Tin KHCN trong nước
Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng (17/09/2020)
-   +   A-   A+   In  
Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020 được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu làm chủ, ứng dụng và phát triển công nghệ với mục tiêu tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng.

Phát biểu tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lương Việt Nam 2020 diển ra sáng nay, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, trong giai đoạn vừa qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực, bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu đáng ghi nhận.

Ngành năng lượng Việt Nam đã cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện, chỉ số tiếp cận điện năng đứng thứ 27/190 quốc gia/vùng lãnh thổ; công nghiệp khai thác dầu khí và lọc hoá dầu phát triển mạnh, sản lượng khai thác than thương phẩm tăng; thuỷ điện phát triển nhanh, gần đây điện gió và điện mặt trời bắt đầu phát triển với tốc độ cao; huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, ngành năng lượng trở thành ngành đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Hán Hiển 

Mặc dù ngành năng lượng Việt Nam đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế: các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi; cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thíếu và chưa đồng bộ; trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao, việc nội địa hoá và hỗ trợ thị trường từ các dự án trong ngành năng lượng cho hàng hoá cơ khí chế tạo sản xuất trong nước còn hạn chế,…

"Chính vì vậy, Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020 được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu làm chủ, ứng dụng và phát triển công nghệ với mục tiêu tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, đồng thời trao đổi về thách thức và giải pháp công nghệ trong phát triển ngành năng lượng. Thông qua đó góp phần thúc đẩy thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho hay.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương),  Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 55) được ban hành có ý nghĩa rất to lớn, đặc biệt là đúng thời điểm bởi năm 2020 là năm cuối cùng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020) cũng là lúc đất nước ta xây dựng chiến lược phát triển đất nước trong 10 năm tới.

Nghị quyết 55 đã đề ra những mục tiêu quan trọng để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái; tăng cường khả năng tiếp cận năng lượng với dịch vụ và giá cả hợp lý. Nghị quyết số 55 không chỉ nêu bật những định hướng quan trọng, nguyên tắc, mục tiêu để tiếp tục xóa bỏ rào cản mà còn tạo thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực năng lượng.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương). Ảnh: Hán Hiển

Đồng thời, Nghị quyết xác định phát triển bền vững năng lượng quốc gia là phải tập trung phát triển các nguồn năng lượng đa dạng, trong đó cần tiếp tục ưu tiên năng lượng tái tạo, năng lượng điện khí, …. Nghị quyết 55 cho phép chúng ta tin tưởng vào một Chiến lược với những cơ chế, chính sách mới, kể cả khuôn khổ luật pháp, để định hướng trong phát triển, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

"Nghị quyết số 55 không chỉ nêu bật những định hướng quan trọng, nguyên tắc, mục tiêu để tiếp tục xóa bỏ rào cản mà còn tạo thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực năng lượng. Đồng thời, Nghị quyết xác định phát triển bền vững năng lượng quốc gia là phải tập trung phát triển các nguồn năng lượng đa dạng, trong đó cần tiếp tục ưu tiên năng lượng tái tạo, năng lượng điện khí, …. Nghị quyết 55 cho phép chúng ta tin tưởng vào một Chiến lược với những cơ chế, chính sách mới, kể cả khuôn khổ luật pháp, để định hướng trong phát triển, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia", ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhấn mạnh thêm, trong giai đoạn vừa qua, khi thị trường điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam còn mới mẻ, chi phí phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo cao hơn so với các nguồn điện truyền thống, để thúc đẩy phát triển thị trường điện năng lượng tái tạo, Việt Nam áp dụng cơ chế hỗ trợ giá điện cố định (FIT) là công cụ chính sách phổ biến được sử dụng bởi hầu hết các nước trên thế giới. Thực tế đã chứng minh cơ chế giá FIT là công cụ hữu hiệu thúc đẩy phát triển nhanh nguồn điện năng lượng tái tạo, đặc biệt đối với những thị trường mới như Việt Nam.

