Tin KHCN trong nước
Tưới tiết kiệm xoài bằng công nghệ mini pan (14/09/2020)
-   +   A-   A+   In  
Từ khi được chuyển giao phương pháp tưới tiết kiệm bằng mini pan, “thủ phủ” xoài cát Hòa Lộc ở Bình Định không còn lo lắng về nước tưới.

Tưới tràn, thói quen lãng phí tài nguyên nước

Nơi được mệnh danh là “thủ phủ xoài” của tỉnh Bình Định là một vùng đất cát mênh mông thuộc 2 xã Cát Hanh và Cát Lâm của huyện Phù Cát với diện tích trồng xoài tập trung khoảng 100ha. Trên vùng đất này không có hệ thống thủy lợi, các chủ nhà vườn phải đóng giếng khai thác mạch nước ngầm để tưới cho cây xoài.

Nông dân Nguyễn Hai chăm sóc vườn xoài của mình. Ảnh: Đình Thung.

Những năm gần đây, do chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, trên địa bàn Bình Định thường xuyên xảy ra hạn hán kéo dài. Ví như năm 2019, suốt 7 tháng ròng đất đai ở Bình Định không đón được cơn mưa nào, cây trồng ngắc ngoải trong cơn khát kéo dài. Không có mưa, mạch nước ngầm cũng khô kiệt, vùng đất cát trồng xoài ở 2 xã Cát Hanh và Cát Lâm đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới.

Trong khi đó, giống xoài cát Hòa Lộc trồng ở 2 xã Cát Hanh và Cát Lâm, nông dân mệnh danh là loại cây trồng “con nhà giàu”, nếu không được chăm sóc chu đáo có khi không cho trái. Nhưng nếu thâm canh tốt, thì mỗi hecta xoài có thể cho thu 45 tạ, mang đến cho người trồng khoản lãi từ 60 triệu đến 100 triệu đồng/ha/năm.

Theo nông dân Nguyễn Hai ở xã Cát Lâm (huyện Phù Cát, Bình Định), xoài cát Hòa Lộc chất lượng thơm ngon, hương vị rất đặc biệt. Trồng xoài cát Hòa Lộc phải tuân thủ nghiêm cẩn bắt đầu từ khâu chọn giống. Trong kỹ thuật trồng phải tuân thủ mật độ và khoảng cách mỗi cây. Nhất là khâu nước tưới phải được quản lý chặt chẽ. Thời kỳ cây tơ chưa cho quả, cây xoài cần phải được tưới đủ độ ẩm, nhất là trong mùa khô để cây phát triển nhanh, khỏe, mau cho quả. Đến khi xoài trưởng thành, cho thu hoạch, cần tưới nước đầy đủ sau khi thu hoạch để kích thích cây ra đọt non tập trung. Đặc biệt, giai đoạn kích thích ra hoa cần phải thường xuyên được tưới để xoài ra hoa tốt. Sau khi đậu trái, cần quay lại chế độ tưới đủ ẩm để giúp trái phát triển nhanh. Ngoài ra, kỹ thuật bón phân, quản lý tán cây và bao trái cũng phải được thực hiện đúng quy trình kỹ thuật để xoài cho năng suất, chất lượng cao.

Bởi nhu cầu về nước tưới của cây xoài cao là vậy, nên nông dân có thói quen tưới tràn. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, phương pháp tưới này không kiểm soát được lượng nước, gây phung phí lớn nguồn tài nguyên nước, đồng thời tạo điều kiện cho bệnh phát sinh gây hại và kìm hãm năng suất của cây trồng.

Theo TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, ở Bình Định hiện có 1.231ha diện tích trồng xoài, hầu hết được trồng trên đất cát, xoài ra hoa đậu quả vào mùa khô nên rất cần nước tưới. “Xoài cần phải được tưới đủ nước mới cho năng suất cao, chất lượng tốt. Vì trong giai đoạn nuôi quả, nếu bị khô nước, khi gặp mưa sẽ xảy ra hiện tượng rụng trái và nứt trái. Thông thường nông dân tưới xoài nhiều lần hơn mức cần thiết, lượng nước tưới cũng nhiều hơn yêu cầu, gây lãng phí công lao động cũng như tài nguyên nước”.

