Tin KHCN trong nước
TS Hoàng Thanh Tùng: Nhân giống hoa cúc bằng phương pháp vi thủy canh (10/05/2021)
-   +   A-   A+   In  
TS. Hoàng Thanh Tùng chọn Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) để phát triển sự nghiệp và chọn để ươm mầm cho những ý tưởng nghiên cứu có thể dễ dàng áp dụng vào thực tế, trong đó có việc nhân giống hoa Cúc bằng phương pháp vi thủy canh.

Hiểu về cây cúc và hiểu về Đà Lạt

“Tôi từng là cựu sinh viên của Đại học Đà Lạt và tôi muốn làm gì đó có ích cho Đà Lạt”, TS. Hoàng Thanh Tùng đã trả lời ngắn gọn như thế trước câu hỏi của phóng viên Khoa học và Phát triển về lý do khởi đầu cho những nghiên cứu của mình.

TS. Hoàng Thanh Tùng chọn mẫu để làm thí nghiệm.

Là một nhà khoa học trẻ chuyên về công nghệ sinh học thực vật, Đà Lạt là một miền đất hứa đối với TS. Hoàng Thanh Tùng. Đây là nơi mà anh đã chứng kiến những loại cây trồng đa dạng mọc lên, những gánh hàng hoa ven chợ trên đồi dốc, và cả những chuyến hàng đưa nông sản Đà Lạt xuất khẩu ra nước ngoài. Nhưng dưới con mắt của một nhà khoa học, anh không chỉ quan tâm đến sự nên thơ của khung cảnh này, mà còn cả những khó khăn mà ngành sản xuất cây trồng nơi đây đang phải đối mặt, trong đó đặc biệt là cây cúc. “Đà Lạt có khoảng 1.000 - 1.200 ha nhà kính sản xuất hoa cắt cành trong hơn 3.200 ha cắt cành, ước tính tổng sản lượng hằng năm hơn 1,2 tỉ cành, chủ yếu tiêu thụ trong nước vì chất lượng hoa vẫn chưa thực sự ổn định, trong đó hoa cúc các loại chiếm tỉ trọng lớn nhất (25 - 30%)”, TS. Hoàng Thanh Tùng mô tả bức tranh sản xuất cây trồng hiện nay. “Một số công ty nước ngoài đã lập công ty hoặc liên doanh sản xuất ở đây như Chánh Đài Lâm, Hasfarm, chỉ riêng công ty Hasfarm (100% vốn đầu tư nước ngoài) chuyên sản xuất hoa cúc cắt cành cũng như các loại cúc giống, đặc biệt là hoa cúc chùm đã cung cấp 60% sản lượng hoa cho TP.HCM và một số tỉnh phía Bắc.”

Tuy nhiên, theo anh, hiện nay, việc canh tác hoa và sản xuất cây giống cúc tại Việt Nam trong những năm qua vẫn chưa đáp ứng về chất lượng và quy mô. Điều này khá dễ hiểu, khi mà có đến 90% nhà kính trồng cúc tại Đà Lạt được làm bằng… khung tre, 60% trong số người trồng là nông dân tự trao đổi kinh nghiệm sản xuất với nhau và hơn 70% nguồn hạt giống là tự gieo ươm và mua tại các cơ sở nhỏ lẻ. Chính vì vậy chất lượng cây giống không đảm bảo, dễ bị sâu bệnh, cây mẹ được sử dụng nhiều lần cho giâm ngọn dẫn đến thoái hóa giống. Bên cạnh đó, xuất khẩu cây giống cúc ra nước ngoài vẫn đang gặp một số khó khăn như: cây giống chưa sạch bệnh, thích nghi vườn ươm chưa cao, vận chuyển còn khó khăn và đóng gói rất cồng kềnh, sản xuất trong hệ thống nhỏ.

Rất nhiều nhà khoa học khi thực hiện những nghiên cứu khắc phục các nhược điểm của cây trồng trong nước, họ sẽ học hỏi các kỹ thuật từ nước ngoài và gặp khó khăn trong việc tinh chỉnh kỹ thuật đó sao cho phù hợp nhất với điều kiện Việt Nam. TS. Hoàng Thanh Tùng là một trường hợp ngoại lệ.

Hiểu về hoa cúc, và hơn hết, là hiểu về Đà Lạt, anh đã kết hợp những kỹ thuật khác nhau trong nhân giống cây trồng và lựa chọn hướng phát triển mà anh biết rằng sẽ đáp ứng được cả hai điều kiện: một phương pháp đơn giản phù hợp với Đà Lạt nhưng rất hiệu quả trong sản xuất cây giống với quy mô lớn. Điều này đã được thể hiện rõ rệt nhất thông qua công trình Nhân giống hoa Cúc bằng phương pháp vi thủy canh của anh.

Hệ thống vi thủy canh (microponic system) là hệ thống nhân giống kết hợp giữa vi nhân giống (micropropagation) và thủy canh (hydroponic). Theo xu hướng hiện nay, hệ thống này được nghiên cứu cải tiến theo hai xu hướng: (1) hiện đại hóa các thiết bị nhằm tối ưu hóa điều kiện nuôi cấy; (2) đơn giản hóa với các thiết bị, vật liệu đơn giản, rẻ tiền nhưng vẫn đảm bảo được sự phát triển tốt của cây, nâng cao chất lượng cây giống, dễ dàng áp dụng trên quy mô lớn. Nhóm nghiên cứu của anh đã quyết định lựa chọn xu hướng thứ hai nhằm đơn giản quy trình sản xuất cũng như dễ ứng dụng vào thực tiễn.

