Tin KHCN trong nước
WIPO: Việt Nam bắt kịp đà tăng của chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (23/09/2021)
-   +   A-   A+   In  

Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2021 xếp hạng thứ 44 và đứng trong nhóm 4 quốc gia xuất sắc bên cạnh Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Philippines và Trung Quốc. WIPO đánh giá Việt Nam đang bắt kịp đà tăng của chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu là bộ công cụ đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia do Tổ chức sở hữu trí tuệ WIPO công bố dựa trên hợp tác với Viện Portulans và các đối tác doanh nghiệp như Liên đoàn Công nghiệp Quốc gia Brazil (CNI), Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII), Ecopetrol (Colombia) và Hiệp hội các nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ (TIM) tiến hành xếp hạng.

Năm 2021, các nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng và giám đốc điều hành doanh nghiệp đồng thảo luận về đại dịch Covid-19 đã có tác động, ảnh hưởng thế nào đến bối cảnh đổi mới sáng tạo toàn cầu cũng như viễn cảnh phục hồi hậu đại dịch.

Theo kết quả xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2021 được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, Việt Nam ở vị trí 44/131 quốc gia và nền kinh tế. Tuy nhiên, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ (hạng 41), Ấn Độ (46) và Philippines (51), Việt Nam là một trong 4 quốc gia có thu nhập trung bình được WIPO đánh giá là đang bắt kịp đà tăng chỉ số đổi mới sáng tạo của thế giới.

doi moi sang tao1

 WIPO: Việt Nam bắt kịp đà tăng của chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu

Theo WIPO, cả 4 nền kinh tế châu Á này đều ghi nhận sự thăng tiến trung bình 22 bậc trên bảng xếp hạng GII trong thập kỷ qua, trong đó Việt Nam từ vị trí 76 năm 2012 vươn lên thứ hạng 44 vào năm nay.

“Bên cạnh Trung Quốc, 4 nền kinh tế lớn này đang cho thấy tiềm năng làm thay đổi bức tranh đổi mới sáng tạo toàn cầu theo hướng tốt đẹp hơn,” WIPO nhận xét.

Báo cáo GII 2021 cho thấy 19 nền kinh tế đang vượt kỳ vọng về đổi mới sáng tạo trong tương quan với trình độ phát triển. Đáng chú ý, Việt Nam, cùng với Ấn Độ, Kenya, Cộng hòa Moldova, tiếp tục nắm giữ kỷ lục về phương diện này năm thứ 11 liên tiếp.

Việt Nam tiếp tục đạt mức điểm cao hơn mức trung bình của nhóm các nền kinh tế thu nhập trung bình thấp trên tất cả các trụ cột đánh giá GII, và thậm chí còn cao hơn mức trung bình của nhóm thu nhập trung bình cao ở 4 trụ cột: "Trình độ phát triển thị trường", "Trình độ phát triển kinh doanh", "Sản phẩm tri thức và công nghệ", và "Sản phẩm sáng tạo".

Các chuyên gia WIPO cũng đánh giá, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vô cùng phức tạp và có nhiều tác động khó lường đoán, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, KHCN và ĐMST trên toàn cầu, việc Việt Nam vẫn duy trì được vị trí trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu là một nỗ lực rất lớn.

Theo ông Marco M. Aleman - Đặc phái viên Tổng giám đốc WIPO, Việt Nam tiếp tục là tấm gương cho các nước đang phát triển khác trong việc coi ĐMST là một ưu tiên quốc gia. Việc Chính phủ sử dụng GII như một công cụ đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động ĐMST của quốc gia là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của ĐMST đối với sự phát triển quốc gia. Các quốc gia khác đang học hỏi từ Việt Nam về cách sử dụng GII một cách có hệ thống để đánh giá những thay đổi về kết quả hoạt động ĐMST ở cấp độ cao nhất.

Ngoài ra, ông Sacha Wunsch - Vincent, Chuyên gia cao cấp của WIPO cũng chỉ ra một số thách thức cho Việt Nam về đổi mới sáng tạo trong bối cảnh Covid-19, trong đó có giảm chuỗi cung ứng toàn cầu, đầu tư nước ngoài trực tiếp sụt giảm và sản xuất trong nước bị ảnh hưởng.

Để cải thiện chỉ số, ông Sacha gợi ý các giải pháp chính sách hướng tới doanh nghiệp, trong đó có khởi nghiệp tại Việt Nam có thể tiếp cận tăng lượng vốn đầu tư. Ông đưa ra khuyến nghị về việc đẩy mạnh đầu ra, trong đó chủ yếu là xuất khẩu công nghệ cao.

Theo các chuyên gia, để có thể tiếp tục cải thiện nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, Việt Nam cần nhìn tổng thể của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, tập trung vào các trường đại học, viện nghiên cứu để tạo ra tri thức. Đồng thời tập trung vào doanh nghiệp để truyền tải tri thức vào phát triển kinh tế xã hội, qua đó có thể đổi mới đầu ra.

Do đó Việt Nam cần tập trung thúc đẩy ứng dụng công nghệ để lan tỏa ứng dụng công nghệ trong các doanh nghiệp, phổ biến công nghệ nhanh và hiệu quả hơn với các công nghệ có sẵn tiên tiến của thế giới để nâng cao năng suất năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực quản lý, quản trị về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và đầu tư cho nghiên cứu phát triển theo kịp công nghệ mới và nâng cao nguồn lực cũng là yếu tố quan trọng được các chuyên gia mong muốn Việt Nam thúc đẩy.

Nguồn: sohuutritue.net.vn

Số lượt đọc: 2979

Về trang trước Về đầu trang