Thống kê KHCN
Sớm hoàn thiện công tác thống kê khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo (13/01/2015)
-   +   A-   A+   In  

Thông tin, số liệu thống kê khoa học và công nghệ (KH&CN) được đánh giá là cơ sở quan trọng để điều hành, hoạch định chiến lược và chính sách ngành KH&CN. Nhưng từ trước đến nay, công tác thống kê KH&CN và đổi mới sáng tạo vẫn sử dụng hệ thống quản lý ở mức đơn giản, cho nên chất lượng và hiệu quả thông tin thấp. Do đó công tác thống kê KH&CN và đổi mới sáng tạo cần sớm được hoàn thiện, phát triển các khung về đo lường, giám sát, đánh giá theo hướng hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Ðảng và Nhà nước giao cho ngành KH&CN là phải đóng vai trò then chốt và trực tiếp trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bởi vậy, đối với công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ KH&CN, số liệu thống kê KH&CN và đổi mới sáng tạo phải chính xác và đầy đủ. Trong đó, hệ thống các chỉ tiêu thống kê được đánh giá là xương sống của công tác thống kê KH&CN. Nhưng thực tế hiện nay, việc thu thập, cung cấp số liệu để đưa vào hệ thống còn hạn chế, chất lượng thông tin còn thấp. Hầu hết các thông tin đều sơ sài, báo cáo thiếu toàn diện, chưa thống nhất các số liệu, mới dừng lại ở mức độ các bảng số liệu mà chưa được phân tích sâu. Còn với hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia (NIS), mặc dù có vai trò khá quan trọng, bao gồm những nhân tố chính là các trường đại học, viện nghiên cứu, các công ty, tổ chức trung gian..., nhưng tại Việt Nam vẫn chưa đo lường được quá trình triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Bởi vậy đã cản trở việc thiết lập hệ thống quan trắc, đánh giá các chính sách và đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Do vậy, để đánh giá toàn diện kết quả thực hiện nhiệm vụ trong từng lĩnh vực, vẫn chưa thể sử dụng các kết quả phân tích từ hoạt động thống kê hiện nay.

Mặt khác, bộ máy thực hiện công tác thống kê của ngành KH&CN chỉ có ở cấp trung ương và một số địa phương, chưa có ở các bộ, ngành, do đó, các cán bộ chủ yếu vẫn đang kiêm nhiệm công việc nên thiếu về số lượng và yếu về nghiệp vụ thống kê. Bởi vậy, quá trình thu thập, xử lý thông tin thống kê trong ngành KH&CN hiện nay còn đơn giản, chưa áp dụng đầy đủ các hình thức thu thập thông tin thống kê chính thống. Việc thiếu các văn bản quy phạm pháp luật có tính chế tài mạnh, thiếu các hướng dẫn cụ thể về công tác thống kê của ngành KH&CN cũng dẫn tới việc lúng túng về hoạch định nhiệm vụ, tổ chức, kinh phí cho hoạt động thống kê KH&CN cả ở trung ương và địa phương. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thống kê còn hạn chế, chưa có phần mềm quản lý và thống kê chuyên ngành KH&CN. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác thống kê KH&CN còn chưa được bảo đảm, chưa chủ động hội nhập quốc tế.

 

Ðể phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và triển khai các hoạt động KH&CN, cần một hệ thống thông tin và dữ liệu về các cơ quan, tổ chức và cá nhân, tiềm lực và kết quả hoạt động trong lĩnh vực KH&CN. Nhiều đơn vị đang tự xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) khác nhau, phục vụ cho các hoạt động KH&CN, nhưng vẫn chưa có các tiêu chí chuẩn. Quan điểm của nhiều chuyên gia tại hội thảo quốc tế về "hoàn thiện hệ thống thống kê, đánh giá đo lường khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo" được tổ chức mới đây đều cho rằng: Ðể có thể tăng khả năng tương tác, trao đổi giữa các CSDL khác nhau trong lĩnh vực KH&CN, cần sớm có tiêu chí chuẩn về cấu trúc, mô hình dữ liệu và xây dựng một hệ thống có thể liên thông, tích hợp các CSDL thành ngân hàng dữ liệu quốc gia. Khi đó, việc xác định các đối tác có tiềm lực mạnh, năng lực thật sự về KH&CN ở cả trong nước lẫn nước ngoài sẽ trở nên dễ dàng. Theo TS Lê Xuân Ðịnh, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia (Bộ KH&CN), cần sớm thiết lập ngân hàng dữ liệu quốc gia về KH&CN và đổi mới sáng tạo, bao gồm các hệ CSDL về tổ chức, nhiệm vụ, tiềm lực, cung cầu công nghệ... Ðồng thời tăng cường khung chính sách về KH&CN thông qua việc hỗ trợ tạo lập nguồn thông tin đầy đủ, đồng bộ và đáng tin cậy. Nâng cao năng lực xử lý, lưu giữ, quản trị thông tin, dữ liệu thống kê về KH&CN và đổi mới sáng tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Khi đó, ngân hàng dữ liệu quốc gia về KH&CN và đổi mới sáng tạo mới có khả năng phục vụ lâu dài, chuyên nghiệp và an toàn với trang thiết bị, phần mềm, hệ thống được đầu tư tới tầm bảo đảm tính đồng bộ và hiện đại, tăng cường năng lực hội nhập quốc tế.

Việc xây dựng ngân hàng dữ liệu quốc gia về KH&CN và đổi mới sáng tạo sẽ cung cấp một cơ sở thống nhất để giúp cho các đơn vị thuộc các bộ, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp có cơ hội đóng góp, xây dựng, khai thác và chia sẻ thông tin và dữ liệu về KH&CN và đổi mới sáng tạo. Ðồng thời bảo đảm tính liên thông giữa các CSDL với nhau và phù hợp với các CSDL KH&CN của quốc tế. Từ đó, Việt Nam sẽ từng bước làm chủ về mặt phương pháp luận, hoàn thiện hành lang pháp lý và công cụ hỗ trợ chuyên môn về điều tra nghiên cứu và phát triển, điều tra tiềm lực KH&CN, điều tra đổi mới sáng tạo.

Nguồn: vista

Số lượt đọc: 1785

Về trang trước Về đầu trang