Tin KHCN trong tỉnh
Nuôi ấu trùng ruồi lính đen để chăn nuôi sạch, giảm chi phí (08/06/2021)
-   +   A-   A+   In  

Nuôi ấu trùng ruồi lính đen vừa làm sạch môi trường chăn nuôi, vừa là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình đang được ông Lê Minh Hiền (1978, ấp Phước Hữu, xã Long Phước, TP. Bà Rịa) nhân rộng.

Dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi ấu trùng ruồi lính đen trong bể xi măng của gia đình, ông Hiền cho biết: “Năm 2018, tình cờ xem tin tức trên ti vi, tôi biết tới mô hình nuôi ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao và chi phí đầu tư thấp. Tham khảo thêm thông tin, tôi tìm xuống trang trại ở Vĩnh Long mua 2 lạng trứng ruồi lính đen với giá 6 triệu đồng về nuôi thử nghiệm”.

Mang trứng ruồi lính đen về được 3 ngày là nở ra ấu trùng. Ông mang ấu trùng bỏ vào khoang và nuôi bằng vi sinh tự pha chế và bã đậu. 10 ngày sau, ông đã có ấu trùng làm thức ăn cho gà, vịt. Khoảng 20-25 ngày tuổi, ấu trùng đen dần, chuyển thành nhộng đen và đóng kén. “Lúc này ấu trùng hóa thành những con sâu đen và tôi ngưng cho ăn. Khoảng thời gian tầm 1 tuần tiếp theo nó sẽ thành ruồi và đẻ trứng”, ông Hiền chia sẻ.

Mô hình nuôi ấu trùng ruồi lính đen đã giúp ông Hiền hoàn toàn tự chủ nguồn thức ăn đầu vào, không gây ô nhiễm chuồng trại, bảo đảm vệ sinh môi trường và không gây dịch bệnh. Đến nay, ông có 11 khoang nuôi ấu trùng ruồi lính đen. Thức ăn cho ấu trùng là mật rỉ đường, bã đậu được ông mua từ công ty có uy tín, bảo đảm chất lượng. Ông Hiền cho biết, vòng đời phát triển của ruồi lính đen khoảng 45-50 ngày và ấu trùng ruồi lính đen trước giai đoạn hóa nhộng có thành phần dinh dưỡng cao (khoảng trên 40% protein, 10% chất béo và 43% đạm). “Chính vì hàm lượng chất dinh dưỡng cao, gà, vịt ăn ấu trùng mau lớn và sức đề kháng cao nên gà, vịt của gia đình tôi nhanh lớn, khỏe mạnh, giảm thiểu dịch bệnh và chất lượng thịt bảo đảm. Đặc biệt, mô hình này đã giúp tôi giảm chi phí trước tình hình giá cả thức ăn công nghiệp tăng mạnh trong thời gian qua”, ông Hiền kể.

Ruồi lính đen là loại côn trùng có sẵn trong tự nhiên. Ở Việt Nam, chúng được tìm thấy ở những nơi có địa hình ẩm thấp, rậm rạp, nhiều cây. Khi trưởng thành chúng chỉ sống được từ 3-5 ngày. Ấu trùng loài này rất phàm ăn trong giới tự nhiên và chứa lượng dinh dưỡng cực cao. Nhờ đặc điểm đó, ấu trùng ruồi lính đen mang lại những lợi ích không nhỏ trong chăn nuôi và xử lý môi trường. Mùn bã hữu cơ là thức ăn của ruồi lính đen. Ấu trùng của chúng có thể tiêu thụ lượng rác thải hữu cơ, phân động vật, rau củ hư hỏng, phế phẩm làng nghề, phụ phẩm chăn nuôi… và đa phần là chất thải từ cuộc sống và các hoạt động nuôi, trồng của con người.

Trước đây, nuôi 1.000 con vịt thương phẩm trong 2 tháng, ông Hiền phải chi 80 triệu đồng tiền thức ăn công nghiệp, nhưng nay, với ấu trùng ruồi lính đen, ông chỉ mất khoảng 35 triệu đồng. Hiện tại, với 1.000 con vịt, 300 con gà, trung bình ông thu lãi 20 triệu đồng/tháng.

Sau 3 năm nghiên cứu và thành công với mô hình nuôi ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn trong chăn nuôi, ông Hiền tự tin chia sẻ kinh nghiệm tới cộng đồng qua kênh Youtube “Trại ruồi lính đen Bà Rịa” qua 270 video hướng dẫn. Vì vậy, nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh ở Long Điền, Xuyên Mộc và ngoài tỉnh như: Hà Nội, Đăk Lăk, Nha Trang... đã đến tận nhà ông Hiền tham quan và học tập.

Gặp ông Nguyễn Văn Mới, từ Nha Trang vào tham quan mô hình nuôi ấu trùng ruồi lính đen, ông cho biết, năm 2020, trong vòng 5 tháng ông đã lỗ 400 triệu đồng tiền nuôi vịt dù đã có hơn 30 kinh nghiệm trong chăn nuôi. “Biết tới mô hình nuôi ấu trùng ruồi lính đen qua kênh Youtube cho cộng đồng của ông Hiền, tôi bắt xe vào tìm hiểu mô hình. Sau gần 6 tháng học tập và làm việc tại nhà ông Hiền, giờ đây tôi đã tự tin quay về Nha Trang, tiếp tục chăn nuôi vịt với phương pháp chăn nuôi giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế, không gây ô nhiễm môi trường này”, ông Mới nói.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Phước cho biết, mô hình nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng làm thức ăn là mô hình sử dụng kỹ thuật đơn giản, chi phí thấp, tăng thu nhập cho người dân. Trong thời gian tới, địa phương sẽ khuyến khích nhân rộng mô hình, nhằm thay thế thức ăn công nghiệp, giảm chi phí thức ăn trong chăn nuôi, bảo đảm môi trường không bị ô nhiễm. Ngoài ra, địa phương sẽ tăng cường phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, huyện triển khai nhân rộng mô hình tạo điều kiện để bà con tiếp cận trong thời gian tới, nhằm hướng tới chăn nuôi hữu cơ, sạch, bền vững.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 6673

Về trang trước Về đầu trang