Tin KHCN trong nước
Bốn công nghệ giúp tạo lợi thế cạnh tranh trong giáo dục (11/12/2020)
-   +   A-   A+   In  
Việc áp dụng bốn công nghệ quan trọng sẽ ảnh hưởng đến thế giới trong tương lai (kết nối vạn vật, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và 5G) có thể giúp tạo ra những lợi thế cạnh tranh mới trong lĩnh vực giáo dục, kích thích sự sáng tạo và trí tưởng tượng của học sinh.

Đó là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn Giáo dục thông minh METAEDU 2020 mới diễn ra ở Đài Bắc, Đài Loan.
 
Tham dự sự kiện được tổ chức dưới hình thức hỗn hợp thực-ảo này có 32 đại diện của các doanh nghiệp giáo dục thông minh ở Đài Loan và hơn 800 chuyên gia giáo dục đến từ 10 quốc gia khác.
 

Đại diện Bộ Công nhiệp Đài Loan và Viện Giáo dục số (giữa, hàng đầu) chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện các doanh nghiệp Đài Loan tại Diễn đàn Giáo dục Thông minh METAEDU 2020. Ảnh: BTC
 
Diễn đàn nhận định, dịch bệnh Covid đem đến nhiều tác động hai mặt cho ngành giáo dục ở khắp mọi nơi. Một mặt, dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề cho sức khỏe, cuộc sống và xã hội, trẻ em và thanh thiếu niên bị gián đoạn về giáo dục. Mặt khác, dưới ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều trường học đã chủ động triển khai đào tạo trực tuyến, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào giảng dạy, để cho dù người học ở đâu cũng không bị dừng việc học. Chính trong thời gian đại dịch, vai trò của đào tạo trực tuyến được nhìn nhận rõ ràng hơn bao giờ hết.
 
Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng chỉ ra các giải pháp và xu hướng giáo dục mới nhất trên toàn cầu. Theo đó, có 4 công nghệ quan trọng sẽ ảnh hưởng trong tương lai, gồm: kết nối vạn vật, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và 5G; và việc áp dụng những công nghệ này có thể giúp tạo ra những lợi thế cạnh tranh mới trong lĩnh vực giáo dục, kích thích sự sáng tạo và trí tưởng tượng của học sinh.
 
Diễn đàn Giáo dục Thông minh METAEDU được Viện Giáo dục số (Digital Education Institute) thuộc Viện Thông tin Công nghiệp (Institute of Industrial Information) tổ chức hằng năm. METAEDU là từ viết tắt lấy cảm hứng từ các từ khoá quan trọng trong lĩnh vực giáo dục thông minh: Massive, Education, Technology, Assembly, Export, Development, Universe.
 

GS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - đại diện phía Việt Nam nhận bằng khen của Bộ Công nghiệp Đài Loan theo hình thức trực tuyến tại Diễn đàn Giáo dục Thông minh METAEDU 2020.Ảnh: BTC
 
Cũng trong diễn đàn lần này, Ban tổ chức đã thay mặt Bộ Công nghiệp Đài Loan trao bằng khen cho các doanh nghiệp tiêu biểu và các đối tác quốc tế có đóng góp tích cực trong nền giáo dục thông minh. Về phía Việt Nam, GS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đã đại diện cho Trường nhận bằng khen của Bộ Công nghiệp Đài Loan. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là một trong những đơn vị đã tích cực đưa nhiều ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào trong dạy và học. Những năm gần đây, Trường đã và đang phối hợp với nhiều cơ quan, doanh nghiệp Đài Loan để từng bước xây dựng trở trành trường đại học thông minh.
 

Gian trưng bày sản phẩm giáo dục thông minh tại METAEDU 2020. Ảnh: BTC
 
Đồng thời, Diễn đàn cũng tổ chức ra mắt cuốn sách chuyên đề “Đổi mới giáo dục thời kỳ sau dịch bệnh”, giới thiệu sự phát triển và thành quả giáo dục thông minh của ngành công nghiệp giáo dục Đài Loan trong những năm qua.

Nguồn: khoahocphattrien.vn

Số lượt đọc: 2555

Về trang trước Về đầu trang