Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ thị phân tử phục vụ giám định, khai thác và phát triển giống Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis) (02/07/2021)
-   +   A-   A+   In  
Sâm Ngọc Linh là loài cây đặc hữu của Việt Nam và được định danh công bố quốc tế là một loài sâm mới với tên khoa học là Panax Vietnamensis Ha et Grushv bởi tiến sỹ Hà Thị Dụng và giáo sư I. V. Grushvitsky. Sâm Việt Nam (Panax vietnamensis Ha et Grush) được phát hiện từ năm 1973. 

Sâm Ngọc Linh chứa 52 tổ hợp saponin, trong đó 26 hợp chất có cấu trúc đã biết (thường thấy ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật) và 26 saponin pammaran có cấu trúc mới không bắt gặp tại các loại sâm khác trên thế giới. Sâm Ngọc Linh chứa chủ yếu các saponin triterpen, nhưng cũng là một trong những cây sâm có hàm lượng saponin khung pammaran cao nhất (khoảng 12-15%) và số lượng saponin nhiều nhất so với các loài khác của chi Panax. Ngoài ra trong sâm Ngọc Linh còn có 14 axit béo, 16 axit amin (trong đó có 8 axit amin không thay thế được) và 18 nguyên tố đa lương, vi lương.

Hiện nay, sâm Ngọc Linh được xác định là cây thuốc quý, độc đáo có giá trị sử dụng với rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe con người, giá trị kinh tế cao nên sâm Ngọc Linh đã và đang bị mua bán, khai thác cạn kiệt thiếu kiểm soát. Chính phủ đã quyết định thành lập vùng cấm quốc gia ở khu vực có sâm tập trung tại hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, đồng thời xếp sâm Ngọc Linh vào danh mục những cây thuốc quý, hiếm cần được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Do giá trị thương mại rất cao nên sâm Ngọc Linh đang bị giả mạo, trà trộn với các loài khác không có giá trị. Việc phát triển vườn trồng sâm Ngọc Linh diễn ra nhỏ lẻ, manh mún, hạt giống trôi nổi không có sự quản lý dẫn đến cây trồng không đảm bảo chất lượng cũng như giống sâm giả cũng bị giả mạo, trà trộn.

Khắc phục những khó khăn trên, nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ trì Trung tâm Ươm tạo và Hỗ trợ doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Lê Hùng Lĩnh cùng thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ thị phân tử phục vụ giám định, khai thác và phát triển giống Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis)” nhằm thiết kế bộ chỉ thị phân tử dùng kiểm định thật giả sâm Ngọc Linh đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đẩy mạnh thương mại hóa và phát triển bền vững thương hiệu sâm Việt Nam. Sử dụng chỉ thị phân tử để kiểm định sâm Ngọc Linh là phương tiện kỹ thuật hiện đại và tối ưu, có khả năng phân biệt chính xác ở bất kỳ bộ phận nào, giai đoạn phát triển nào của cây trong thời gian ngắn và chi phí hợp lý nhất. Thay vì sử dụng các phương pháp cũ dựa trên cơ sở đánh giá một loạt các tính trạng hình thái gặp phải nhiều hạn chế như: tính chủ quan khi phân tích tính trạng, ảnh hưởng của môi trường và kỹ thuật canh tác lên tính trạng, sự khác biệt không rõ ràng giữa các giống có nguồn gốc gần nhau, sự biểu hiện một vài dấu hiệu chuẩn đoán chỉ xuất hiện ở một giai đoạn cụ thể. Mục tiêu của đề tài là xây dựng được bộ chỉ thị phân tử AND dựa trên trình tự hệ gen và xác định được chỉ thị phân tử đặc hiệu kiểm định sâm Ngọc Linh; xây dựng quy trình kiểm định sâm Ngọc Linh (Panax Ha et Grushv) bằng chỉ thị phân tử.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Đã khảo sát hiện trạng trồng và phát triển các loài sâm Việt Nam. Đã thu thập 10 mẫu giống sâm Ngọc Linh hiện trồng tại Vườn giống gốc sâm Ngọc Linh của Trung tâm ươm tạo và Hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Đã đánh giá đặc điểm hình thái nông sinh học, sinh trưởng, phát triển của các mẫu giống sâm Ngọc Linh thu thập. Đã xây dựng được cơ sở dữ liệu kiểu hình bao gồm 24 đặc tính tính trạng của cây sâm Ngọc Linh.

Đã xác định chọn lọc được 2 mẫu giống sâm Ngọc Linh triển vọng là NL1 và NL8. Mẫu NL8 có thân màu tím, chiều cao cây trung bình (23.5cm), chiều dài cuống lá trung bình (5,5cm), chiều dài và chiều rộng lá chét cân đối (7,0 và 3,0cm), chiều dài cuống hoa trung bình (15,5cm), số lượng hoa nhiều (100 hoa/cây), tỷ lệ đậu quả cao (12 quả/cây), sinh trưởng khỏe, chống chịu tốt với điều kiện bất thuận. Mẫu NL1 có thân màu xanh, có đặc điểm sinh trưởng khỏe mạnh, thân dài trung bình (27cm), chiều dài cuống lá trung bình (7,2cm), lá chét dài và rộng (8,5 và 3,2cm), chiều dài cuống hoa trung bình (15,5cm), số lượng hoa nhiều (105 hoa/cây), tỷ lệ đậu quả cao nhất trong 10 mẫu giống sâm Ngọc Linh đánh giá (15 quả/cây).

Đã lưu giữ in vitro 26 mẫu sâm của Việt Nam bao gồm 10 mẫu giống sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis); 03 mẫu sâm Vũ diệp (Panax bipinatifidus); 03 mẫu tam thất hoang (Panax stipuleanatus); 08 mẫu sâm Lai Châu (Panax vietnamensis varfuscidiscus) và 02 mẫu sâm Hàn Quốc (Panax ginseng C.A. meyer).

Đã thiết kế được 111 chỉ thị phân tử trong đó 21 chỉ thị phân tử trình tự hệ gen lục lạp và 90 chỉ thị phân tử hệ gen nhân. 111 chỉ thị phân tử đều có khả năng khuếch đại AND sâm Ngọc Linh và cho sản phẩm PCR chất lượng rõ nét.

Đã xác định được 03 chỉ thị phân tử đặc hiệu gcpm11, gcpm14 và gcpm21 sử dụng kiểm định sâm Ngọc Linh. Đã xây dựng được quy trình kiểm định sâm Ngọc Linh, quy trình dễ sử dụng, nhanh, chính xác, hiệu quả.

Đã sử dụng chỉ thị phân tử xây dựng được cây phả hệ một số loài sâm Việt Nam. Đã đánh giá được đa dạng di truyền các mẫu sâm Ngọc Linh thu thập ở mức độ kiểu hình và mức độ phân tử.

Kết quả thực hiện đề tài đã được công bố 05 bài báo trên tạp chí chuyên ngành trong nước, đào tạo được 01 thạc sỹ và tham gia đào tạo

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16459/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 2696

Về trang trước Về đầu trang