Tin KHCN trong nước
Hiện thực hóa ý tưởng biến bã mía thành nhiều sản phẩm hữu ích (11/01/2021)
-   +   A-   A+   In  

Tìm hiểu, nghiên cứu, Tâm Như nhận thấy bã mía có thể là nguyên liệu “phi gỗ” để làm ra giấy và từ giấy này có thể sáng tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích, phục vụ đời sống.

Những năm qua, phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ và lan tỏa sâu rộng trong xã hội, thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ.

Với tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhiều học sinh, sinh viên ở Thành phố Hồ Chí Minh đã biến ý tưởng trong quá trình học tập của mình trở thành những dự án khởi nghiệp, kinh doanh. Không dừng lại ở giá trị kinh tế, nhiều dự án khởi nghiệp còn hướng tới các mục tiêu vì cộng đồng.

Biến bã mía thành nhiều sản phẩm hữu ích

Hai năm trước, từ một bài tập trong tiết học STEM môn Hóa về tái chế rác thải, em Lương Tâm Như (lớp 12A6, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân) quan sát thấy sau khi ép lấy nước, bã mía được xử lý đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường nên nghĩ đến việc tái chế bã mía. Tìm hiểu, nghiên cứu, Tâm Như nhận thấy bã mía có thể là nguyên liệu “phi gỗ” để làm ra giấy. Từ giấy này có thể sáng tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích, phục vụ đời sống.

Ý tưởng trên được cô Nguyễn Trần Quỳnh Phương, giáo viên môn Hóa của trường đánh giá cao bởi ý nghĩa và khả năng hiện thực hóa thành sản phẩm phục vụ đời sống. Cô Phương góp ý, hướng dẫn Tâm Như tiếp tục nghiên cứu phát triển ý tưởng. Đồng thời, cô cũng tập hợp thêm nhiều học sinh có khả năng phù hợp và yêu thích lĩnh vực này để cùng tham gia phát triển ý tưởng và cho ra đời nhiều sản phẩm độc đáo, hữu ích.

"Sau thời gian tìm hiểu, bàn bạc, nhóm bắt tay vào thực hiện dự án 'Sản xuất giấy và làm đồ dùng handmade từ bã mía.' Với tên gọi SugarPop, nhóm gồm bảy thành viên chính phụ trách từng khâu từ nghiên cứu, sản xuất giấy thô, trang trí tới truyền thông về sản phẩm của dự án. Ban đầu việc làm giấy chưa thành công, giấy làm ra chưa đạt chất lượng. Sau nhiều lần thử nghiệm, thay đổi tỷ lệ pha trộn hỗn hợp, tẩy trắng, sản phẩm làm ra đạt được chất lượng theo yêu cầu” - Lương Tâm Như chia sẻ.

Bã mía sau khi xử lý làm sạch sẽ được xay nhuyễn và rây thành bột mía. Trộn bột mía với bột giấy được làm từ giấy cũ tạo ra hỗn hợp giấy mía, tiếp đó sẽ tẩy trắng hỗn hợp này bằng oxi già. Pha trộn hỗn hợp giấy mía với keo hữu cơ (polyvinyle ancol - PVA) theo tỷ lệ nhất định và lọc qua khung để tạo hình giấy; phơi khô để thu được sản phẩm giấy thô.

Từ giấy này, các em đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, hữu ích. Ban đầu, là thiệp, bookmark, sổ tay, lịch, quay xách ly nước… Tiếp tục khảo sát nhu cầu thị trường, gần đây, nhóm đã phát triển thêm sản phẩm tranh treo tường do chính các thành viên trong nhóm tự vẽ. Các sản phẩm chủ yếu được giới thiệu qua trang mạng xã hội, trang thương mại điện tử hoặc bán trực tiếp tại các chương trình triển lãm, hội chợ của trường. Khi nhiều người biết đến, các sản phẩm được đưa vào các cửa hàng quà lưu niệm, văn phòng phẩm… kinh doanh.

Các sản phẩm được thiết kế đẹp mắt, sáng tạo đã hút được lượng khách hàng nhất định, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên. Riêng tranh treo tường, đối tượng khách hàng khá đa dạng, ở mọi lứa tuổi. Ngoài mua mẫu có sẵn, nhiều khách còn đặt vẽ theo yêu cầu.

