Tiêu chuẩn ĐLCL
Bộ tiêu chuẩn quản lý đổi mới sáng tạo ISO 56000: Tăng cơ hội kinh doanh và hiệu suất cho doanh nghiệp (16/09/2020)
-   +   A-   A+   In  
Áp dụng tiêu chuẩn và hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo ISO 56000, các doanh nghiệp dễ dàng thích ứng với những thay đổi từ môi trường, đây cũng là yếu tố quyết định sự thành công khi doanh nghiệp Việt Nam bước vào sân chơi toàn cầu.

Ủy ban Kỹ thuật ISO TC279 đã xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn mới về Hệ thống đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp (IMS) với sự tham gia, đóng góp của hơn 40 quốc gia vào việc phát triển bộ tiêu chuẩn này. Hệ thống IMS là cách tiếp cận mới, được tiêu chuẩn hóa và sử dụng để hướng dẫn quản lý đổi mới sáng tạo với các thuật ngữ, công cụ, phương pháp và hướng dẫn để quản lý các tương tác giữa các đối tác, sở hữu trí tuệ, chiến lược và các ý tưởng.

Việc thực hiện các tiêu chuẩn IMS giúp các doanh nghiệp có thể định vị, hỗ trợ triển khai thành công hoạt động đổi mới sáng tạo một cách bền vững, thông qua phát triển khả năng lãnh đạo, tuân thủ thiết kế và thực hành tốt các hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. IMS gồm 07 nhóm tiêu chuẩn, với 08 nguyên tắc quản lý đổi mới sáng tạo để giúp doanh nghiệp thu được các lợi ích từ hoạt động đổi mới sáng tạo.

 
Quản lý đổi mới sáng tạo là một yêu cầu mới, có tính cần thiết đối với doanh nghiệp Việt Nam. Triển khai các hoạt động quản lý đổi mới sáng tạo là cách thức mới để một doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp, bảo đảm sự tồn tại thịnh vượng lâu dài của doanh nghiệp trong tương lai.
TS.Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL
 

Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO đã xây dựng bộ tiêu chuẩn ISO 56000 cho Hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Bộ tiêu chuẩn hướng dẫn ISO 56000 mới về quản lý đổi mới sáng tạo đã được phát triển bởi các chuyên gia đổi mới sáng tạo từ khắp nơi trên thế giới. Bộ tiêu chuẩn cung cấp thông tin về quản lý hoạt động đổi mới sáng tạo trong các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi loại hình, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ một cách tổng thể, có hệ thống. Cụ thể như:

Tiêu chuẩn ISO/CD 56000 Quản lý đổi mới sáng tạo - Nguyên tắc cơ bản và từ vựng

Tiêu chuẩn ISO 56000 định nghĩa từ vựng và thuật ngữ được sử dụng thống nhất trong quản lý đổi mới sáng tạo. Tiêu chuẩn ISO 56000 cũng giải thích các nguyên tắc cốt lõi về đổi mới sáng tạo. Tiêu chuẩn ISO 56000 cung cấp các khái niệm cơ bản và nguyên tắc quản lý đổi mới sáng tạo; mô tả lý do tại sao các tổ chức, doanh nghiệp nên tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo; giới thiệu các khái niệm chính liên quan đến đổi mới sáng tạo; đưa ra các nguyên tắc, cơ sở để quản lý hiệu quả các hoạt động đổi mới sáng tạo và nền tảng của IMS trong tổ chức, doanh nghiệp.

Tiêu chuẩn ISO/FDIS 56002 Hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo

Tiêu chuẩn ISO 56002 cung cấp hướng dẫn về việc thiết lập, triển khai, bảo trì và cải tiến liên tục IMS để áp dụng trong tất cả các tổ chức, doanh nghiệp. Hướng dẫn chung này dự kiến sẽ được áp dụng cho tất cả các loại tổ chức, doanh nghiệp với các loại hình đổi mới sáng tạo.

Tiêu chuẩn ISO 56003 Quản lý đổi mới sáng tạo - Công cụ và phương pháp đối với quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo

Tiêu chuẩn ISO 56003 cung cấp các khuyến nghị để tham gia vào quan hệ đối tác với các tổ chức, doanh nghiệp bên ngoài để hiện thực hóa sự đổi mới sáng tạo. Tiêu chuẩn ISO 56003 mô tả khuôn khổ hợp tác đổi mới sáng tạo và các công cụ tương ứng để giúp tổ chức, doanh nghiệp. Tiêu chuẩn ISO 56003 hướng dẫn đối với các loại hình đối tác và hợp tác được áp dụng cho mọi tổ chức, doanh nghiệp với các loại, kích cỡ, sản phẩm, dịch vụ khác nhau.

Tiêu chuẩn ISO/TR 56004 Đánh giá quản lý đổi mới sáng tạo

Tiêu chuẩn ISO/TR 56004 cung cấp hướng dẫn về lý do tại sao triển khai đánh giá quản lý đổi mới sáng tạo (Innovation Management Assessment, IMA); những kết quản mong đợi từ IMA; kế hoạch hành động, cách thức triển khai thực hiện theo kết quả của IMA. Tiêu chuẩn ISO/TR 56004 được áp dụng để đánh giá đối với các tổ chức, doanh nghiệp, có thể áp dụng cho tất cả các loại hình tổ chức, doanh nghiệp với ngành nghề, độ tuổi, quy mô, quốc gia… khác nhau.

Tiêu chuẩn ISO/AWI 56005 Quản lý đổi mới sáng tạo - Quản lý tài sản trí tuệ

ISO 56005 đề xuất các hướng dẫn để quản lý IP hiệu quả trong một IMS. Tiêu chuẩn này nhằm mục đích giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý IP ở cả cấp chiến lược và triển khai thực tiễn. Tiêu chuẩn này được áp dụng cho các loại hoạt động đổi mới sáng tạo.

Tiêu chuẩn ISO/AWI 56006 Quản lý đổi mới sáng tạo - Quản lý chiến lược thông minh

Tiêu chuẩn ISO 56006 cung cấp hướng dẫn cho Lãnh đạo và Quản lý cấp cao về cách triển khai quản lý chiến lược thông minh trong việc đưa ra các quyết định tác động đến tầm nhìn, sứ mệnh và các hoạt động đổi mới sáng tạo trong tổ chức, doanh nghiệp. Quản lý chiến lược thông minh là một phần của IMS. Hướng dẫn chung trong tiêu chuẩn ISO 56006 có thể áp dụng cho tất cả các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm đến việc thiết lập văn hóa nội bộ về quản lý chiến lược thông minh, đòi hỏi phải lập kế hoạch, triển khai, đo lường và cải tiến liên tục, có thể áp dụng cho tất cả các loại hình tổ chức, doanh nghiệp với ngành nghề, độ tuổi, quy mô, quốc gia… khác nhau.

Tiêu chuẩn ISO 56007 cung cấp các hướng dẫn để quản lý ý tưởng và lợi ích mang lại

Tiêu chuẩn ISO 56007 được áp dụng cho tất cả các tổ chức, doanh nghiệp bất kể quy mô và hoạt động. Tiêu chuẩn ISO 56007 hỗ trợ hiệu quả hơn đối với các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng IMS theo Tiêu chuẩn ISO/FDIS 56002 Hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo.

 

Nguồn: Vietq.vn

Số lượt đọc: 2457

Về trang trước Về đầu trang