Thông tin chính sách mới
Chính sách mới của Trung ương phát sinh hiệu lực trong tháng 3-2021 (03/03/2021)
-   +   A-   A+   In  
Một số chính sách mới do Chính phủ và bộ ngành Trung ương ban hành có hiệu lực từ tháng 3/2021 như: bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới; chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025; quy định mới về giao khu vực biển; điều chỉnh hệ số lương giáo viên từ mầm non đến THCS công lập;...

Những điểm đáng chú ý về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới

Nghị định số 03/2021/NĐ-CP ban hành ngày 15/01/2021 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới có hiệu lực từ 01/03/2021.

Nghị định nêu rõ, trường hợp cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành; Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và phản ánh đầy đủ các nội dung quy định.

Về mức phí bảo hiểm, căn cứ vào lịch sử tai nạn của từng xe cơ giới và năng lực chấp nhận rủi ro của mình, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xem xét, điều chỉnh tăng phí bảo hiểm. Mức tăng phí bảo hiểm tối đa là 15% tính trên phí bảo hiểm do Bộ Tài chính quy định.

Về thời hạn bảo hiểm, Nghị định quy định đối với xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 01 năm và tối đa là 03 năm.

Về mức phí bảo hiểm, Thông tư 04/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính (cũng có hiệu lực từ 01/03/2021) quy định:

- Đối với xe máy điện là 55.000 đồng.

- Đối với các loại xe cơ giới tương tự khác là 290.000 đồng.

Giáo viên xúc phạm danh dự học sinh có thể bị phạt đến 5 triệu đồng

Nghị định 04/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giáo dục thay thế Nghị định 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013; có hiệu lực từ ngày 10/3/2021.

Theo đó, vi phạm quy định về kỷ luật người học; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học được quy định như sau:

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức có một trong các hành vi sau (mức phạt đối với cá nhân từ 2.500.000 đến 5.000.000 đồng):

- Kỷ luật người học không đúng quy định của pháp luật hiện hành;

- Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, phải  xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể, trừ trường hợp người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể hoặc người đại diện hợp pháp của người học là người chưa thành niên có yêu cầu không xin lỗi công khai.

Quy định chuẩn nghèo đa chiều đến năm 2025

Từ ngày 15/3/2021, theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP, chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 -2025 được thực hiện như sau:

* Mức chuẩn nghèo đa chiều năm 2021: Từ 01/01/2021, tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg. Cụ thể:

  - Khu vực nông thôn: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 700.000 đồng trở xuống.

  - Khu vực thành thị: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 900.000 đồng trở xuống.

* Mức chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025

  - Khu vực nông thôn: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống.

  - Khu vực thành thị: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 02 triệu đồng trở xuống.

Bảo vệ môi trường trong hoạt động đường thủy nội địa

Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ban hành ngày 28/01/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa có hiệu lực từ 15/03/2021, trong đó quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động đường thủy nội địa.

Theo đó, về bảo vệ môi trường trong đầu tư xây dựng, bảo trì, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, chủ dự án các công trình xây dựng, bảo trì, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa có trách nhiệm tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, xác định và bố trí kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường trong tổng mức đầu tư của dự án; đưa biện pháp xử lý chất thải, biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận vào thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và hồ sơ mời thầu, hợp đồng với các nhà thầu thi công xây dựng của dự án.

Tổ chức quản lý, giám sát và báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động thi công xây dựng dự án theo quy định của pháp luật xây dựng và bảo vệ môi trường.

Nhà thầu thi công xây dựng phải tuân thủ các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường và đáp ứng đầy đủ yêu cầu về bảo vệ môi trường trong hợp đồng đã ký với chủ dự án.

Nhà thầu tư vấn quan trắc, giám sát môi trường phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường, quy chuẩn kỹ thuật môi trường và chịu trách nhiệm trước chủ dự án, trước pháp luật về các thông tin, số liệu do mình tạo lập trong thực hiện công tác quan trắc, giám sát môi trường.

Miễn thuế, giảm thuế TNDN đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Theo Thông tư 03/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ quy định tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ (có hiệu lực từ 01/3/2021), doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP, cụ thể: được miễn thuế 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo. Thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ được tính liên tục kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ thì năm đầu tiên tính thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư.

