Nghiên cứu - Ứng dụng KH&CN
Nghiệm thu dự án “Lựa chọn mô hình ứng dụng phục hồi san hô cứng tại Khu Ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo” (23/04/2021)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 22/04/2021, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện dự án “Lựa chọn mô hình ứng dụng phục hồi san hô cứng tại Khu Ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo” do PGS.TS. Võ Sĩ Tuấn làm chủ nhiệm, Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo – là cơ quan chủ trì thực hiện trong thời gian từ tháng 5.2018 đến tháng 4.2021. Ông Nguyễn Công Danh – Giám đốc Sở KH&CN làm Chủ tịch Hội đồng.

Với mục tiêu chính của dự án là đánh giá khả năng phục hồi và quản lý rạn san hô Khu Ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo trên cơ sở phân tích hiện trạng rạn san hô và ứng dụng kỹ thuật phục hồi. Xây dựng mô hình trồng phục hồi rạn san hô ở Ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo và quản lý hệ sinh thái rạn san hô nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường và phục vụ du lịch sinh thái biển.

 

Thay mặt đơn vị chủ trì thực hiện, PGS.TS. Võ Sĩ Tuấn đã báo cáo tóm tắt quá trình triển khai và các kết quả đạt được của Dự án, cụ thể:

 

 + Với kỹ thuật phục hồi di dời và cố định san hô bằng phương pháp tách mảnh tập đoàn theo hướng dẫn phục hồi của Heeger & Sotto và Edwards. Đối với  nền đáy là giá thể nhân tạo, các tập đoàn san hô được cố định trên giá thể bê tông dạng vòm (reef balls) kích thước đường kính 100 x 60 cm (hai đáy), cao:80 cm, dày là 5cm, có từ 8 -10 lỗ (10-15cm) để tăng khả năng cố định san hô và tạo điều kiện cho các sinh vật vào cư trú. Tổng số bồn bê tông làm giá thể nhân tạo trong dự án này là 150 bồn. Đối với nền đáy tự nhiên, các mảnh tập đoàn san hô được cố định trực tiếp trên nền san hô chết bằng dây  cước hoặc dây rút, để tạo sự chắc chắn, dùng cọc sắt (35cm) đóng trên nền san hô chết làm điểm tựa để cố định san hô.

 

 + Trong thời gian từ tháng 10/2018 đến tháng 9/2020, dự án đã tổ chức 5 lượt đánh giá và phục hồi san hô cứng ở 3 khu vực gồm Đất Dóc, Tây Nam Hòn Tài và Bãi Cát Lớn. Tổng cộng trên 6.000 mảnh tập đoàn san hô đã được di dời và cố định trên diện tích 3 ha, mỗi khu 1 ha.

 

+ Đối với san hô phục hồi trên nền đáy tự nhiên ở Đất Dốc và Tây Nam Hòn Tài (trên 4.400 tập đoàn), tỷ lệ sống trung bình của 5 loài san hô phục hồi gồm Acropora grandis, Acropora hyacinthus, Acropora robusta, Acropora millepora và Acropora formosa tương ứng là 82,1% và 82,9%. Trong khi, phục hồi trên nền đáy nhân tạo là các bồn bê tông (trên 1.600 tập đoàn) cho tỷ lệ sống cao hơn  (85,6% đối với 3 loài Acropora grandis, Acropora robusta Acropora formosa). Thử nghiệm phục hồi một số san hô cứng có hình dáng và màu sắc đẹp cũng cho tỷ lệ sống 100%.

 

Các nhà nghiên cứu khảo sát trong quá trình tiến hành dự án - Ảnh: VQG

 

+ Tốc độ tăng trưởng trung bình/tháng của ba loài Acropora formosa, Acropora robusta  và Acropora grandis tại Đất Dốc lần lượt là 0,82 cm, 0,89 cm và 0,5 cm. Đối với khu vực Hòn Tài, tốc độ tăng trưởng trung bình/tháng của ba loài này lần lượt là 0.81 cm, 0,62 cm và 0,47 cm. Trên giá thể nhân tạo, tốc độ tăng trưởng trung bình của loài Acropora  formosa cao hơn so với loài A.grandis với giá trị tương ứng là 0,88 cm/tháng và 0,74 cm/tháng. Các giá trị  này chứng tỏ rằng san hô càng phục hồi ở Côn Đảo đã phát triển tốt. 

 

+ Hoạt đông phục hồi san hô cứng đã góp phần cải thiện 3 vùng rạn thông qua làm gia tăng độ phủ của san hô, gia tăng giá bám bền vững cho san hô tái phục hồi và tạo môi trường ổn định cho sự phát triển của quần xã sinh vật rạn. Đồng thời, các rạn san hô tại Khu Ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo được phục hồi sẽ làm tăng diện tích san hô hiện có, tăng sinh cảnh cho các loài thủy sinh trong đó có rùa biển và các sinh vật quý, hiếm khác, tạo thêm điểm thăm quan du lịch khám phá đại dương và góp phần bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái.

 

Hội đồng đánh giá đạt yêu cầu, tuy nhiên cần bổ sung hoàn thiện theo góp ý của Hội đồng.

Nguồn: Nguyễn Tuyết

Số lượt đọc: 2408

Về trang trước Về đầu trang