Theo báo cáo được Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hoá, gan mật đưa ra, hiện nay bệnh lý tiêu hóa, gan mật chiếm 30% tổng số bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế. Số lượng ca nội soi được thực hiện tại những trung tâm y tế lớn là hơn 300 ca/ngày. Trong khi đó, số lượng bác sĩ nội soi ước tính mới chỉ đáp ứng được nhu cầu từ 5-10%.
Đề cập thách thức trong lĩnh vực nội soi tiêu hoá, GS.TS Đào Văn Long, Chủ tịch hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật cho hay, polyp thường xuất hiện trong đại tràng, dạ dày... Việc đại tràng hay bất kỳ vị trí nào của ống tiêu hóa xuất hiện polyp, nếu không được chữa trị sớm có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm hoặc tiến triển thành ung thư.
Tuy nhiên, việc có quá nhiều ca nội soi phải thực hiện trong một ngày dễ dẫn tới bỏ sót tổn thương và chất lượng nội soi chưa thật sự được bảo đảm, có nguy cơ nhiễm khuẩn từ nội soi. Đặc biệt, đối với các bác sĩ có tuổi nghề dưới 5 năm thì khả năng bỏ sót polyp khoảng 40%. Đối với các bác sĩ có tay nghề cao, có thâm niên lâu, khả năng bỏ sót từ 15-20%.
Trước thực tế đó, lần đầu tiên tại Việt Nam đã nghiên cứu xây dựng phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nội soi phát hiện polyp đại tràng. GS. TS Đào Văn Long cho biết, đây là nghiên cứu đầu tiên ở nước ta sử dụng bộ cơ sở dữ liệu của bệnh nhân Việt Nam được gán nhãn, chuẩn hóa bởi các chuyên gia nội soi nhằm xây dựng thuật toán học máy cho bài toán phát hiện polyp đại tràng.
Khi đưa vào ứng dụng, những kết quả bước đầu cho thấy tính khả thi của lĩnh vực nghiên cứu nhằm đáp ứng nhu cầu tầm soát, sàng lọc polyp và ung thư đại tràng ở nước ta. Cụ thể, khi sử dụng AI trong nội soi, khả năng phát hiện polyp đạt tới trên 95%.
"Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu bước tiếp theo với mong muốn sau khi phát hiện polyp còn phân biệt được cơ bản polyp lành tính hay có khả năng gây ra ung thư. Từ đó đưa ra phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh", GS.TS Đào Văn Long nói.
Được biết, việc nghiên cứu xây dựng phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nội soi phát hiện polyp đại tràng tại Việt Nam là kết quả của sự hợp tác giữa Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật với các chuyên gia nội soi của Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam, Liên Chi hội Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và các chuyên gia công nghệ thông tin đến từ các trường đại học, các doanh nghiệp trong nước với hy vọng trong thời gian không xa sẽ kết nối dữ liệu lớn trong lĩnh vực nội soi giữa các cơ sở y tế.
Ảnh minh họa
Cách đây 3 năm, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có kế hoạch tổng thể phát triển trí tuệ nhân tạo và Chương trình Khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia giai đoạn 2019-2025 và các đề tài nghiên cứu ứng dụng AI trong y tế. Từ đó đến nay cũng có nhiều hoạt động về trí tuệ nhân tạo được tổ chức thường niên.
Chiến lược quốc gia phát triển AI cũng định hướng tăng năng suất lao động, giảm chi phí và tăng chất lượng các sản phẩm, dịch vụ. Từ định hướng này, các chính sách nghiên cứu, triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang từng bước hướng tới, trong đó y tế là một trong những lĩnh vực được chú trọng.
Chia sẻ về trí tuệ nhân tạo, GS. TS Nguyễn Thanh Thủy, Phó Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia KC 4.0 cho biết Việt Nam có lợi thế để ứng dụng AI trong y tế bởi ba điểm mạnh đó là: đội ngũ triển khai các sản phẩm ứng dụng mạnh và "sẵn sàng dấn thân", dữ liệu y tế cũng sẵn sàng và nhu cầu thực tế rất lớn. Từ thực tế này cho thấy khả năng phát triển và ứng dụng AI trong y tế là khả quan.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cũng cho rằng, xu thế phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) trên toàn thế giới cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, công nghệ lưu trữ, dữ liệu lớn đã tạo ra nhiều điều "kỳ diệu" trong tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống.
Ở lĩnh vực y tế, khi toàn bộ tri thức của nhân loại, của thầy thuốc và y bác sỹ tích lũy nhiều năm, nay cũng được tổng hợp lại thông qua dữ liệu lớn. Các dữ liệu này cũng được phân tích dựa trên các thuật toán, công nghệ máy tính, tạo ra công cụ hỗ trợ các bác sỹ, nhân viên y tế trong việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh tốt hơn.
Khi AI được ứng dụng sâu trong y tế sẽ có sổ y tế điện tử, bệnh án điện tử, khám bệnh điện tử, y tá ảo… Qua đó sẽ có những hoạt động theo dõi, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp hằng ngày, phòng bệnh, phát hiện sớm một số bệnh như tim mạch, ung thư, chẩn đoán bệnh dựa trên phân tích ảnh y tế, tạo ra các phác đồ điều trị, mổ bằng rô-bốt... Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cũng cho rằng, trong xu thế phát triển chung, việc ứng dụng AI trong khám, chữa bệnh là cần thiết, phù hợp và hữu ích, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc chẩn đoán và điều trị bệnh.