Tin KHCN trong nước
Tháo gỡ bất cập, thúc đẩy phát triển công nghệ cao (29/09/2020)
-   +   A-   A+   In  
Bộ KH&CN đang xây dựng Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 32/2011/TT-BKHCN nhằm đưa ra những tiêu chí cụ thể cũng như quy định về thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao (CNC), doanh nghiệp (DN) thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm CNC, DN CNC.

Về cơ bản, việc xác định dự án ứng dụng CNC tại Dự thảo Thông tư nói trên vẫn dựa vào các tiêu chí như công nghệ, lao động, chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, hệ thống quản lý chất lượng của dự án, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về môi trường và tiết kiệm năng lượng (MT&TKNL). Tuy nhiên, thay vì quy định chung chung như Thông tư 32/2011/TT-BKHCN, Dự thảo Thông tư quy định cụ thể hơn các tiêu chí này.

Về lao động, có 3 trường hợp cụ thể để xác định dự án ứng dụng CNC. Một là, với dự án có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên và có từ 3.000 lao động trở lên, số lao động có trình độ chuyên môn từ cao đẳng, đại học trở lên hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của dự án phải đạt ít nhất 1%. Hai là, với dự án có quy mô vốn đầu tư từ 100 tỷ đồng đến dưới 6.000 tỷ đồng và có từ 300 đến dưới 3.000 lao động, thì số lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của dự án phải đạt ít nhất 2,5% nhưng không thấp hơn 15 người. Thứ ba, ngoài các trường hợp trên, số lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của dự án phải đạt ít nhất 5%.

Về tiêu chí hệ thống quản lý chất lượng, Dự thảo Thông tư quy định, hệ thống quản lý chất lượng của dự án phải đạt một trong các tiêu chuẩn TCVN ISO 9001, HACCP, CMM hoặc GMP (tùy theo đặc thù dự án ứng dụng CNC áp dụng tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế).

Về tiêu chí MT&TKNL, Dự thảo Thông tư quy định, dự án phải áp dụng các biện pháp thân thiện MT&TKNL trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm, đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thì áp dụng tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành.

Ảnh minh họa 

Về chi phí cho hoạt động ứng dụng CNC được thực hiện tại Việt Nam, thay vì quy định hạn mức tối thiểu là 1% doanh thu của dự án như Thông tư 32/2011/TT-BKHCN, Dự thảo Thông tư chia thành 2 trường hợp. Một là, với dự án có quy mô vốn đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên và tổng số lao động trên 300 người, chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển phải đạt ít nhất 0,5% tổng doanh thu thuần của dự án. Trong trường hợp dự án không thuộc trường hợp nêu trên, thì chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển phải đạt ít nhất 1% tổng doanh thu thuần của dự án.

Đáng chú ý, phí bản quyền, li-xăng theo hợp đồng chuyển giao được ứng dụng trong dự án và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ cũng được xem là một trong những chi phí cho hoạt động ứng dụng CNC của dự án.

Liên quan tới vấn đề này, hiện Bộ KH&CN cũng đang đề xuất Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm CNC được khuyến khích phát triển.

Danh mục CNC được ưu tiên đầu tư phát triển được lựa chọn dựa trên quan điểm: Là công nghệ tiên tiến trên thế giới, đồng thời phải là công nghệ mới trên thế giới hoặc là công nghệ mới đối với Việt Nam. Những công nghệ này phải phù hợp với xu hướng phát triển KH&CN hiện đại trên thế giới.

Đồng thời, là công nghệ có thể phát huy được lợi thế của đất nước như sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, môi trường, nguồn nhân lực và các lợi thế khác; có tính khả thi cao trong việc thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ, chuyển giao công nghệ hoặc sáng tạo được công nghệ, khả thi về nhân lực và tài lực đối với việc tiếp thu, chuyển giao và sáng tạo công nghệ.

Bên cạnh đó, phù hợp với tầm nhìn, chiến lược, kế hoạch dài hạn phát triển của các ngành, có tác động mạnh và mang lại hiệu quả lớn đối với sự phát triển của các ngành, lĩnh vực; góp phần hiện đại hóa các ngành sản xuất, dịch vụ hiện có, hoặc là yếu tố quan trọng quyết định việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới có sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 3539

Về trang trước Về đầu trang