Thực hiện Quyết định số 2205/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành văn bản giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định nêu trên.
Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình) được xây dựng nhằm đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Mục tiêu của Chương trình là phấn đấu đến năm 2025, 100% các trường đại học, viện nghiên cứu được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; tối thiểu 40% sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ. Đến năm 2030, số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế của các viện nghiên cứu, trường đại học tăng trung bình 16 - 18%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12 - 14%; tối thiểu 60% sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ...
Chương trình gồm có 06 nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ như: xây dựng cơ sở dữ liệu, các công cụ và cung cấp dịch vụ thông tin sở hữu trí tuệ, bản đồ sáng chế; hỗ trợ hình thành và phát triển các tổ chức cung cấp dịch vụ phân tích thông tin sáng chế và dự báo xu hướng phát triển công nghệ; xây dựng và triển khai các chương trình tập huấn, đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu về sở hữu trí tuệ phù hợp với từng nhóm đối tượng...
2. Thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước
3. Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ
4. Thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
5. Phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ
6. Hình thành, tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội thông qua việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Theo đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí để triển khai Chương trình của địa phương; tổ chức quản lý và thực hiện các nội dung Chương trình theo quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ (đề tài, dự án, đề án) cấp tỉnh; lồng ghép việc thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác thuộc thẩm quyền quản lý.
Nguồn: Công văn số 350/UBND-VP