Tin KHCN nước ngoài
Mất đa dạng sinh học sẽ khiến con người mắc nhiều bệnh hơn (23/12/2020)
-   +   A-   A+   In  

Dự báo đến năm 2050, 70% dân số thế giới sẽ sống ở các thị trấn và thành phố. Cuộc sống đô thị mang lại nhiều tiện ích, nhưng những người dân thành phố trên toàn thế giới đang đang phải chứng kiến sự tăng lên nhanh chóng của các vấn đề sức khỏe như bệnh hen suyễn, viêm ruột... Các nghiên cứu gần đây cho thấy, thực tế này có liên quan đến sự mất đa dạng sinh học và cạn kiện các dạng sống khác nhau trên Trái đất. Tốc độ tuyệt chủng của nhiều loài hiện đang cao hơn hàng nghìn lần so với trong quá khứ. Trong đó, đa dạng vi sinh vật chiếm một phần lớn trong đa dạng sinh học đang bị mất đi.

Đa dạng vi sinh vật (vi khuẩn, vi-rút, nấm...) đều cần thiết để duy trì hệ sinh thái khỏe mạnh. Con người là một phần của các hệ sinh thái, do đó sức khỏe của chúng ta cũng bị ảnh hưởng khi nhiều vi sinh vật biến mất, hoặc khi sự tiếp xúc giữa con người với chúng bị giảm đi.

Ruột, da và hệ hô hấp của chúng ta đều chứa các hệ vi sinh vật khác nhau. Chỉ riêng ruột người chứa tới 100 nghìn tỷ vi khuẩn (số lượng vượt trội so với tế bào). Vi khuẩn cung cấp các điều kiện không thể thiếu cho sự sống còn của con người, chẳng hạn như chuyển hóa thực phẩm và cung cấp các hóa chất hỗ trợ chức năng não.

Sự tiếp xúc với các vi khuẩn trong môi trường cũng rất cần thiết để củng cố hệ thống miễn dịch của con người. Vi khuẩn được tìm thấy trong môi trường gần với môi trường mà chúng ta sống (như rừng và đồng cỏ), được các nhà vi trùng học gọi là vi khuẩn "bạn cũ". Chúng đóng vai trò chính trong việc "huấn luyện" hệ thống miễn dịch của chúng ta. Tiếp xúc với một loạt các vi khuẩn cho phép cơ thể con người thực hiện một phản ứng phòng thủ hiệu quả chống lại mầm bệnh. Một phần khác của hệ thống miễn dịch của chúng ta sẽ tạo ra những đội quân "tế bào nhớ" ghi nhớ tất cả các mầm bệnh mà cơ thể chúng ta gặp phải. Điều này cho phép đáp ứng miễn dịch nhanh chóng và hiệu quả với các mầm bệnh tương tự trong tương lai.

Để giúp chống lại các bệnh truyền nhiễm như COVID-19, chúng ta cần hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Muốn vậy, chúng ta không thể thiếu sự hỗ trợ từ các hệ vi sinh vật đa dạng. Giống như vi khuẩn có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, bằng cách giúp thực vật phát triển và chuyển hóa chất dinh dưỡng của đất, chúng cũng cung cấp cho cơ thể con người các chất dinh dưỡng và hóa chất giúp duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần. Điều này hỗ trợ khả năng phục hồi của chúng ta khi đối mặt với bệnh tật và những lúc căng thẳng trong cuộc sống.

Tuy nhiên trên thực tế, các thành phố đang ngày càng thiếu đa dạng sinh học. Hầu hết các thành phố đều đã hoán đổi không gian màu xanh lá cây và xanh lam cho không gian màu xám của những khối bê tông. Do đó, người dân thành thị ngày càng ít tiếp xúc với sự đa dạng của các vi khuẩn có lợi cho sức khỏe.

Những người mắc chứng lo âu (germaphobia) thường cho rằng tất cả các vi khuẩn đều xấu và khuyến khích mọi người khử trùng tất cả các bề mặt trong nhà, ngăn trẻ em ra ngoài chơi với đất hay cát. Đất là một trong những môi trường giàu đa dạng sinh học nhất trên trái đất, vì vậy lối sống đô thị thực sự có thể gây bất lợi cho những đứa trẻ khi cắt đứt mối liên hệ quan trọng giữa chúng với môi trường tự nhiên như đất.

Vậy chúng ta cần phải làm gì? Câu trả lời đầu tiên là chúng ta cần phải suy nghĩ và hành động nghiêm túc hơn về hệ vi sinh vật đô thị bằng cách khôi phục môi trường sống tự nhiên nhiều nhất có thể, như trồng đa dạng các loại cây bản địa, tạo ra không gian xanh an toàn và dễ tiếp cận, xây dựng nhiều hơn các công viên....

Thúc đẩy sự kết nối giữa con người với thiên nhiên, bao gồm cả các vi khuẩn (mà nhiều người trong chúng ta hiện đang trốn tránh) nên là một phần quan trọng trong bất kỳ chiến lược phục hồi sau đại dịch nào. Chúng ta phải bảo vệ và thúc đẩy đa dạng sinh học, điều này có ý nghĩa sống còn đối với sức khỏe cá nhân và hành tinh của chúng ta.

 

Nguồn: https://vjst.vn/

Số lượt đọc: 4633

Về trang trước Về đầu trang