Tại cuộc họp, Hội đồng đã nghe đại diện Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP. HCM trình bày tóm tắt bản thuyết minh nhiệm vụ, với mục tiêu: Đánh giá thực trạng sâu răng của trẻ em (3-5 tuổi) tại tỉnh BR-VT và hiệu quả sử dụng vecni fluor (NaF 5%) trong dự phòng sâu răng sớm trên nhóm trẻ em (3-5 tuổi).
Được biết, việc sử dụng Vecni Fluor để dự phòng sâu răng sớm ở trẻ em là một vấn đề đã được áp dụng nhiều nơi trên Thế giới và đã có những kết quả đáng khích lệ. Đây cũng là yếu tố tăng cường sức khỏe cho trẻ em, giúp tạo điều kiện phát triển toàn diện, lành mạnh về thể chất và tinh thần cho các em, góp phần làm giảm bệnh tật cho trẻ, giảm gánh nặng cho ngành y tế. Tại tỉnh BR-VT, ngành răng hàm mặt cũng không ngừng phát triển với mục tiêu “điều trị toàn diện”, “chăm sóc răng miệng lấy bệnh nhân làm trung tâm”, trong đó, hoạt động dự phòng bệnh răng miệng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp ban ngành. Tuy nhiên, sâu răng và dự phòng sâu răng của trẻ mẫu giáo vẫn còn tồn tại nhiều, cần bổ sung và nghiên cứu.
Các thành viên Hội đồng tiến hành đánh giá bản thuyết minh theo từng tiêu chí về nội dung nghiên cứu, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu; hiệu quả và phương án chuyển giao kết quả nghiên cứu, năng lực chuyên môn của tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ. Hội đồng đánh giá bản thuyết minh có tính khoa học, ý nghĩa thực tiễn và rất cần thiết nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao sức khỏe cho toàn dân và phòng bệnh sâu răng một cách hiệu quả ở lứa tuổi trẻ em.
Sau khi tiến hành bỏ phiếu đánh giá, Hội đồng khoa học và công nghệ đã nhất trí chọn Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM là cơ quan chủ trì thực hiện đề tài và ThS. BSCK2. Lê Trung Chánh là chủ nhiệm đề tài. Đồng thời, Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm và nhóm thực hiện chỉnh sửa và bổ sung một số nội dung nghiên cứu theo ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng để hoàn thiện Thuyết minh.