An toàn bức xạ và Hạt nhân
Thủ tục cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ - Sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế (12/09/2023)
-   +   A-   A+   In  
 

 

a) Trình tự thực hiện

- Bước 1. Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ sử dụng thiết bị X - quang chẩn đoán trong y tế cho Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh.

- Bước 2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở KH&CN kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ và thông báo bằng văn bản mức phí đối với hồ sơ hợp lệ hoặc thông báo bằng văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ.

- Bước 3. Trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phí, lệ phí và hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Sở KH&CN tổ chức thẩm định hồ sơ và cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ sử dụng thiết bị X - quang chẩn đoán trong y tế.

Trường hợp không cấp giấy phép, Sở KH&CN trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

b) Cách thức thực hiện

Hồ sơ được nộp theo một các phương thức sau đây:

- Nộp trực tiếp;

- Qua hệ thống bưu chính công ích;

- Nộp trực tuyến theo địa chỉ dichvucong. gov.vn hoặc dichvucong. baria -vungtau.gov .vn

(DVCTT một phần)

c) Thành phần, số lượng hồ sơ

- Thành phần hồ sơ:

+ Đơn đề nghị cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ (Mẫu kèm theo);

+ Bản sao của một trong các loại giấy tờ sau: Quyết định thành lập tổ chức, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, các loại giấy tờ khác có giá trị tương đương. Trường hợp giấy tờ bị thất lạc phải có xác nhận của cơ quan ban hành hoặc cấp loại giấy tờ đó;

+ Phiếu khai báo nhân viên bức xạ và người phụ trách an toàn (Mẫu kèm theo);

+ Bản sao Chứng chỉ nhân viên bức xạ của người phụ trách an toàn. Trường hợp người phụ trách an toàn chưa có chứng chỉ, phải nộp hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ nhân viên bức xạ theo quy định tại Điều 35 của Nghị định 142/2020/NĐ-CP cùng hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ;

+ Bản sao Giấy chứng nhận đào tạo an toàn bức xạ của nhân viên bức xạ;

+ Phiếu khai báo thiết bị X-quang chẩn đoán y tế (Mẫu kèm theo);

+ Bản sao tài liệu của nhà sản xuất có thông tin về thiết bị X-quang chẩn đoán y tế như trong phiếu khai báo. Trường hợp không có tài liệu của nhà sản xuất về các thông tin này, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép phải nộp kết quả xác định thông số kỹ thuật của thiết bị;

+ Bản sao Giấy chứng nhận kiểm định thiết bị X-quang chẩn đoán y tế;

+ Báo cáo đánh giá an toàn chứng minh đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Nghị định 142/2020/NĐ-CP (Mẫu kèm theo);

+ Bản sao Biên bản kiểm xạ;

+ Kế hoạch ứng phó sự cố (Mẫu kèm theo);

- Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

d) Thời hạn giải quyết

Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được phí, lệ phí và hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.

đ) Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính

Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ sử dụng thiết bị X - quang chẩn đoán trong y tế.

e) Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Sở KH&CN tỉnh

g) Kết quả thực hiện thủ tục hành chính

Giấy phép tiến hành công việc bức xạ sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế.

h) Phí, lệ phí

- Phí thẩm định an toàn bức xạ:

+ Thiết bị X-quang chụp răng:                         2.000.000 đồng/1 thiết bị

+ Thiết bị X-quang chụp vú:                            2.000.000 đồng/1 thiết bị

+ Thiết bị X-quang di động:                             2.000.000 đồng/1 thiết bị

+ Thiết bị X-quang chẩn đoán thông thường:  3.000.000 đồng/1 thiết bị

+ Thiết bị đo mật độ xương:                             3.000.000 đồng/1 thiết bị

+ Thiết bị X-quang tăng sáng truyền hình:        5.000.000 đồng/1 thiết bị

+ Thiết bị X-quang chụp cắt lớp vi tính:            8.000.000 đồng/1 thiết bị

+ Hệ thiết bị PET/CT:                                      16.00.000 đồng/1 thiết bị

- Lệ phí cấp giấy phép: Không  

i) Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai

- Đơn đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ (Mẫu số 01 -PL IV).

- Phiếu khai báo nhân viên bức xạ và người phụ trách an toàn (Mẫu số 01- PL III).

- Phiếu khai báo thiết bị X - quang chẩn đoán trong y tế (Mẫu số 07-PL III).

- Báo cáo đánh giá an toàn (Mẫu số 05-PL V).