Tưới tiết kiệm, cứu cánh cho vùng xoài đất cát

Tại thời điểm biến đổi khí hậu hoành hành thì Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã kịp thời phối hợp với Trường Đại học Murdoch (Úc) giúp các chủ nhà vườn trồng xoài ở Phù Cát tiếp cận với công nghệ vừa quản lý nước tưới, vừa giúp cho cây xoài trên đất cát tăng năng suất và hạn chế được bệnh hại.

“Phương pháp quản lý bền vững nước tưới hướng nông dân thực hiện tưới 4 đúng. Thứ nhất là tưới đúng chỗ, hai là tưới đúng thời điểm cây trồng cần nước, ba là tưới đúng lượng nước cây trồng cần và cuối cùng là tưới đúng phương pháp. Để thực hiện quy trình tưới kể trên, nông dân cần phải sử dụng đến chảo bốc thoát hơi nước (mini pan) để xác định lịch trình tưới cho cây trồng. Tưới căn cứ vào chảo bốc thoát hơi nước sẽ hạn chế nước lan ra ngoài, cỏ không có cơ hội phát triển và độ ẩm trong đất vừa phải sẽ không cho nấm bệnh cơ hội phát sinh gây hại. Như vậy, có thể khẳng định phương pháp tưới này không chỉ tiết kiệm được lượng nước tưới mà còn hạn chế được bệnh hại cho cây trồng”, TS Hồ Huy Cường, khẳng định.

Theo TS Cường, mini pan là một chảo bốc thoát hơi nước có đường kính từ 60 - 80cm, được dùng để xác định thời điểm tưới thích hợp cho cây trồng; đồng thời dựa vào loại đất, độ sâu của tầng rễ hoạt động để xác định liều lượng nước tưới hợp lý. Sau khi xác định được lượng bốc thoát hơi nước trong mini pan, cơ quan chuyên môn có thể thiết kế 1 bảng tưới chính xác, nông dân chỉ cần nhìn vào bảng tưới đó và cứ thế thực hiện. Bảng tưới phân chia cụ thể từng thời kỳ phát triển của cây trồng để xác định thời điểm tưới. “Đối với cây xoài, căn cứ vào chảo bốc thoát hơi nước, ngành chuyên môn có thể thiết kế hệ thống tự động tưới bằng phương pháp nhỏ giọt, 1 ngày tưới bao nhiêu lần, 1 lần bao nhiêu phút là đủ”, TS Cường diễn giải.

Hơn ai hết, nông dân Nguyễn Ngọc, người sở hữu 4ha xoài ở thôn Tân Hóa Nam, xã Cát Hanh (huyện Phù Cát, Bình Định) đang áp dụng tưới cho vườn xoài của mình bằng mini pan, thấy rõ lợi ích của phương pháp tưới tiết kiệm. “Phương pháp tưới nhỏ giọt cho cây xoài lợi ích thấy rõ. Trước đây, với 100 cây xoài, nếu tưới theo cách truyền thống thì tôi phải mất hơn 1 ngày, còn bây giờ chỉ cần kéo cầu dao lên 3 tiếng đồng hồ sau là đủ lượng nước, sau đó nhìn lượng nước bốc hơi trong chảo, khi thấy cây cần nước là tôi tưới lại, vừa đỡ tốn công vừa không lãng phí nước. Hơn thế nữa, khi áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt theo mini pan và bón phân qua hệ thống tưới, cây xoài cho tăng năng suất từ 21 – 28%, giảm từ 25 – 30 công lao động/ha, nâng cao hiệu quả kinh tế từ  29 – 37% so với phương pháp truyền thống”, nông dân Nguyễn Ngọc tính toán chi li.

TS Hồ Huy Cường khẳng định thêm: Qua ứng dụng phương pháp tưới căn cứ vào chảo bốc thoát hơi nước đã cho thấy lượng nước tưới sẽ được giảm 50% so với phương pháp tưới tràn. Thêm vào đó, công lao động trong việc tưới cho cây trồng cũng được giảm đáng kể, đặc biệt là năng suất cây trồng sẽ được tăng cao.

 

Nguồn: nongnghiep.vn

Số lượt đọc: 4406

Về trang trước Về đầu trang