Tin KHCN trong nước
Chân dung PGS. TS Hồ Thị Thanh Vân: Nhà khoa học tiêu biểu Châu Á năm 2020 (14/12/2020)
-   +   A-   A+   In  

Với những thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc, PGS. TS. Hồ Thị Thanh Vân - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM đã được Tạp chí Khoa học Singapore xếp hạng thứ 23/100 Nhà khoa học tiêu biểu châu Á năm 2020; và là 1 trong 3 Nhà khoa học Nữ Xuất sắc nhất Việt Nam năm 2019.

PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân từng được tuyển thẳng vào Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) năm 1998. Ra trường năm 2003, với kết quả học tập tốt, Thanh Vân được giữ lại làm cán bộ giảng dạy bộ môn Hóa vô cơ, thuộc khoa Kỹ thuật Hóa học của trường. Sau khi hoàn thành ThS năm 2006, Thanh Vân nhận được học bổng TS toàn phần của ĐH Khoa học và Kỹ thuật Đài Loan.

Tại đây, cô ghi dấu ấn bằng việc công bố 1 bằng sáng chế Mỹ, 1 bằng sáng chế Đài Loan về lĩnh vực năng lượng mới, và 3 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI uy tín với tổng hệ số ảnh hưởng IF=60 và trở thành một trong số ít nghiên cứu sinh nhận được bằng TS trước thời hạn (chưa đến 3 năm).

ho thi thanh van

Chân dung PGS. TS Hồ Thị Thanh Vân: Nhà khoa học tiêu biểu Châu Á năm 2020 

Hoàn thành luận án TS, Thanh Vân được mời ở lại làm việc. Trong thời gian này, cô tiếp tục gặt hái thành công với các dự án lớn về pin, năng lượng mặt trời. Dù nhận được lời mời ở lại làm việc thêm 2 năm nữa nhưng Thanh Vân chọn con đường quay trở về Việt Nam với mong muốn có thể đóng góp một phần nào đó kiến thức đã học vào đào tạo thế hệ trẻ và phát triển của nước nhà. Bởi cô biết rõ tác động của biến đổi khí hậu kinh khủng nhường nào nên cần có giải pháp chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang nguồn năng lượng sạch, tái tạo. Pin nhiên liệu là một trong những giải pháp năng lượng cần phát triển và thúc đẩy.

Tháng 9/2013, Thanh Vân trở về Việt Nam, đảm nhận vị trí Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ Đối ngoại Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TPHCM.  Cô đã tham gia tích cực vào công tác giảng dạy và NCKH và cho đến nay đã công bố 80 bài báo trên các tạp chí trong và ngoài nước. Cô cũng tham gia với hơn 10 dự án, đề tài KHCN trong và ngoài nước; đạt nhiều giải thưởng KHCN quốc gia và quốc tế.

Năm 2016, TS Hồ Thị Thanh Vân đã được hội đồng chức danh GS nhà nước xét công nhận PGS, lúc đó cô mới chỉ 36 tuổi.

Năm 2019, PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân được Hội đồng Khoa học L’Oreal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học vinh danh với đề án nghiên cứu tổng hợp xúc tác nano hợp kim Pt-Mo trên vật liệu nano Ti0, 8W0, 202 để nâng cao khả năng chịu đầu độc CO và giảm giá thành cho loại pin nhiên liệu sử dụng trực tiếp methanol là một dạng năng lượng tái tạo. Hướng nghiên cứu này sẽ mang đến lợi ích thiết thực trong việc sử dụng rộng rãi pin nhiên liệu, để thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch và giảm sự nóng lên toàn cầu do khí thải CO2.

"Những nghiên cứu khoa học (NCKH) trong lĩnh vực này có giá trị thực tiễn lớn, tính cấp thiết cao, đóng góp quan trọng trong việc phát triển các dạng năng lượng tái tạo, từ đó bảo đảm an ninh năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. Phát triển NCKH năng lượng sạch cũng góp phần đào tạo một thế hệ NCKH trẻ của Việt Nam có kiến thức, tư duy khoa học tốt", Thanh Vân cho biết.

Cô nghiên cứu tổng hợp xúc tác nano hợp kim Pt-Mo trên vật liệu nano Ti0, 8W0, 202 để nâng cao khả năng chịu đầu độc CO và giảm giá thành cho loại pin nhiên liệu sử dụng trực tiếp methanol là một dạng năng lượng tái tạo. Hướng nghiên cứu này sẽ mang đến lợi ích thiết thực trong việc sử dụng rộng rãi pin nhiên liệu, thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch và giảm sự nóng lên toàn cầu do khí thải CO2.

Kết quả nghiên cứu của cô tạo ra loại pin nhiên liệu có giá thành rẻ hơn loại thông thường 20%. Trước kia một hệ thống pin nhiên liệu có giá khoảng 300 triệu đồng thì nay chỉ còn 240 triệu đồng.

ho thi thanh van1

Cô chia sẻ: “Để đạt được học hàm PGS,TS khi còn trẻ, khó khăn lớn nhất có lẽ là điều kiện và môi trường nghiên cứu ở Việt Nam còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ vào niềm đam mê và tâm huyết nên tôi luôn cố gắng vượt qua. Ngoài ra, tôi cũng muốn thực hiện ước mơ trước khi sang nước ngoài học là trở về Việt Nam xây dựng một mô hình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh hỗ trợ đào tạo và hướng dẫn SV, Ths, NCS… giúp các bạn có một điều kiện học tập, nghiên cứu tốt nhất…”.

Cô tự nhủ càng phải cố gắng vì nếu bỏ cuộc, Việt Nam sẽ không thể phát triển các hướng nghiên cứu mới, khó hội nhập và bắt kịp xu thế phát triển KHCN của quốc tế. 

Không chỉ có những vất vả trong quá trình công tác mà gia đình cũng là một trong những yếu tố buộc Thanh Vân phải tìm cách cân bằng. Cô được phong PGS. TS đúng thời điểm hai con còn nhỏ, nên phải sắp xếp thời gian vừa lo cho gia đình, chăm sóc con, vừa hoàn thành các công trình nghiên cứu. 

Dù vậy, sau này khi nhìn lại, cô cảm thấy thật may mắn vì luôn có gia đình và đặc biệt mẹ ruột và chồng (cũng là tiến sĩ trong ngành đào tạo) đã tạo điều kiện tốt nhất giúp cô hoàn thành công việc đặc biệt về NCKH.

Nguồn: sohuutritue.net.vn

Số lượt đọc: 2296

Về trang trước Về đầu trang