Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu công nghệ sản xuất giấy in nhiệt (thermal paper) (01/04/2021)
-   +   A-   A+   In  
Giấy in nhiệt (tên gọi khác là giấy in hóa đơn) là một trong những sản phẩm được sử dụng nhiều nhất hiện nay, có mặt ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, bởi tính thuận tiện, sử dụng linh hoạt, độ ổn định cao và quan trọng hơn hết là tốc độ in nhanh, chi phí rẻ hơn các phương pháp in khác (không sử dụng mực in). Công nghệ in nhiệt rất hiện đại, chỉ cần sử dụng thiết bị in là máy in nhiệt và vật liệu in là giấy in nhiệt để tạo thành sản phẩm in ấn theo mong muốn. Năm 2015, thị trường giấy in nhiệt của toàn cầu ước đạt 1.154,8 nghìn tấn và dự kiến sẽ tăng trưởng đáng kể trong thời gian tới do nhu cầu sử dụng rộng rãi của lĩnh vực in nhãn dán, vé và hóa đơn

Về công nghệ, để thu được giấy in nhiệt, tính chất cơ lý của giấy ảnh hưởng trực tiếp đến tính chất của lớp giấy đế (chủ yếu là loại nguyên liệu sử dụng) và lớp nhạy nhiệt đảm bảo sự đồng đều hóa chất trên bề mặt giấy. Năm 2008, với sự phát triển của nền kinh tế hội nhập, thị trường trong nước xuất hiện sự bùng nổ của các máy rút tiền tự động ATM, siêu thị, cửa hàng bán lẻ, máy móc y tế như máy điện tâm đồ, siêu âm, mã vạch và máy fax... nên nhu cầu về sử dụng máy in nhiệt/giấy in nhiệt ngày càng cao bởi những ưu điểm vượt trội so 1 với phương pháp in thông thường, đáp ứng nhu cầu sử dụng là nhanh, thuận tiện, tiết kiệm chi phí. Với mục tiêu tạo nên những dòng sản phẩm giấy có ưu điểm và tính ứng dụng vượt trội so với các sản phẩm giấy in thông thường. Trên cơ sở nguồn nguyên liệu và công nghệ trong nước, để làm chủ công nghệ sản xuất giấy in nhiệt đảm bảo các tính chất như độ dày, tính chất cơ lý, độ nhạy nhiệt cần có những nghiên cứu bước đầu trong phòng thí nghiệm, làm cơ sở, từng bước tối ưu các điều kiện sản xuất ở quy mô pilot. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu do KS. Ngô Văn Hữu, Viện công nghiệp giấy và xenluylô, đã đề xuất và được Bộ Công Thương giao thực hiện đề tài: “Nghiên cứu công nghệ sản xuất giấy in nhiệt (thermal paper)”. Đề tài triển khai thực hiện từ tháng 01/2018 đến tháng 12/2018.

Trên cơ sở các kết quả thu được có thể đưa ra kết luận như sau:

1. Đã xác lập được quy trình công nghệ sản xuất giấy in nhiệt (thermal paper) quy mô phòng thí nghiệm.

2. Sản xuất thí nghiệm thành công 225 kg sản phẩm giấy in nhiệt đạt chất lượng theo yêu cầu: định lượng giấy: 68,7 g/m2; độ dày: 76 µm; độ bền kéo theo chiều dọc: 3,5 kN/m; độ bền kéo theo chiều ngang: 1,5 kN/m; độ bền xé theo chiều dọc: 352 mN; độ bền xé theo chiều ngang: 384 mN; thử nghiệm tính nhạy nhiệt đạt yêu cầu.

3. Sản phẩm giấy in nhiệt được in thử nghiệm trên máy in nhiệt. Kết quả đánh giá giấy in nhiệt đề tài sản xuất được đáp ứng được yêu cầu về độ nhạy nhiệt, tính chất in ấn, phù hợp cho việc sử dụng tại các POS, biên lai, fax…

4. Chi phí sản xuất 1 tấn sản phẩm giấy trong đợt sản xuất thí nghiệm là 34.869.070 đồng và đang được quảng bá, giới thiệu sản phẩm, từng bước tiếp cận thị trường.

Trong thực tế sản xuất, các hóa chất được mua ở dạng công nghiệp, hệ thống tráng phủ được thiết kế on-line trên dây chuyền máy xeo thì chi phí sản xuất sẽ thấp hơn, đem lại hiệu quả về mặt kinh tế. Tuy nhiên, việc đầu tư dây chuyền sản xuất giấy có tráng phủ đòi hỏi vốn lớn nên sản xuất giấy in nhiệt vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình đầu tư tại Việt Nam. Những kết quả nghiên cứu của đề tài là tiền đề, cơ sở lý thuyết cho sự phát triển của ngành giấy nói chung, đặc biệt là một số sản phẩm giấy đặc biệt, có tính ứng dụng cao trong đời sống, là định hướng cho các doanh nghiệp mong muốn đầu tư và phát triển công nghệ sản xuất giấy in nhiệt tại thị trường Việt Nam. Với khối lượng sản phẩm giấy in nhiệt sản xuất được còn hạn chế nên nhóm đề tài chỉ tiến hành quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến một số đơn vị khách hàng thân quen và làm giấy mẫu cho các đơn vị dùng thử, từng bước tiếp cận thị trường.

Ở Việt Nam chưa có phương pháp và thiết bị đo độ nhạy nhiệt của giấy in nhiệt. Do vậy, nhóm đề tài kiến nghị Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Công Thương tạo điều kiện tiếp tục nghiên cứu và xây dựng phương pháp đánh giá thông qua nguyên lý của phương pháp xác định độ nhạy nhiệt.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15550/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 2825

Về trang trước Về đầu trang