Tại cuộc họp, Hội đồng đã nghe chủ nhiệm dự án trình bày tóm tắt thuyết minh nhiệm vụ, với mục tiêu chính: Đánh giá thực trạng sản xuất và tiêu thụ rau tại tỉnh BR-VT, xây dựng mô hình chuỗi giá trị rau đạt tiêu chuẩn VietGAP có truy xuất nguồn gốc đảm bảo hiệu quả kinh tế tăng tối thiểu 15% so với việc sản xuất truyền thống.
Việc sản xuất rau an toàn đạt chứng nhận VietGAP và liên kết trong tiêu thụ sản phẩm giúp người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa rõ ràng, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, yên tâm cho người tiêu dùng và người sản xuất. Sản phẩm có chứng nhận VietGAP, có bao bì, nhãn mác, QR code sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, sẽ hạn chế được việc sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, tăng cường sử dụng phân bón có nguồn gốc và các sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường, góp phần tích cực trong bảo vệ môi trường, duy trì và cải thiện độ phì đất, bảo vệ sức khỏe cho con người lao động và người tiêu dùng.
Các thành viên Hội đồng tiến hành đánh giá bản thuyết minh theo từng tiêu chí về nội dung nghiên cứu, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu; hiệu quả và phương án chuyển giao kết quả nghiên cứu, năng lực chuyên môn của tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ.
Sau khi tiến hành bỏ phiếu đánh giá, Hội đồng khoa học và công nghệ đã nhất trí chọn Phân hiệu Trường Đại học Lâm Nghiệp tại Đồng Nai là cơ quan chủ trì thực hiện dự án và TS. Mai Hải Châu là chủ nhiệm đề tài. Đồng thời, Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm và nhóm thực hiện chỉnh sửa và bổ sung một số nội dung nghiên cứu theo ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng để hoàn thiện Thuyết minh.