Tin KHCN nước ngoài
Chế tạo thành công miếng dán có khả năng cảnh báo bệnh tim (29/07/2021)
-   +   A-   A+   In  
Bằng cách gửi các xung siêu âm vào cơ thể người dùng, miếng dán do các nhà khoa học tại Đại học California có thể cảnh báo các dấu hiệu của bệnh tim.

Miếng dán được tạo ra bởi nhóm nghiên cứu tại Đại học California (do Giáo sư Sheng Xu dẫn đầu) có thể được dán trên cổ hoặc ngực người dùng. Miếng dán này bao gồm một tấm polyme mỏng và dẻo có thể co giãn. Bên trong miếng dán là một lưới 12 x 12 của các đầu dò siêu âm có kích thước milimet. Thiết bị này hiện được kết nối với máy tính và nguồn điện. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết, kế hoạch của họ là tạo ra miếng dán không dây.

Trong chế độ hoạt động, tất cả các đầu dò có thể được thiết lập để truyền xung sóng siêu âm cùng lúc. Điều này tạo ra một chùm sóng siêu âm tập trung trực tiếp xuống một khu vực của cơ thể, lên đến 14 cm bên dưới da. Ở chế độ khác, các đầu dò truyền sóng không đồng bộ với nhau. Tuy nhiên, vẫn đủ nhanh để chúng tạo thành một chùm liên kết. Trong trường hợp này, chùm tia đó có thể được hướng theo các góc khác nhau, thay vì chỉ chiếu thẳng. Điều này có nghĩa là các khu vực khác nhau có thể được quét mà không cần sử dụng nhiều miếng dán.

Miếng dán thông minh có khả năng cảnh báo dấu hiệu của bệnh tim. 

Trong cả hai trường hợp, chùm siêu âm truyền qua mô cơ thể và vào mạch máu chính. Tiếp theo, chùm tia này dội lại các tế bào hồng cầu di chuyển qua mạch đó, sau đó trở lại miếng dán.

Miếng dán có khả năng phân tích tần số của chùm tia dội lại bị ảnh hưởng như thế nào bởi tốc độ tế bào máu đang chảy. Nhờ đó, có thể liên tục theo dõi lưu lượng thổi, huyết áp và chức năng tim của người dùng. Thông tin này có thể được sử dụng để xác định xem người dùng liệu có nguy cơ gặp các vấn đề về tim mạch không.

Trong quá trình thử nghiệm, miếng dán được chứng minh là hoạt động hiệu quả tương tự các đầu dò siêu âm cầm tay truyền thống. Tuy nhiên, những đầu dò như vậy phải được vận hành bởi các kỹ thuật viên có kinh nghiệm.

“Chỉ cần dán nó lên da, sau đó đọc các tín hiệu. Thiết bị không phụ thuộc vào người vận hành và không gây thêm công việc hoặc gánh nặng cho các kỹ thuật viên, bác sĩ lâm sàng hay bệnh nhân. Trong tương lai, bệnh nhân có thể sử dụng công cụ như thế này để chăm sóc hoặc theo dõi liên tục tại nhà”, Sai Zhou, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.

Nguồn: Vietq.vn

Số lượt đọc: 3990

Về trang trước Về đầu trang