Tin KHCN trong nước
Ảnh hưởng của biện pháp quản lý phân bón và nước tưới đến phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong sản xuất lúa và rau xà lách (25/05/2021)
-   +   A-   A+   In  

Nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế do PGS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Ảnh hưởng của biện pháp quản lý phân bón và nước tưới đến phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong sản xuất lúa và rau xà lách” trong thời gian từ năm 2014 đến 2017.

Đề tài nhằm mục tiêu tìm hiểu rõ ảnh hưởng của các biện pháp quản lý phân đạm, rơm rạ và tưới nước đến phát thải khí nhà kính (CH4 và N2O) trên đất trồng lúa và rau xà lách, làm cơ sở cho việc xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác hợp lý đảm bảo năng suất cao, phẩm chất tốt, giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên và giảm phát thải khí nhà kính trong bổi cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.

Đề tài đã thực hiện các nội dung nghiên cứu sau:

- Nghiên cứu ảnh hưởng của liều lượng và dạng phân đạm đến phát thải khí CH4 và N2O đối với lúa trên đất phù sa cổ

Liều lượng và dạng đạm bón khác nhau có ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây lúa, hiệu quả kinh tế, phát thải khí CH4, N2O và tính chất đất trồng lúa sau thí nghiệm. Lượng phát thải CH4 và N2O phát thải theo vụ tăng 35,5 g/m2 và 42,6 mg/m2 đối với amôn clorua; 51,5 g/m2 và 53,2 mg/m2 đối với urê, 26,6 g/m2 và 48,4 mg/m2 đối với canxi nitrat ở 120 kg N/ha so với không bón phân đạm. Mức phát thải khí CH4 và N2O trung bình giảm 33% và 20% khi amon clorua thay thế urê ở 120 kg N/ha trong cả hai vụ. Năng suất lúa lúa và hiệu suất phân đạm cao nhất, dao động từ 6,09 tấn/ha đến 6,45 tấn/ha ở 120 kg N/ha và 20,8 kg lúa/kg N đến 22,5 kg lúa/kg N đối với urê ở 80 kg N/ha trong vụ Hè Thu và Đông Xuân, tiếp theo là amon clorua. Cường độ phát thải khí CH4 và N2O dựa trên năng suất cao nhất ở 120 kg N/ha đối với urê, tiếp theo là canxi nitrat và cao hơn công thức không bón đạm từ 12-22% đối với CH4 và 28-37% đối với N2O. Lượng khí phát thải CH4 và N2O giảm và năng suất lúa tăng đáng kể khi bón đạm ở lượng 80 kg N/ha đối với dạng urê, sau đó là amon clorua trên nền 10 tấn phân chuồng + 60 kg P2O5 + 60 kg K2O + 500 kg vôi/ha.

- Nghiên cứu ảnh hưởng của liều lượng và dạng phân đạm đến phát thải khí CH4 và N2O đối với rau xà lách trên đất cát biển và đất phù sa cổ

Đã xác định được công thức bón 60 kg N/ha (dạng đạm urê hoặc (NH4)2SO4) trên nền 10 tấn phân chuồng + 60 kg P2O5 + 60 kg K2O + 400 kg vôi/ha sẽ đạt được năng suất, hiệu quả kinh tế cao và cải thiện một số tính chất hóa học đất và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trên đất cát biển, huyện Quảng Điền và đất phù sa cổ, phường Hương An, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Nghiên cứu ảnh hưởng của quản lý rơm rạ và tưới nước đến phát thải khí gây CH4 và N2O trên đất phù sa cổ tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Đã xác định được biện pháp cày vùi rơm rạ vào tầng mặt của đất ở độ sâu 0 - 15 cm và tưới khô ướt xen kẽ (-10 cm) với lượng phân bón cho 1 ha là 100 kg N + 60 kg P2O5 +60 kg K2O + 500 kg vôi + 5 tấn phân chuồng cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao cho giống lúa KD18, đồng thời giảm lượng khí nhà kính phát thải và cải thiện được tính chất hóa học của đất.

- Nghiên cứu ảnh hưởng của biện pháp tưới nước cho lúa và luân canh lúa - rau đến phát thải CH4 và N2O trên đất phù sa cổ

Kết quả nghiên cứu cho thấy chế độ tưới ướt khô xen kẽ (-10 cm) là phù hợp nhất cho cây lúa nước. Thử nghiệm công thức bón 60 kg N/ha (dạng đạm urê và (NH4)2SO4) trên nền 10 tấn phân chuồng + 60 kg P2O5 + 60 kg K2O + 400 kg vôi/ha, sau vụ trồng lúa sẽ đạt được năng suất rau, hiệu quả kinh tế cao và cải thiện một số tính chất hóa học đất và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trên đất phù sa cổ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15141) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 3956

Về trang trước Về đầu trang