Tin KHCN trong nước
Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ chế hỗ trợ nông dân cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp qua hoạt động khai thác sáng chế (25/08/2020)
-   +   A-   A+   In  
Với mục tiêu hỗ trợ nông dân cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và nhà sáng chế nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm máy tuốt sợi gai, ngày 20/8/2020 Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Viện SCCN) đã tổ chức chuyến khảo sát tại Hợp tác xã (HTX) sản xuất tiêu thụ rau cần - cá giống Lý Hùng, thôn Thanh Lương, xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang và Công ty TNHH Một thành viên cơ khí Tuyết Thành ở xóm Cầu, xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

Thành phần đoàn công tác bao gồm: TS. Đỗ Đức Nam - Phó Viện trưởng, TS. Phạm Ngọc Pha - Giám đốc Trung tâm Thống kê dữ liệu và phân tích sáng chế, ThS. Nguyễn Công Đức - Nghiên cứu viên Trung tâm Mô phỏng công nghệ và Phát triển sản phẩm, TS. Nguyễn Văn Liễu - Chuyên gia độc lập (nguyên Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương).

Hiện nay, xã Hoàng Lương có hơn 200 ha chuyên sản xuất rau cần và cá giống,  trong đó, HTX Sản xuất, tiêu thụ rau cần - cá giống Lý Hùng có 5 ha. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc HTX chia sẻ, vào mùa thu hoạch, mỗi ngày HTX phải chi phí nhân công từ 13 đến 15 triệu đồng cho 1 ngày công. Mặc dù chi phí nhân công cao nhưng vào đỉnh điểm mùa thu hoạch, xã vẫn xảy ra tình trạng không có đủ nhân công để làm dẫn đến không đủ sản lượng. Xuất phát từ khó khăn đó, HTX có nhu cầu cơ giới hóa từ khâu trồng đến khâu thu hoạch rau cần.
 

Hình ảnh làm việc với hợp tác xã sản xuất tiêu thụ rau cần - cá giống Lý Hùng. Nguồn: Công Đức

Tại buổi làm việc, TS. Đỗ Đức Nam – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ cho biết: “Sau khi nhận được nhu cầu của HTX, Viện SCCN đã tiến hành tra cứu, tìm kiếm, thu thập được các loại mẫu máy trồng, chăm sóc và thu hoạch rau cần trích xuất từ nguồn cơ sở dữ liệu sáng chế của nước ngoài Viện đang khai thác. Tuy nhiên để phù hợp với điều kiện canh tác thực tế tại Việt Nam thì cần phải tiến hành khảo sát, nghiên cứu thêm dựa trên thực trạng sản xuất loại cây này tại xã Hoàng Lương”.

Nguồn: Cơ sở dữ liệu sáng chế Derwent Innovation (Số đơn: WO 2005/032236)

Cũng trong chuyến khảo sát, Viện SCCN đã làm việc với Công ty TNHH một thành viên cơ khí Tuyết Thành, tại xóm Cầu, xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Tại buổi làm việc Giám đốc Nguyễn Đức Thành, đồng thời cũng là một nhà sáng chế không chuyên cho biết ông đã nghiên cứu và thiết kế máy lấy tơ sợi từ cây gai xanh với 2 họng đầu vào nguyên liệu. Tuy nhiên chất lượng tơ sợi được tuốt vẫn chưa được như mong muốn và nhà sáng chế muốn cải tiến thêm để cạnh tranh được với các loại máy cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc với giá thành rất rẻ.
 

Hình ảnh làm việc với Công ty TNHH một thành viên cơ khí Tuyết Thành. Nguồn: Công Đức

Tuy nhiên, theo TS. Đỗ Đức Nam cho biết phần thiết kế và chế tạo máy của công ty đang sử dụng còn tồn tại một số nhược điểm cần được hỗ trợ cải tiến và hoàn thiện như sau:

- Chưa tự động hoá việc đưa nguyên liệu đầu vào, lượng thân cây đưa vào một lần rất ít, năng suất không cao.

- Việc kéo ra và đút lại thân cây gai rất dễ gây tai nạn lao động cho người vận hành.

- Chất lượng tơ sợi  của máy chưa đảm bảo chất lượng tơ sợi theo yêu cầu của các công ty nhập nguyên liệu.

- Các thiết bị chưa được thiết kế tối ưu và mô đun hoá do vậy việc chế tạo hàng loạt và việc bảo trì, bảo dưỡng gặp nhiều khó khăn.

Nhằm hỗ trợ hiệu quả Viện SCCN đã tiến hành tra cứu và phân tích các sáng chế, công nghệ nước ngoài. Kết quả nghiên cứu cho thấy: có rất nhiều các sáng chế quốc tế về phương pháp và thiết bị tách tơ sợi bộc lộ các thông tin kỹ thuật cũng như các ưu điểm khác nhau đối với thiết bị tách tơ sợi. Ví dụ: sáng chế CN203333820(U) về máy tuốt tơ sợi tự động, sáng chế CN1831239(B) về phương pháp và thiết bị tách tơ sợi từ thân cây, sáng chế CN204625840(U) về máy tách tơ sợi đa chức năng, v.v… đây là các giải pháp khá hiệu quả trong việc cải tiến máy tách tơ sợi nhằm tăng năng suất tách và chất lượng sợi tơ.

Trong thời gian tới, với những thông tin và kết quả của chuyến khảo sát, Viện SCCN sẽ lên phương án tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và nhà sáng chế các giải pháp từ khâu lên ý tưởng cải tiến đến ý tưởng mới ở các công đoạn thiết kế và chế tạo một số mẫu máy nông nghiệp phù hợp với điều kiện canh tác tại Việt Nam./.

 

 

Nguồn: Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ

Số lượt đọc: 3622

Về trang trước Về đầu trang