Tin KHCN trong nước
Nhà khoa học Việt Nam đầu tiên được nhận Giải Noam Chomsky (28/02/2021)
-   +   A-   A+   In  
Cuối năm 2020, Lễ trao Giải Noam Chomsky diễn ra tại trụ sở Hiệp hội các nhà nghiên cứu Hàn lâm liên quốc gia (STAR) ở Hoa Kỳ đã vinh danh PGS, TS Trần Xuân Bách ở hạng mục "Ngôi sao tỏa sáng về thành tựu trong nghiên cứu 2020". Đây là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng danh giá này.

"Tuổi trẻ tài cao"

Nếu như kể về thành tích của PGS, TS Trần Xuân Bách, có lẽ phải nhắc đến dấu mốc năm 2016. Khi đó, Trần Xuân Bách mới 32 tuổi nhưng đã được phong học hàm phó giáo sư (PGS) của Việt Nam và trở thành PGS trẻ nhất nước. Dù tuổi còn trẻ nhưng Trần Xuân Bách đã chứng tỏ tài năng, kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực phát triển và y tế toàn cầu. Những công trình nghiên cứu của Trần Xuân Bách tập trung vào các vấn đề kinh tế y tế và chính sách y tế bởi anh nhận thấy vai trò của kinh tế y tế ngày càng cần thiết trong quá trình vận hành hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang trải qua nhiều sự chuyển đổi cùng lúc về kinh tế-xã hội, mô hình bệnh tật với các thách thức mới về sức khỏe toàn cầu, cơ chế tài chính và viện trợ quốc tế.

Đam mê và nỗ lực không ngừng, năm 2017, Trần Xuân Bách được Trường Đại học Alberta (Canada) trao giải thưởng khởi đầu sự nghiệp. Năm 2018, anh được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu-Viện Hàn lâm quốc gia Đức, là thành viên hội đồng điều hành. Tháng 4-2019, PGS, TS Trần Xuân Bách trở thành người Việt Nam duy nhất trong lĩnh vực y tế công cộng được bổ nhiệm chức danh giáo sư kiêm nhiệm của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) và cũng là một trong những giáo sư trẻ tuổi nhất của đại học này. Đây là niềm tự hào rất lớn của y học Việt Nam bởi trường đại học hàng đầu và lâu đời nhất thế giới về lĩnh vực y tế công cộng này có quy chế xét phong học hàm giáo sư cơ hữu và kiêm nhiệm rất chặt chẽ. Ứng viên phải được hai hội đồng cấp khoa và trường thẩm định, ngoài ra còn trải qua vòng phản biện kín và độc lập của các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới.

Hiện PGS, TS Trần Xuân Bách là Phó trưởng Bộ môn Kinh tế y tế, Viện Đào tạo Y học dự phòng và y tế công cộng (Trường Đại học Y Hà Nội), đồng thời là giáo sư kiêm nhiệm ở Đại học John Hopkins và là thành viên Các mạng lưới kết nối tri thức toàn cầu. Anh thường xuyên giảng dạy ở nhiều nước trên thế giới và công bố không ít công trình nghiên cứu khoa học có giá trị về các đề tài như: Chi phí và hiệu quả của can thiệp y tế; các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong y học; y học hành vi và sức khỏe tâm thần, phòng, chống HIV/AIDS...

Trong việc xét và trao Giải thưởng Noam Chomsky 2020, PGS, TS Trần Xuân Bách là một trong hai người được trao giải "Ngôi sao tỏa sáng về thành tựu trong nghiên cứu 2020" vì các nghiên cứu áp dụng mô hình kinh tế-dịch tễ học để khám phá các yếu tố quyết định sự bùng phát các bệnh truyền nhiễm, đánh giá mức độ dễ bị tổn thương của các quốc gia, xác định hệ thống đáp ứng có tính chi phí-hiệu quả cao và các chiến lược kiểm soát dựa trên tâm lý-xã hội và hành vi của con người. Việc nhận giải thưởng "Ngôi sao tỏa sáng về thành tựu trong nghiên cứu 2020" vừa là sự ghi nhận quốc tế về những đóng góp của PGS, TS Trần Xuân Bách trong nghiên cứu và thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, vừa là một bước tiến để anh tiếp tục thực hiện “sứ mệnh đi tiên phong” lan tỏa tinh thần kết nối, hợp tác để cùng góp phần phát triển trí thức trẻ trong nước và trên toàn thế giới. PGS, TS Trần Xuân Bách cũng là một trong 3 nhà khoa học Việt Nam lọt vào danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới có trích dẫn nhiều nhất do Tạp chí PLoS Biology công bố.