Dễ ứng dụng vào thực tiễn, đó là điều mà TS. Hoàng Thanh Tùng vô cùng quan tâm, “nghiên cứu đã đề xuất mô hình vi thủy canh phù hợp, tạo được nguồn cây giống đồng nhất với số lượng lớn, dễ dàng áp dụng cho người nông dân mà không cần trình độ khoa học kỹ thuật quá cao, chỉ cần đào tạo cơ bản là có thể thực hiện được”, anh nhấn mạnh.

Cho đến nay, đã có nhiều đơn vị ứng dụng tiến bộ này như Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên (TP. Đà Lạt), Công ty giống cây trồng Miền Nam (huyện Lâm Hà), Công ty Công nghệ Sinh Học Thái Dương, Công ty TNHH TMDV Farmy (TP. Đà Lạt) và các cơ sở sản xuất giống quy mô gia đình ở tỉnh Lâm Đồng.

Anh đã công bố nghiên cứu này của mình trên Scientia Horticulturae với tên gọi “A system for large scale production of chrysanthemum using microponics with the supplement of silver nanoparticles under light-emitting diodes”, qua đó đưa công trình này trở thành một trong hai công trình được đề cử giải trẻ Tạ Quang Bửu 2021.

Trang trại cúc chuẩn của Dalat Hasfarm. Ảnh: Dalat Hasfarm

Khoa học cho tất cả mọi người

PGS.TS Phạm Tiến Sơn (Khoa Toán tin, trường Đại học Đà Lạt), người đã đạt được giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020, đã lựa chọn Đà Lạt là nơi lý tưởng để những người ưa bình lặng như anh có thể trầm tĩnh làm việc theo đúng cách mình đã chọn hơn 30 năm qua. Dường như sự bình lặng ở vùng đất này cũng là lý do khiến TS. Hoàng Thanh Tùng đã chọn nơi đây làm ‘bến đỗ’ cho cả cuộc sống và sự nghiệp nghiên cứu của mình. Dù theo anh, “Đà Lạt là nơi tiềm năng cho nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng”, nhưng rõ ràng nếu so sánh với những trung tâm nghiên cứu khác tại Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh, những người nghiên cứu tại vùng đất này gặp nhiều khó khăn hơn về mặt trang thiết bị và phải chật vật để ‘làm nghề’.

Dẫu vậy, dù tuổi đời nghiên cứu còn rất trẻ, nhưng TS. Hoàng Thanh Tùng đã sở hữu cho mình 85 công bố khoa học (Chương sách, bài báo ISI, quốc tế, trong nước,…), và trong số đó có 15 công bố (trong và ngoài nước) về cây hoa cúc. Những nghiên cứu của anh vẫn luôn thể hiện một sự nhất quán xuyên suốt về việc thấu hiểu cây cúc và bối cảnh Đà Lạt. Sự thấu hiểu đó còn thể hiện ở tiềm năng của phương pháp vi thủy canh mà anh đề xuất, nó sẽ “mở ra hướng nghiên cứu mới cũng như sản xuất cây giống ở quy mô thương mại trên nhiều đối tượng cây trồng (cây hoa, cây rau, cây dược liệu, cây thân gỗ,...)”, anh chia sẻ.

Đối với một công trình thực nghiệm đã tối ưu hóa được các quy trình nhằm tạo ra một công nghệ ươm trồng cây cúc, mọi người sẽ nghĩ đến việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho nó. Tuy nhiên, như cái cách đi ngược lại với mọi người là chọn Đà Lạt để phát triển sự nghiệp, anh lại tiếp tục ‘ngược chiều xu hướng’ khi quyết định không đăng ký patent cho công trình của mình. Tại sao anh lại quyết định bỏ qua bước này? “Tôi nhận thấy kết quả nghiên cứu của công trình có tiềm năng ứng dụng rất cao, cần để nhiều cơ quan, tổ chức, trung tâm, công ty hay người dân biết đến nhiều hơn. Tôi muốn chia sẻ kết quả nghiên cứu của mình có thể dễ dàng áp dụng vào thực tế”, anh trả lời đơn giản.

Và đáng ngạc nhiên, những người xung quanh đều ủng hộ quyết định của anh, như một lẽ dĩ nhiên.

Khi nhắc đến Đà Lạt, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói: “Có quá nhiều điều để nói về thành phố này. Một thành phố dễ ở và dễ thương. Những con người hiếu khách và độ lượng. […] Sự tử tế giữa con người với con người làm mình tin rằng điều tốt là một cái gì có thể thực hiện được giữa cuộc đời này. Không có gì quan trọng cả và vì thế cũng không có gì đáng phải nản lòng”.

Không có gì quan trọng cả. Và vì thế, anh cũng không giữ lại cho mình điều gì, bởi với anh, khoa học là cho tất cả.

Nguồn: khoahocphattrien.vn

Số lượt đọc: 3522

Về trang trước Về đầu trang