Tin KHCN trong nước
Bắc Giang: Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình trồng thâm canh cây Ba kích tím dưới tán rừng (21/12/2020)
-   +   A-   A+   In  

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên và những căn cứ khoa học từ việc thực hiện các đề tài trước đó, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã đề xuất và được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) xây dựng mô hình trồng thâm canh cây Ba kích tím dưới tán rừng trên địa bàn huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Kết quả thực hiện dự án đã cho hiệu quả kinh tế (lãi) khoảng gần 1 tỷ/ha, cao gấp 5-6 lần so với trồng keo. 

Bắc Giang là một tỉnh thuộc trung du miền núi Bắc Bộ, nằm liền kề các trung tâm đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và Lạng Sơn và gần cửa khẩu phía Bắc và Đông bắc với hệ thống đường quốc lộ, đường sắt và đường thủy khá thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa giữa các vùng miền. Do cấu trúc địa hình và khí hậu đa dạng, nên đã tạo ra sự đa dạng về tài nguyên sinh vật. Với hơn 129,164 ha đất rừng tự nhiên và rừng trồng, hệ thực vật rừng khá phong phú, trong đó có 452 loài cây dược liệu quý thuộc 53 chi của 28 họ cây cỏ, dây leo. Toàn tỉnh hiện có trên 600 ha trồng cây dược liệu, tập trung tại các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Dũng, Việt Yên, Tân Yên… 

Tuy nhiên, diện tích trồng cây dược liệu nói chung, diện tích trồng cây Ba kích nói riêng còn khiêm tốn so diện tích chung của tỉnh. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, không đồng đều, không theo tiêu chuẩn mà chỉ theo hình thức tự phát. Vì vậy, việc nhân rộng mô hình trồng cây Ba kích, tăng thu nhập cho người dân trên một đơn vị canh tác là việc làm cần được quan tâm. 

Cây Ba kích thuộc họ Cà phê (Rubiaceae), Bộ Long đởm (Gentianales) Ba kích còn có tên khác là Ba kích thiên, Chẩu phóng xì (Tày), Chày kiềng đòi (Dao), dây ruột gà, thau tày cáy (Tày), chồi hoàng kim, sáy cày (Thái), liên châu Ba kích,... Trong dân gian còn gọi là cây ruột gà. Theo y học cổ truyền, Ba kích là vị thuốc có tác dụng bổ trí não, trợ dương, ích tinh, mạnh gân cốt, chữa các bệnh về tình dục, người già mệt mỏi, kém ăn, ít ngủ nhưng không có biểu hiện bệnh lý. Đặc biệt, tuy giúp bình thường hóa và cải thiện tình dục nhưng Ba kích không kích dục, không có tác dụng như androgen và không độc. Gần đây, thành phần hóa học và nhiều tác dụng dược lý mới của Ba kích cũng đã được phát hiện như chống stress, trầm cảm và oxy hóa.

Trong những năm 1970, nguồn Ba kích chỉ dựa vào việc khai thác tự nhiên từ rừng thuộc một số tỉnh phía Bắc như: Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Lạng Sơn, Hà Bắc (cũ), Hòa Bình, Quảng Ninh và Hà Tây (cũ). Do nhu cầu trong nước và thế giới ngày càng tăng nên Ba kích mọc hoang bị khai thác ngày càng cạn kiệt. Mặt khác, rừng ở các vùng phân bố Ba kích bị tàn phá nghiêm trọng khiến cây giống lâm vào tình trạng gần như tuyệt chủng và bị liệt vào Sách Đỏ Việt Nam.

Năm 2011, Hội đồng KH&CN cấp cơ sở Hội Nông dân tỉnh họp thống nhất thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình thử nghiệm trồng Ba kích tím dưới tán vải tại huyện Sơn Động” với quy mô 1.000 m2 tại xã Yên Định, huyện Sơn Động. Năm 2014, 2015, được sự đồng ý của UBND tỉnh Bắc Giang, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai đề tài “Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây Ba kích tím dưới tán cây lâm nghiệp, cây ăn quả tại Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang”. Kết quả cho tỷ lệ sống đạt trên 80%, năng suất trung bình đạt 1,5 kg củ tươi/gốc, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xuất phát từ nhu cầu và điều kiện thuận lợi của địa phương, trên cơ sở thành công ban đầu của đề tài nghiên cứu cấp tỉnh do Hội Nông dân tỉnh thực hiện năm 2014-2015 tại Tây Yên Tử, huyện Sơn Động; Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đề nghị Sở KH&CN trình UBND tỉnh phê duyệt thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng thâm canh cây Ba kích tím dưới tán rừng trên địa bàn huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang” để nhân rộng mô hình trồng cây Ba kích tím trên địa bàn huyện Sơn Động. 