PGS, TS Trần Xuân Bách với các em nhỏ Nam Phi. Ảnh do nhân vật cung cấp  

Hướng tới những mục tiêu mới

Không chỉ ghi dấu ấn ở những thành tích cá nhân nổi bật, PGS, TS Trần Xuân Bách còn là thành viên tích cực của các mạng lưới kết nối tri thức trong nước và thế giới. Năm 2018, anh được bầu làm thành viên của ban lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu (Global Young Academy), một mạng lưới kết nối các nhà khoa học trẻ nhằm giải quyết những vấn đề toàn cầu; khuyến khích, hỗ trợ người trẻ làm khoa học, đặc biệt là người trẻ đến từ các quốc gia đang phát triển. Cũng trong năm 2018, anh đảm nhận vai trò Tổng thư ký Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu. Đây là mạng lưới kết nối, tạo cơ hội cho các trí thức trẻ Việt Nam trong và ngoài nước cùng chung tay đóng góp các sáng kiến phục vụ đất nước. Thông qua mạng lưới, hàng chục nhóm nghiên cứu đã được thành lập, hàng trăm đề xuất, sáng kiến được mạng lưới làm cầu nối đưa tới các nhà lãnh đạo quốc gia.

Quan điểm của PGS, TS Trần Xuân Bách là: “Mỗi trí thức trẻ đều mang một sứ mệnh đi tiên phong, là đại sứ của tinh thần thanh niên xung kích trong khoa học và công nghệ, để lan tỏa, mở rộng đội hình; nuôi dưỡng, bồi đắp các ý tưởng; tranh thủ mọi nguồn lực, cơ hội, cộng hưởng để phát triển”. Trong hành trình khám phá tri thức, anh luôn trân quý và nâng niu mọi sự ghi nhận, dù ở cấp độ nào. “Tôi ghi nhớ tất cả những cột mốc này cùng với những thông điệp, kỳ vọng được gửi gắm của cộng đồng khoa học. Tôi coi đó như nguồn cảm hứng, sự động viên cho mình và các đồng nghiệp nỗ lực hơn nữa để hướng tới những mục tiêu mới”, PGS, TS Trần Xuân Bách tâm sự.

Chia sẻ về nhà khoa học “tuổi trẻ tài cao” này, GS, TS khoa học Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, cho biết, ông rất vui khi nhận được tin PGS, TS Trần Xuân Bách nằm trong số ít nhà khoa học trên thế giới được nhận Giải thưởng Noam Chomsky. “PGS, TS Trần Xuân Bách là một trong những nhà khoa học tích cực tham gia, cống hiến và góp phần chăm lo sức khỏe cộng đồng. Những nghiên cứu y học và ứng dụng mà PGS, TS Trần Xuân Bách cùng đồng nghiệp ở Trường Đại học Y Hà Nội, các đồng nghiệp tại Việt Nam và quốc tế tiến hành trong thời gian qua đã góp phần cùng cộng đồng khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19. Nhà khoa học giỏi phải dấn thân, hy sinh vì Tổ quốc. Có thể nói, PGS, TS Trần Xuân Bách là một trong những nhà khoa học như thế”, GS, TS Trần Văn Nhung chia sẻ.

“Giải thưởng mang tên nhà bác học Noam Chomsky là giải thưởng lớn, rất có ý nghĩa. Cần phải nói thêm, ông là nhà khoa học thiên tài nhưng luôn dấn thân vì cộng đồng, vì nhân loại tiến bộ. Đó mới chính là mục đích nhân văn cuối cùng của khoa học. Vì vậy, những người được trao giải thưởng mang tên nhà bác học Noam Chomsky phải thấy đó là vinh dự lớn”, GS, TS Trần Văn Nhung nhấn mạnh.

Vốn hiểu biết và những công trình của các nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực toán học, ngôn ngữ học... luôn được nhà bác học Noam Chomsky đánh giá cao. Vì theo ông, các nhà khoa học Việt Nam có thể thực hiện các nghiên cứu khoa học trong điều kiện còn rất khó khăn, thiếu thốn, nhưng vẫn đạt những kết quả được thế giới công nhận. Sau những trải nghiệm ở Hà Nội năm 1970, Giáo sư Noam Chomsky vô cùng ấn tượng với giới khoa học Việt Nam trước những khao khát tri thức trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Trong cuộc phỏng vấn tại văn phòng của ông ở Học viện Công nghệ Massachusetts (M.I.T) sau chuyến đi, Giáo sư Noam Chomsky đã nói rằng: “Tôi vô cùng ngạc nhiên và hứng thú với việc những người ở trường đại học không muốn nói về cuộc chiến tranh, họ muốn nói về khoa học”.

Trong bom đạn, khổ đau và nhu cầu sinh tồn thường trực thì hình ảnh đó chính là minh chứng lịch sử sinh động cho tinh thần Việt Nam, ý chí Việt Nam, phẩm chất và khát vọng của con người Việt Nam. Cũng từ đó, Giáo sư Noam Chomsky đã trở thành một nhân vật trí thức lịch sử khi công khai phát động phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam tại Hoa Kỳ và vun đắp cho những giá trị nhân văn và phát triển con người.

Việc PGS, TS Trần Xuân Bách trở thành giáo sư kiêm nhiệm của trường đại học hàng đầu và lâu đời nhất thế giới về lĩnh vực y tế công cộng, cũng là trường đại học nghiên cứu đầu tiên của Mỹ, như Đại học Johns Hopkins, và nay lại được trao Giải Noam Chomsky, đã chứng tỏ không chỉ tài năng của các nhà khoa học trẻ Việt Nam, mà còn là của nền khoa học Việt Nam đã và đang tiệm cận với những giá trị khoa học thế giới.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 3502

Về trang trước Về đầu trang