Tin KHCN nước ngoài
Phương pháp đặc biệt biến sữa bột thành mực in 3D để tạo nên thực phẩm (21/09/2020)
-   +   A-   A+   In  
Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Singapore vừa tìm ra cách biến sữa bột thành mực in 3D để tạo ra nhiều đồ vật có thể ăn được.

Kỹ thuật in 3D được các nhà khoa học áp dụng với món ăn bằng nhiều nhóm thực phẩm khác nhau. Cho đến nay, chúng ta đã có sushi, pizza và thậm chí cả thịt được in 3D. Mục tiêu của các nhà nghiên cứu là phát triển một quy trình in 3D từ sữa mà không cần đun nóng sản phẩm sữa làm phá hủy một số chất dinh dưỡng quan trọng. Họ cũng muốn tránh thêm chất ổn định vào sữa khi in.

Để tạo nên loại mực in 3D từ sữa bột, nhóm các nhà khoa học đã trộn sữa bột với nước một cách thận trọng để có được độ đặc phù hợp để tạo ra các vật thể 3D ở nhiệt độ thấp hơn. Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm nó bằng cách in thành công chiếc ghế sofa nhỏ, cỏ ba lá, pháo đài, hình nón và bánh xe.

“Phương pháp mới lạ nhưng đơn giản này có thể được sử dụng để tạo ra nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng khác nhau, bao gồm cả những thực phẩm phục vụ bệnh nhân trong bệnh viện có nhu cầu ăn kiêng đặc biệt”, nhà khoa học Lee Cheng Pau, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.

Nhóm các nhà nghiên cứu đã in 3D ra nhiều sản phẩm thực phẩm từ nguyên liệu là sữa bột. Ảnh: SUTD. 

Thời gian qua, công nghệ in 3D không chỉ được ứng dụng để tạo ra các loại thực phẩm. Công nghệ này còn được ứng dụng nhiều trong y tế, xây dựng, chăm sóc sức khỏe...

Cụ thể, hồi đầu tháng 9/2020, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tìm ra cách thức mới để xử lý các tổn thương ở dạ dày bằng cách sử dụng robot siêu nhỏ có thể thực hiện in 3D sinh học (bioprinting), tức là phương pháp sử dụng in 3D và kỹ thuật khác để chế tạo các bộ phận y sinh mô phỏng tối đa các đặc điểm mô tự nhiên.

Các vết thương ở thành dạ dày là vấn đề phổ biến trong hệ tiêu hóa, thường đòi hỏi điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật rất phức tạp. Tuy nhiên, in 3D sinh học tạo ra các mô mới trực tiếp cho vùng tổn thương để sửa chữa tế bào là phương thức hứa hẹn rất hữu ích để xử lý vấn đề này.

Trên tạp chí học thuật Biofabrication, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Thanh Hoa đã đưa ra một khái niệm mới 'in 3D sinh học tại chỗ' và thiết kế một robot siêu nhỏ có thể vào trong cơ thể thông qua một đèn nội soi để tiến hành sửa chữa tế bào tổn thương. Họ đã thử nghiệm robot này và hệ thống di chuyển với một mô hình dạ dày người và một đèn nội soi. Họ cũng tiến hành một xét nghiệm để kiểm tra tính hiệu quả của thiết bị này trong việc làm lành vết thương. Các xét nghiệm cho thấy các tế bào được tạo ra có khả năng tồn tại cao và phát triển bền vững, cho thấy chức năng di truyền tốt của các tế bào trong mô đã được tạo.

Còn tại Mỹ, các nhà khoa học cũng đã phát triển công nghệ sử dụng đất tại chỗ để in 3D tạo ra các tòa nhà. Giáo sư Sarbajit Banerjee tại Đại học Texas A&M (Mỹ) cho biết phương pháp in 3D cho phép in toàn bộ mặt tiền công trình, dù để các công trình này đáp ứng các quy định xây dựng hiện hành vẫn còn là thách thức đáng kể.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, công nghệ này hướng đến giải pháp bền vững thay thế cho bê tông vốn chiếm khoảng 7% lượng khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu. Mục đích của nhóm nghiên cứu là in các cấu trúc bằng cách sử dụng loại đất có thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào.

Công nghệ in 3D cho phép khuyến khích và thúc đẩy sự đổi mới, với thiết kế được giải phóng khỏi khuôn khổ, thêm vào đó là một quá trình không cần có công cụ, điều này giúp giảm chi phí và thời gian sản xuất. 

Các thành phần có thể được thiết kế đặc biệt để tránh yêu cầu lắp ráp khi có các khối hình học và các tính năng phức tạp được tạo ra mà không mất thêm chi phí. In 3D cũng đang nổi lên như là một công nghệ tiết kiệm năng lượng, có thể mang lại hiệu quả về mặt môi trường ngay trong quy trình sản xuất, sử dụng tới 90% vật liệu tiêu chuẩn vì thế cho sản phẩm nhẹ hơn và bền hơn.

Trong những năm gần đây, in ấn 3D đã tiến xa trong quá trình tạo mẫu và quy trình sản xuất công nghiệp vì công nghệ đã trở nên dễ tiếp cận hơn đối với các công ty nhỏ và thậm chí cả cá nhân. 

Khi các tập đoàn lớn, đa quốc gia có quy mô và tiềm lực kinh tế lớn có thể sở hữu một máy in 3D, và các máy in 3D nhỏ hơn (có khả năng kém hơn một chút) bây giờ có thể được mua với giá dưới 1000 USD. Điều này đã giúp cho công nghệ 3D được tiếp cận nhiều đối tương hơn, và tỷ lệ sử dụng tiếp tục nhân lên theo cấp số nhân, với nhiều ngành nghề, hệ thống, vật liệu và ứng dụng mới của công nghệ in 3D.

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 2663

Về trang trước Về đầu trang