Gốc Ba kích tím đạt 3,2 kg sau trồng 32 tháng tại mô hình của dự án.

Kết quả thực hiện dự án đã xây dựng thành công mô hình trồng cây Ba kích tím theo một số tiêu chí GACP-WHO với quy mô 5 ha tại xã Thanh Luận, huyện Sơn Động với sự tham gia của 10 hộ nông dân. Kết quả cho thấy: 1) Một số chỉ tiêu về phân tích trong đất: Cu, Pb, Zn, Cd, As đối chiếu kết quả thu được với các tiêu chuẩn về dược liệu do GACP-WHO ban hành đã cho thấy tại xã Thanh Luận được lựa chọn để phát triển cây Ba kích đều có hàm lượng kim loại nặng trong đất dưới ngưỡng cho phép; 2) Tỷ lệ sống: cây Ba kích tím có tỷ lệ sống 3, 6, 12, 18, 32 tháng sau trồng tỷ lệ sống lần lượt là: 92,2%; 89,4%; 87,7%; 85,5%; 80,1%; 3) Về các chỉ tiêu sinh trưởng: cây Ba kích tím sau trồng 3, 6, 12, 18, 32 tháng có chiều dài thân chính lần lượt là: 28,4; 78,9; 138,3; 264,9 và 290,3cm; số cặp lá: 5,5; 14,3; 37,9; 79 và 81,9 cặp; đường kính thân 0,14; 0,26; 0,43; 0,57 và 0,66 cm; 4) Về chỉ tiêu năng suất (32 tháng sau trồng): đạt 8,5 tấn/ha; 5) Theo dõi sâu bệnh hại: ở thời kỳ cây bắt đầu sinh trưởng tốt (năm thứ nhất) có hai đối tượng sâu bệnh hại thường gặp và gây hại ở mức trung bình là sâu xanh ăn lá, bệnh nấm gỉ sắt và bệnh đốm mắt nâu. Một số đối tượng sâu bệnh hại khác có xuất hiện nhưng mức độ gây hại không đáng kể như: rệp muội, bệnh lở cổ rễ, bệnh héo xanh….

Dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập đã trừ chi phí (lãi) khoảng 995 triệu đồng/ha, gấp 5-6 lần so trồng cây lâm nghiệp (như cây keo). Ngoài ra, dự án góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân trên địa bàn huyện Sơn Động. Bên cạnh đó, dự án đã đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho 100 lượt người tham dự; 01 hội nghị đầu bờ cho 50 người và 01 cuộc hội thảo khoa học với 30 đại biểu tham dự. Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng cho việc nhân rộng dự án trong cộng đồng sau khi dự án kết thúc. Dự án đã hoàn thiện bản hướng dẫn kỹ thuật trồng cây Ba kích tím dưới tán rừng; phân tích, đánh giá chất lượng củ Ba kích theo một số tiêu chí GACP-WHO đạt tiêu chuẩn theo dược điển Việt Nam V.

Đại diện Sở KH&CN Bắc Giang - đơn vị quản lý dự án cho biết: dự án thực hiện đã góp phần vào việc bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển sản xuất nguồn lâm sản ngoài gỗ, hạn chế người dân phá rừng làm kạn kiệt nguồn tài nguyên, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thay thế những cây trồng kém hiệu quả bằng việc trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, tạo vùng sản xuất hàng hóa, gắn với kinh doanh, dịch vụ, du lịch sinh thái, nâng cao đời sống cho nhân dân vùng dân tộc miền núi, tiến tới làm giàu và sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo hướng phát triển nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh hiện đại.

 

Nguồn: https://vjst.vn/vn

Số lượt đọc: 2223

Về trang trước Về đầu trang