cạnh đó, cũng cần thúc đẩy xã hội hóa hoạt động tiêu chuẩn, gắn chặt với DN, lấy DN làm trung tâm.  Xây dựng các nhóm TCVN cốt lõi phục vụ trực tiếp cho hoạt động của DN. Xây dựng cơ chế hỗ trợ, thu hút, khuyến khích DN trực tiếp xây dựng TCVN nhằm hướng hệ thống TCVN gắn kết hữu cơ hơn với nền kinh tế thị trường, đáp ứng kịp thời những yêu cầu, đòi hỏi khách quan từ thực tiễn sản xuất kinh doanh của DN.

 

Đồng thời tăng cường hợp tác đa phương, khu vực, song phương (ISO, IEC, ITU,  Codex, APEC, ASEAN, PASC…) trong hoạt động xây dựng tiêu chuẩn; tăng cường đào tạo đội ngũ chuyên gia trẻ về tiêu chuẩn hóa để chuẩn bị lực lượng kế cận cho cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia, các ban kỹ thuật, DN, đồng thời kết hợp kinh nghiệm của các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực tham gia đào tạo và xây dựng tiêu chuẩn.

Nguồn: chinhphu.vn

Số lượt đọc: 2121

Về trang trước Về đầu trang