- Kế hoạch ứng phó sự cố (Mẫu PL II),

k) Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính

* Điều kiện về nhân lực:

- Nhân viên bức xạ phải được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về sử dụng thiết bị bức xạ có Giấy chứng nhận đào tạo an toàn bức xạ phù hợp với công việc bức xạ và có Chứng chỉ nhân viên bức xạ theo quy định tại Điều 28 của Luật Năng lượng nguyên tử;

- Có người phụ trách an toàn, trừ trường hợp cơ sở chỉ sử dụng thiết bị X-quang chụp răng sử dụng phim đặt sau huyệt ổ răng. Người phụ trách an toàn phải có Chứng chỉ nhân viên bức xạ và được bổ nhiệm bằng văn bản trong đó quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn theo khoản 2 Điều 27 của Luật Năng lượng nguyên tử;

* Điều kiện về bảo đảm an toàn, an ninh:

- Bảo đảm mức liều chiếu xạ trong điều kiện làm việc bình thường như sau:

+ Đối với nhân viên bức xạ: Liều hiệu dụng không vượt quá 20 mSv/năm (lấy trung bình trong 5 năm kế tiếp nhau) và không vượt quá 50 mSv trong một năm bất kỳ trong giai đoạn này; Liều tương đương đối với thủy tinh thể của mặt không vượt quá 20 mSv/năm (lấy trung bình trong 5 năm kế tiếp nhau) và không vượt quá 50 mSv trong một năm bất kỳ trong giai đoạn này; Liều tương đương đối với da không vượt quá 500 mSv/năm theo loại hình công việc bức xạ cụ thể.

+ Đối với công chúng: Liều hiệu dụng không vượt quá 1 mSv/năm (lấy trung bình trong 5 năm kế tiếp nhau) và không vượt quá 5 mSv trong một năm bất kỳ trong giai đoạn này; Liều tương đương đối với thủy tinh thể của mất không vượt quá 15 mSv/năm; Liều tương đương đối với da không vượt quá 50 mSv/năm đối với công chúng theo tình huống chiếu xạ cụ thể.

- Thiết lập khu vực kiểm soát và khu vực giám sát như sau:

+ Khu vực kiểm soát: Nơi có mức liều chiếu xạ tiềm năng lớn hơn hoặc bằng 6 mSv/năm.

+ Khu vực giám sát: Nơi có mức liều chiếu xạ tiềm năng lớn hơn 1 mSv/năm và nhỏ hơn 6 mSv/năm.

- Có dấu hiệu cảnh báo bức xạ theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7468:2005 (ISO 361:1975) An toàn bức xạ - Dấu hiệu cơ bản về bức xạ ion hóa và Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8663:2011 (ISO 21482:2007) An toàn bức xạ - Cảnh báo bức xạ ion hóa - Dấu hiệu bổ sung;

- Có nội quy an toàn bức xạ phù hợp với công việc bức xạ, bao gồm các quy định về: Tuân thủ quy trình làm việc và chỉ dẫn an toàn; sử dụng trang thiết bị bảo hộ cá nhân, thiết bị ghi dò bức xạ và liều kế cá nhân; trách nhiệm thông báo khi có hiện tượng bất thường có thể gây mất an toàn bức xạ;

- Trang bị liều kế cá nhân và đánh giá liều chiếu xạ cá nhân cho nhân viên bức xạ ít nhất 03 tháng một lần;

- Có nội quy an toàn bức xạ trong đó ghi rõ các yêu cầu bảo vệ an toàn bức xạ cho nhân viên bức xạ, các nhân viên y tế khác, người bệnh, người chăm sóc, hỗ trợ người bệnh và công chúng; Giấy chứng nhận kiểm định thiết bị bức xạ còn hiệu lực;

- Có kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ cấp cơ sở theo quy định tại Phụ II của Nghị định 142/2020/NĐ-CP.

l) Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính

- Luật Năng lượng nguyên tử số 18/2008/QH12 ngày 03/6/2008.

- Nghị định số 142/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2020 quy định về việc tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử.

- Thông tư số 287/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

- Thông tư số 02/2022/TT-BKHCN ngày 25/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 142/2020/NĐ-CP ngày 09/12/2020 của Chính phủ quy định về việc tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử.

- Thông tư số 13/2023/TT-BKHCN ngày 30 tháng 6 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, liên tịch ban hành.

Biểu mẫu đính kèm

 

Nguồn: Sở KH&CN tỉnh BR-VT

Số lượt đọc: 520

Về trang trước Về đầu trang