Tin KHCN trong nước
Xây dựng cơ chế vượt trội, đột phá cho KHCN và đổi mới sáng tạo (09/04/2021)
-   +   A-   A+   In  

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt đặc biệt nhấn mạnh đến việc xây dựng cơ chế vượt trội, đột phá để KHCN và đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ, đóng góp thiết thực vào kinh tế-xã hội trong thời gian tới. Nếu không rất khó đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển và thu nhập cao.

Chiều 9/4, Bộ KH&CN tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN toàn quốc triển khai công tác năm 2021, định hướng công tác những năm tiếp theo.

 

Phải làm quyết liệt hơn nữa

 

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang, năm 2021 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết đại hội các cấp, là năm đầu triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025. Ngay từ ngày 01/01/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021. Trong các nghị quyết này, nội hàm về KH&CN và đổi mới sáng tạo được đề cập đến rất nhiều.

 

“Có thể nói Chính phủ đã coi KH&CN, đổi mới sáng tạo là khâu đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời ở cả 2 Nghị quyết đó, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ KH&CN nói riêng và ngành KH&CN nói chung rất nhiều nhiệm vụ phải tập trung triển khai thực hiện”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh.

 

Trong thời gian qua, KH&CN ngày càng khẳng định vị thế và đóng góp thiết thực cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, ngành KH&CN cả nước nói chung và đặc biệt là hoạt động KH&CN ở địa phương nói riêng còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, nhiều việc phải làm và phải làm quyết liệt hơn nữa để KH&CN thực sự có những đóng góp thiết thực, trực tiếp phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa phương.

 

Cho rằng sự phát triển và đóng góp của KH&CN và đổi mới sáng tạo trong thời gian qua đã gặp phải những trở ngại đáng kể từ các cơ chế, chính sách kinh tế, ông Hoàng Minh, Giám đốc Học viện KHCN và đổi mới sáng tạo (Bộ KH&CN) cho biết, trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thông qua, Bộ KH&CN đang xây dựng Chiến lược phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030.

 

Trong đó, nhấn mạnh đến việc tháo gỡ các cản trở, vướng mắc từ các cơ chế, chính sách kinh tế, đầu tư, thương mại, mua sắm công… đồng thời khẳng định phải quan tâm xây dựng cơ chế vượt trội, chấp nhận rủi ro trong hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đột phá (sandbox).

 

Chiến lược cũng sẽ làm rõ vai trò và nội hàm của KH&CN và đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số. Khung chính sách và triển khai chính sách KH&CN, đổi mới sáng tạo được điều chỉnh để tăng cường hỗ trợ ứng dụng, áp dụng, hấp thụ công nghệ thay vì quá tập trung vào nghiên cứu phát triển.

 

Ông Hoàng Minh cũng đề nghị các Sở KH&CN chủ động tham mưu cho lãnh đạo địa phương nắm bắt, theo dõi các loại hình hoạt động đổi mới sáng tạo ở địa phương, các loại hình tổ chức thực hiện đổi mới sáng tạo cũng nhưng các loại hình tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo tại địa phương để từ đó tăng cường vai trò quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo tại địa phương của các Sở KH&CN, đồng thời chủ động phối hợp với các tổ chức, đơn vị khác để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo.

 

Thử nghiệm các chính sách đột phá

 

Nêu đề xuất cho phép Hà Nội thực hiện cơ chế, thử nghiệm chính sách mới trong lĩnh vực KH&CN và đổi mới sáng tạo, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội cho biết, Hà Nội đang tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô trong thúc đẩy việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ mới và hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Trước hết là các chính sách thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, triển khai một số mô hình kinh tế mới, mô hình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo.

 

Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TPHCM cho biết, ở giai đoạn đầu của các doanh nghiệp khởi nghiêp sáng tạo (phát triển ý tưởng thành sản phẩm, hoàn thiện sản phẩm, ươm tạo, thử nghiệm sự phù hợp của sản phẩm với thị trường…) gần như không có nguồn lực tư nhân nào tham gia, đây cũng là giai đoạn thất bại nhiều nhất của các doanh nghiệp này, do đó Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ chính thông qua các tổ chức hỗ trợ và ươm tạo.

 

Từ năm 2016, Thành phố đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực cho hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp với mục tiêu góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của TPHCM như: Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020; quy chế phối hợp hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

 

Nhấn mạnh việc thể chế, cơ chế làm sao thúc đẩy hoạt động KH&CN ngay tại cơ sở, ông Hoàng Bá Nam, Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ninh cho rằng, có những vấn đề phải vượt qua những ràng buộc trong cơ chế hiện nay thì mới tạo ra đột phá. Trong thời gian tới, ngành KH&CN cần tiếp tục đi sâu vào cải cách thể chế, có thể thành lập Tổ công tác rà soát lại những thông tư, nghị định, văn bản dưới luật…

 

Đề ra các nhiệm vụ mà ngành KH&CN cần triển khai mạnh mẽ, quyết liệt trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt bày tỏ: “Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2020 đưa ra quan điểm phát triển nhanh và bền vững với tư duy và cách tiếp cận mới, đó là dựa chủ yếu vào KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây là điều tự hào, nhưng cũng là thách thức của ngành KHCN”.

 

Đồng thời đề nghị các Sở KH&CN cần hết sức chủ động, sáng tạo trong việc tham mưu, xây dựng, triển khai kế hoạch, chương trình, đề án phát triển KHCN để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, bảo đảm phù hợp bối cảnh và điều kiện của địa phương và đề xuất các giải pháp triển khai khả thi, vững mạnh, có tính đột phá nhằm phục vụ tốt nhất cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội địa phương đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

 

Đặc biệt nhấn mạnh xây dựng các cơ chế, chính sách có tính chất nổi trội, đột phát, minh bạch, công khai, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện nay các đơn vị chức năng của Bộ đang xây dựng cơ chế thí điểm khoán đến sản phẩm cuối cùng đối với các nhiệm vụ KHCN sử dụng nguồn ngân sách nhà nước trên nguyên tắc tôn trọng đặc thù của hoạt động nghiên cứu, chấp nhận rủi ro. Đây là vấn đề khó, cần sự quyết tâm, kiên trì của toàn ngành KHCN cũng như sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu…

 

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng mong muốn trong thời gian tới, các Sở KH&CN tiếp tục đề xuất các chính sách để các bộ, ngành Trung ương xem xét ban hành; chủ động xây dựng các đề án đổi mới, sắp xếp lại hệ thống theo hướng gọn, đáp ứng được yêu cầu quản lý, khả năng hoạt động hiệu quả, thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao của ngành KH&CN. Đồng thời triển khai, khai thác các kết quả nghiên cứu đã có và có khả năng ứng dụng ngay tại địa phương, phục vụ trực tiếp các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương, thông qua việc nâng cao năng suất, chất lượng của các sản phẩm chủ lực địa phương. Tiếp tục nghiên cứu việc xây dựng các nhiệm vụ KH&CN và đổi mới sáng tạo có tính liên vùng…

Nguồn: chinhphu.vn

Số lượt đọc: 2714

Về trang trước Về đầu trang