Tin KHCN trong nước
Chế tạo robot thám hiểm (02/12/2014)
-   +   A-   A+   In  

Với mô hình “robot thám hiểm điều khiển wifi”, Nguyễn Trọng Thủy, học sinh lớp 9A Trường THCS Bình An Thịnh (Lộc Hà, Hà Tĩnh), giành giải nhất Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật thanh thiếu niên toàn quốc năm 2014.

Nguyễn Trọng Thủy từ nhỏ đã say mê với máy móc, thiết bị điện tử. Đồ chơi bố, mẹ mua về cho Thủy đều bị cậu tháo tung để tìm hiểu. Bố Thủy, anh Nguyễn Trọng Tình, nói: “Từ nhỏ, Thủy mê chơi đồ điện tử, nên tôi hay mua về cho con. Nhưng Thủy cứ chơi được một lúc là lại tháo ra. Năm lớp 3, tôi mới mua cho nó cái máy điện tử nhỏ cầm tay, về chơi được vài giờ nó lại tháo tung ra. Hỏi “tại sao con lại làm vậy”, Thủy nói: “con mở ra xem bên trong có cái gì”. Lên cấp 2, Thủy bắt đầu tập chế tạo đồ chơi điện tử”.

 

Đi học thấy nồi cơm điện, ti vi, quạt… hư hỏng ai đó vứt đi là Thủy mang về nhà tìm hiểu. Được bố mẹ mua cho máy tính để phục vụ học tập, Thủy lên các trang mạng, diễn đàn công nghệ tìm hiểu về thiết bị điện tử. Năm học lớp 6, trên đường đi học, thấy các biển quảng cáo sử dụng nhiều đèn Led nhưng lại hiển thị được ít thông tin, nên cậu nảy ý tưởng làm mô hình quạt đèn Led. Thủy tìm đến các cửa hàng điện tử trong xã xin bóng đèn, vi mạch điện tử bỏ đi, lên mạng học cách gắn ghép chíp mô tơ... Sau 3 tháng, Thủy hoàn thành chiếc quạt đèn Led, vừa tiết kiệm điện năng vừa hiển thị thông tin đầy đủ hơn.

 

Năm 2012, được bố mẹ ủng hộ, Thủy mang quạt đèn Led ra Hà Nội tham dự Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 8 và đạt giải Nhì. Năm 2013, cũng với mô hình này, Thủy giành huy chương vàng ở Triển lãm sáng tạo khoa học công nghệ châu Á dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên, tổ chức tại Malaixia.

 

Thủy kể, giành được giải thưởng từ mô hình đầu tiên là động lực để cậu tiếp tục cố gắng. Số tiền nhận được từ giải thưởng, Thủy lấy làm kinh phí để mua trang thiết bị kỹ thuật dùng chế tạo những mô hình sau.

 

Năm 2013, Thủy tiếp tục chế tạo robot tránh vật cản. Thủy cho biết, đây là robot sử dụng công nghệ cảm biến sóng siêu âm, khi di chuyển gặp vật cản, robot tự chuyển hướng. Cậu hy vọng, trong tương lai, robot của mình có thể được dùng để thám hiểm ở những nơi nguy hiểm mà con người chưa thể đặt chân tới…

 

Đầu năm 2014, với mô hình robot tránh vật cản, Thủy giành giải Nhất Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 9. Tháng 5/2014, tại Triển lãm sáng tạo khoa học công nghệ châu Á cho lứa tuổi thanh thiếu niên tổ chức tại Malaysia, sản phẩm robot cảm biến của Thủy giành huy chương bạc.

 

Niềm đam mê sáng tạo của Thủy không dừng lại ở đó. Cậu học sinh lớp 9 tiếp tục phát triển ý tưởng của mình từ robot tránh vật cản (được điều khiển bằng tay) thành robot thám hiểm điều khiển qua wifi. Sản phẩm này giành giải nhất Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 10 tại Hà Nội tháng 10/2014.

 

Robot thám hiểm điều khiển qua wifi đang được gửi đi tham dự Triển lãm sáng tạo khoa học công nghệ châu Á cho thanh thiếu niên. Thủy tin tưởng sản phẩm của mình sẽ là bước đột phá mới. “Robot của em giờ đã kết nối được wifi, có thể điều khiển được qua smartphone”, Thủy nói.

 

Chia sẻ về dự định của mình, Thủy nói: “Mình sẽ tiếp tục học tập và nâng cao hiểu biết về khoa học công nghệ, để có thể sáng chế các sản phẩm mới, những sản phẩm đem lại hiệu quả thiết thực cho cuộc sống. Mình ước mơ trở thành lập trình viên máy tính giỏi”.

 

Thầy Nguyễn Hoài Nam, Phó hiệu trưởng Trường THCS Bình An, cho biết: “Dù rất đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật, nhưng Thủy không lơ là học tập. Em học rất giỏi các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa và liên tiếp nhiều năm đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường.

Nguồn: vista

Số lượt đọc: 13389

Về trang trước Về đầu trang

TIN TỨC KHÁC
  • Bộ KH&CN giải đáp cho doanh nghiệp về hiệu lực Giấy chứng nhận hợp quy (22/10/2018)
  • Hiện trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ bảo quản trên tàu khai thác xa bờ và tàu hậu cần thuỷ sản của tỉnh BR-VT (22/10/2018)
  • Công nghệ chế biến một số sản phẩm giá trị gia tăng từ nguyên liệu còn lại trong công nghiệp chế biến cá (19/10/2018)
  • Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN không chính thức lần thứ 10 (IAMMST-10) (19/10/2018)
  • Giải pháp ứng dụng công nghệ thủy phân đối với nguyên liệu cá tạp và triển vọng ứng dụng (18/10/2018)
  • Giải pháp công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm surimi và sản phẩm mô phỏng từ surimi trong quá trình chế biến và bảo quản tại các nhà máy chế biến surimi trên địa bàn tỉnh (18/10/2018)
  • Ứng dụng kỹ thuật sấy bằng bơm nhiệt (heat pump) để cải thiện chất lượng và tiết kiệm năng lượng cho quá trình sản xuất các sản phẩm khô thủy sản (18/10/2018)
  • Những giải pháp công nghệ mới trong sản xuất chitin, chitosan từ phế liệu của các nhà máy chế biến (tôm, mực, ghẹ, …) trên địa bàn tỉnh BR-VT (18/10/2018)
  • Công nghệ sản xuất collagen, gelatine từ nguyên liệu còn lại của nhà máy chế biến thủy sản (xương, da, vây, vẩy) và khả năng ứng dụng trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)
  • Ứng dụng công nghệ trong thu hồi protein từ nước rửa trong quá trình sản xuất surimi, chả cá tại các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)