Tin KHCN trong tỉnh
KH-CN giải quyết nhiều bài toán khó của các DN (20/11/2020)
-   +   A-   A+   In  

Việc tiếp cận và ứng dụng KH-CN để nâng cao hiệu quả sản xuất, xử lý rác thải, hướng tới sự phát triển bền vững là chuyện sống còn của các DN, nông trại.

ỨNG DỤNG KH-CN VÀO SẢN XUẤT

Xỉ than là một loại chất thải công nghiệp (phát sinh chủ yếu từ các nhà máy điện), trước đây không được tái sử dụng. Các nhà máy phát sinh chất thải thường phải thuê đơn vị thu gom, xử lý. Nhận thấy xỉ than có thể làm nguyên liệu sản xuất, năm 2017, Công ty CP Gạch ngói gốm xây dựng Mỹ Xuân (TX. Phú Mỹ) đã triển khai đề án sử dụng xỉ than sản xuất gạch tuynel. Đề án được hỗ trợ 500 triệu đồng theo chương trình “KH-CN hỗ trợ DN nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa”. 

Công ty đã đầu tư máy móc, nhà xưởng để thu mua, xử lý xỉ than, từ đó thay thế 10-15% nguyên liệu truyền thống, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo Ban Giám đốc Công ty CP Gạch ngói gốm xây dựng Mỹ Xuân, việc đưa xỉ than vào sản xuất gạch tuynel đã góp phần giúp nhà máy điện giải quyết bài toán chất thải. Ngoài ra đề án này còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm gạch tuynel Mỹ Xuân.

Có thể nói, KH-CN đã tham gia giải quyết rất nhiều vấn đề cho các DN, đơn vị trong quá trình phát triển. KCN Đông Xuyên (TP. Vũng Tàu) có diện tích 160ha, với 66 DN hoạt động trong các lĩnh vực: may mặc, cơ khí, chế tạo giàn khoan, cung ứng nhân lực, chế biến hải sản… Trước đây, hầu hết nước thải sản xuất và sinh hoạt của các DN này đều đổ trực tiếp ra sông Dinh. Từ năm 2009, KCN Đông Xuyên đã đầu tư xây dựng 1 nhà máy xử lý nước thải tập trung với công nghệ SBR hoạt động ngầm mẻ hóa lý, sinh học. Nhà máy này có công suất 3.000m3/ngày đêm, có thể xử lý nước thải cho tất cả các DN đóng trên địa bàn KCN Đông Xuyên. Từ khi có nhà máy xử lý nước tập trung, các DN nằm trong KCN phải xử lý trước khi đấu nối đường ống để xả nước thải về nhà máy XLNT. Nhờ đó tình trạng ô nhiễm về nước thải do hoạt động xả thải của các DN trong KCN giảm hẳn.

Một trong những DN đã tích cực ứng dụng KH-CN vào sản xuất, tạo nên thay đổi đáng kể về công nghệ, theo hướng thân thiện môi trường, có thể kể đến là Công ty Thép Tung Ho Việt Nam. Ông Huang Bing Hua, Chủ tịch Công ty Thép Tung Ho Việt Nam (KCN Phú Mỹ 2) cho biết, sản xuất thép vốn được xem là có nhiều tác động tiêu cực đến môi trường sống, do vậy Công ty thép Tung Ho đã triển khai nhiều giải pháp công nghệ trong dây chuyền sản xuất. Hiện nay, Nhà máy Thép Tung Ho là nhà máy cán thép không ống khói đầu tiên tại Việt Nam sử dụng phương thức cán đúc liên tục, dùng máy cảm ứng gia nhiệt để làm nóng phôi thép thay cho lò gia nhiệt truyền thống. Công nghệ cán này một mặt giúp tiết kiệm 60% năng lượng đốt, mặt khác giảm được 75% khí thải CO2 và các khí thải độc hại khác ra môi trường. “Đây cũng là phương thức sản xuất theo xu hướng hiện đại, hướng tới sự phát triển bền vững được khuyến khích ứng dụng trên toàn cầu”, ông Huang Bing Hua cho biết.

QUAN TÂM ĐẦU TƯ KH-CN

Thời gian qua, hoạt động KH-CN đã có những đóng góp tích cực vào việc dự báo, phòng ngừa, cải tạo, phục hồi, xử lý ô nhiễm môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, các địa phương đã đưa chế phẩm sinh học vào xử lý chất thải gia súc, gia cầm và rơm, rạ thành phân hữu cơ, góp phần cải thiện đáng kể môi trường nông thôn, nâng cao năng suất cây trồng; sử dụng men vi sinh trong chăn nuôi; sử dụng chế phẩm sinh học trong quản lý ao đầm nuôi tôm công nghiệp… Cùng với đó, việc xây dựng hầm biogas vừa góp phần giải quyết vấn đề năng lượng vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng dân cư và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, để giám sát chất lượng môi trường, BR-VT mạnh dạn đầu tư hệ thống quan trắc môi trường tự động và hệ thống truyền dẫn dữ liệu tại các địa phương, DN có mức xả thải lớn, ảnh hưởng nhiều bởi các hoạt động sản xuất công nghiệp. Tính đến nay, Trung tâm điều hành quan trắc tự động đã tiếp nhận được dữ liệu quan trắc nước thải, khí thải tự động của 35 cơ sở sản xuất có lượng chất thải phát sinh lớn. Ngoài ra, từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã đầu tư lắp đặt hoàn thành 9 trạm quan trắc nước mặt tự động; 6 trạm quan trắc không khí xung quanh tại TX. Phú Mỹ; TP. Bà Rịa và TP. Vũng Tàu.

Theo ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN, để khuyến khích, hỗ trợ các DN, nhất là DN nhỏ và vừa đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển và đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ, thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách cụ thể, như: Hỗ trợ triển khai áp dụng chương trình các hệ thống quản lý chất lượng; chương trình hỗ trợ DN đổi mới công nghệ; hỗ trợ DN đầu tư cải thiện môi trường... Ngoài ra, tỉnh cũng luôn khuyến khích đối với dự án ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường… Với những chính sách này, hy vọng thời gian tới sẽ thúc đẩy hoạt động ứng dụng KH-CN để bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế bền vững.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 4750

Về trang trước Về đầu trang