Em Trần Xuân Khánh Thi, học sinh lớp 12A6, Trưởng nhóm SugarPop, chia sẻ nguyên liệu làm giấy “phi gỗ” này có thể tận dụng từ nguồn sẵn có hoặc trồng canh tác ngắn ngày. Bã mía cũng là nguồn nguyên liệu tiềm năng trong tương lai, ngoài việc sản xuất giấy, còn thể sử dụng trong sản xuất túi, ly, hộp… góp phần giảm thiểu sử dụng đồ nhựa một lần. Các sản phẩm của nhóm đã từng bước khẳng định được thương hiệu "xanh" trên thị trường. Mục tiêu quan trọng và lâu dài mà dự án hướng tới đó là truyền thông, lan tỏa mạnh mẽ về lối sống “xanh," nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng.

Đồng hành cùng nhóm từ những ngày đầu, cô giáo Nguyễn Trần Quỳnh Phương đánh giá, năng lực sáng tạo của các em học sinh là rất tốt. Việc đổi mới phương pháp dạy học là rất quan trọng góp phần khơi dậy được sự chủ động, sáng tạo trong học sinh. Từ ý tưởng trở thành sản phẩm là cả quá trình, tuy nhiên khi say mê thì các em có thể làm được. Tham gia thực hiện dự án, không chỉ giúp học sinh ứng dụng tốt kiến thức vào thực tiễn, mà còn giúp các em hoàn thiện nhiều kỹ năng như nghiên cứu, làm việc nhóm… Các em còn có điều kiện trải nghiệm công việc của một người làm kinh doanh, quản lý…

Hướng đến ổn định đầu ra cho quả bơ Việt

Mong muốn tạo ra các sản phẩm mới từ quả bơ bên cạnh việc ăn quả tươi khi chín, em Trần Thị Hảo và Trương Huỳnh Quảng Khánh, sinh viên Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, bắt tay vào thực hiện dự án Sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cây bơ Việt Nam. Hiện dự án đã sản xuất thử nghiệm thành công hai sản phẩm gồm bột bơ dinh dưỡng và bột bơ làm đẹp. Trong đó, bột bơ làm đẹp dự kiến bán ra thị trường vào tháng 3/2021. Còn bột bơ dinh dưỡng sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm về mùi, vị trước khi đưa ra thị trường vào cuối năm 2021.

Chia sẻ về quá trình phát triển của dự án, em Trần Thị Hảo cho biết, quê ở Gia Lai nên em thường xuyên chứng kiến việc “giải cứu trái bơ” cho người nông dân vào mỗi mùa bơ rộ do đầu ra không ổn định. Mặt khác, quả bơ khi chín khá khó bảo quản, dễ hỏng và phải đổ bỏ nếu không bán kịp. Trăn trở về về điều này, Hảo muốn góp sức tìm đầu ra cho sản phẩm bơ tươi và được người bạn Quảng Khánh ủng hộ.

Hai em bắt tay vào thực hiện kế hoạch kinh doanh quả bơ tươi trên các trang mạng xã hội, thương mại điện tử năm 2018. Tuy nhiên, mục tiêu của hai bạn trẻ không dừng lại ở đó mà sẽ tìm cho mình một hướng đi mới mẻ hơn. Tích lũy được kha khá vốn từ việc kinh doanh, hai năm sau, Hảo và Khánh chính thức bắt tay vào thực hiện ý tưởng đã ấp ủ bấy lâu là nghiên cứu chế biến chuyên sâu các sản phẩm từ quả bơ. Qua đó, góp phần giải quyết khó khăn trong việc bảo quản bơ tươi chín, hỗ trợ người dân trong việc ổn định đầu ra cho quả bơ. Sau bao khó khăn, sản phẩm bột bơ dinh dưỡng, bột bơ làm đẹp được ra đời.

Theo Hảo, vấn đề khó khăn nhất đó là nghiên cứu tìm ra công nghệ chế biến phù hợp với quả bơ để không làm mất đi giá trị dinh dưỡng, bởi cả hai em đều không học ngành liên quan đến lĩnh vực này. Do đó, hai em phải tìm hiểu, học hỏi và xin ý kiến rất nhiều chuyên gia, thầy cô trong ngành chế biến thực phẩm để xây dựng được quy trình chế biến phù hợp.

Hiện hai sản phẩm này đã được giới thiệu, khảo sát nhu cầu với nhiều khách hàng. Điều đáng mừng là đã có nhiều doanh nghiệp đặt hàng, đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm.

 “Đến nay, nhóm đã tự chủ về công nghệ, quy trình chế biến. Không chỉ dừng lại ở hai sản phẩm bột bơ làm đẹp và bột bơ dinh dưỡng, thời gian tới nhóm sẽ tiếp tục phát triển thêm nhiều sản phẩm khác từ quả bơ, đồng thời cải tiến, làm mới các sản phẩm hiện có để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Qua đó, từng bước chinh phục thị trường trong nước, hướng đến các thị trường quốc tế," em Trần Thị Hảo chia sẻ./.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Số lượt đọc: 2233

Về trang trước Về đầu trang