Thông tư cũng quy định điều kiện áp dụng và thủ tục thực hiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

8 trường hợp khám, chữa bệnh BHYT đúng tuyến

Thông tư 30/2020/TT-BYT hướng dẫn Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực từ ngày 01/3/2021. Theo đó, có 08 trường hợp khám chữa bệnh (KCB) BHYT đúng tuyến bao gồm:

Nội dung này được nhắc đến tại Thông tư 30/2020/TT-BYT quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP.

Theo đó, tại Điều 6 Thông tư này, các trường hợp khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) đúng tuyến gồm:

- Đến khám, chữa bệnh đúng cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT.

- Đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám, chữa bệnh ở các cơ sở cùng tuyến khác trong cùng địa bàn tỉnh.

- Người tham gia BHYT trong tình trạng cấp cứu được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào trên phạm vi toàn quốc.

- Người tham gia BHYT được chuyển tuyến.

- Người tham gia BHYT có giấy tờ chứng minh đang ở tại địa phương khác trong thời gian đi công tác, tạm trú… khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký ban đầu ghi trên thẻ BHYT.

- Người có giấy hẹn khám lại trong trường hợp đã được chuyển tuyến.

- Người đã hiến bộ phận cơ thể của mình phải điều trị ngay sau khi hiến bộ phận cơ thể.

- Trẻ sơ sinh phải điều trị ngay sau khi sinh ra.

1.838 nghề, công việc được về hưu trước tuổi

Căn cứ khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được về hưu trước tuổi nhưng không quá 05 năm.

Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành theo Thông tư 11/2020/ TT-BLĐTBXH (có hiệu lực từ ngày 01/3/2021) gồm 1838 nghề, công việc. Cụ thể có các lĩnh vực như: Khai thác khoáng sản; Cơ khí luyện kim; Hóa chất; Vận tải; Xây dựng giao thông và kho tàng bến bãi; Điện; Thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông; Sản xuất xi măng; Sành sứ, thủy tinh, nhựa tạp phẩm, giấy, gỗ; Da giày, dệt may; Nông nghiệp và lâm nghiệp (bao gồm trồng trọt, khai thác, chế biến nông, lâm sản, chăn nuôi - chế biến gia súc, gia cầm); Thương mại; Phát thanh, truyền hình; Dự trữ quốc gia; Y tế và dược; Thủy lợi; Cơ yếu; Địa chất ….

Thay đổi cách xếp lương giáo viên từ mầm non đến THCS công lập

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được đề cập tại Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ 20/3/2021.

Theo đó, cách xếp lương cho giáo viên các cấp theo chức danh nghề nghiệp mới tương ứng như sau:

- Giáo viên mầm non áp dụng hệ số lương từ 2,1 - 6,38 (hiện nay đang áp dụng hệ số lương dao động từ 1,86 - 4,98).

- Giáo viên tiểu học áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 - 6,78 (hiện nay hệ số lương của đối tượng này đang dao động từ 1,86 - 4,98).

- Giáo viên THCS áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 - 6,78 (hiện nay đang hưởng lương theo hệ số lương từ 2,1 - 6,38).

Không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên các trường công lập

Nội dung nổi bật này được đề cập trong các Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 20/3/2021.

Theo các Thông tư này, trong tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ đối với giáo viên chỉ yêu cầu: 

Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao.

Trước đây, theo các quy định cũ, yêu cầu với giáo viên như sau:

- Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản.

- Có trình độ ngoại ngữ bậc 1 hoặc bậc 2, 3 (tùy hạng giáo viên, cấp dạy) hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc.

Như vậy, từ ngày 04 Thông tư này có hiệu lực, người thi tuyển viên chức để được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên hoặc nâng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên sẽ không bắt buộc có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Nguồn: baria-vungtau.gov.vn

Số lượt đọc: 940

Về trang trước Về đầu trang

TIN TỨC KHÁC
  • Nghị quyết quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (06/12/2024)
  • Quy định khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (29/11/2024)
  • Quy định bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng công trình trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (28/11/2024)
  • Quy định mức nộp tiền khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa (27/11/2024)
  • Bãi bỏ Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND và Quyết định số 12/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh (11/11/2024)
  • Bãi bỏ Quyết định số 26/2015/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (31/10/2024)
  • Bộ đơn giá dịch vụ công trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật do ngành xây dựng quản lý trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (24/10/2024)
  • Quy định đơn giá bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (16/10/2024)
  • Đơn giá nhà, nhà ở, công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (11/10/2024)
  • Quy định hạn mức các loại đất khi giao đất, công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trên địa bàn tỉnh (11/10/2024)