 
Ngày 18 tháng 6 năm 2020, Quốc hội đã ban hành Luật số 64/2020/QH14 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hiệu lực từ 01 tháng 01 năm 2021), trong đó lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP bao gồm: Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực.
 

Thông qua chính sách FIT, hiện đã có khoảng gần 6.000 MW điện năng lượng tái tạo vào vận hành phát điện, góp phần cung cấp điện kịp thời cho nền kinh tế, giảm lượng điện chạy dầu giá cao và chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính. Việc phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo cũng đã góp phần phát triển ngành công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị và dịch vụ về điện mặt trời; khai thác có hiệu quả các vùng đất khô cằn, hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp; thu hút được lượng vốn xã hội lớn đầu tư vào hạ tầng ngành điện.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, theo kinh nghiệm của các nước phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, để có thể phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ, bền vững thì cần tập trung vào các nội dung chính: chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện. Về chính sách các dự án năng lượng tái tạo sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu, nhà đầu tư phát triển được lựa chọn sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án điện năng lượng tái tạo thấp nhất. Thực hiện cơ chế này tuy sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ công bằng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo và lưới truyền tải.

Toàn cảnh Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020. Ảnh: Hán Hiển 

Như vậy, mặc dù Luật PPP quy định đầu tư lưới truyền tải, nhưng vẫn loại trừ các trường hợp độc quyền theo quy định Luật Điện lực. Do đó, để thực hiện đầu tư tư nhân lưới điện truyền tải vẫn phải sửa nội dung của Luật Điện lực về quy định độc quyền trong hoạt động truyền tải điện, trong đó, có thể chỉ xem xét một số hoạt động độc quyền nhà nước như quản lý, vận hành lưới điện truyền tải.

"Theo tinh thần của Nghị quyết số 55 cần tách bạch đầu tư xây dựng với độc quyền nhà nước (quản lý, vận hành) truyền tải điện. Ngoài ra, để đảm bảo về an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng cần phải xác định phạm vi đầu tư lưới điện truyền tải nào được thực hiện PPP. Đối với lưới điện truyền tải quốc gia mang tính chất xương sống, huyết mạch của Hệ thống điện quốc gia thì nhà nước cần thực hiện từ đầu tư đến quản lý, vận hành mới đảm bảo quá trình đầu tư và quản lý vận hành đều phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy trình, quy định nghiêm ngặt, chặt chẽ để đảm bảo chất lượng, tính đồng bộ về thiết bị, ghép nối... và đảm bảo sự an toàn, ổn định, tin cậy của hệ thống", ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn, đại diện nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà dầu tư cũng đã chia sẻ các nội dung liên quan tới chính sách phát triển hạ tầng bền vững và nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ về năng lượng; Chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển năng lượng bền vững; Xu hướng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng trên thế giới và khả năng ứng dụng tại Việt Nam; Thúc đẩy hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực hoạch định chính sách phục vụ phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam; Phát triển hệ thống điện gắn với an ninh năng lượng quốc gia; Hydro trong xu hướng chuyển dịch năng lượng và khả năng sản xuất Hydro từ nguồn năng lượng tái tạo; Ưu tiên tín dụng cho các dự án năng lượng công nghệ cao,…

Trong phiên Tọa đàm, đại diện các Bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu, doanh nghìệp có hoạt động nghiên cứu đổi mới công nghệ sẽ cùng đại biểu tham dự chia sẻ, thảo luận về các chính sách, giải pháp, kinh nghiệm nghiên cứu làm chủ, ứng dụng công nghệ và triển khai các dự án trong lĩnh vực năng lượng.

Diễn đàn sẽ là cơ hội để các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quan tâm đến lĩnh vực năng lượng trao đổi, chia sẻ, kết nối nhằm phát triển bền vững, góp phần hiện thực hóa Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam.

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 3534

Về trang trước Về đầu trang