Tin KHCN nước ngoài
Phát minh thuốc thay thế kháng sinh (28/11/2014)
-   +   A-   A+   In  

Hai nhà khoa học Thụy Sĩ vừa phát triển một loại hợp chất được tạo nên từ các hạt nano chất béo có thể dùng để thay thế thuốc kháng sinh điều trị những ca nhiễm khuẩn nặng.

Kể từ ngày phát minh ra penicillin cách đây 90 năm, các loại kháng sinh (antibiotics) luôn luôn được coi là tiêu chuẩn vàng trong việc điều trị các ca viêm nhiễm do vi khuẩn gây ra.

 

Thế nhưng Tổ chức Y tế Thế giới WHO từng nhiều lần cảnh báo về sự xuất hiện không ngừng các loại vi khuẩn có tính kháng/nhờn thuốc kháng sinh. Một khi thuốc kháng sinh không còn khả năng chế ngự các ca nhiễm khuẩn nữa thì ngay cả bệnh viêm phổi bình thường cũng có thể gây chết người. WHO cho biết năm 2012 đã xảy ra 450.000 ca lao phổi kháng-nhờn nhiều loại thuốc.

 

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention) của Mỹ cũng cho biết nước này hằng năm có khoảng 2 triệu ca bệnh bị gây ra bởi tính kháng-nhờn kháng sinh, làm chết tới 23 nghìn người.

 

Cho tới nay y học thế giới vẫn chưa đưa ra được liệu pháp nào vừa có thể diệt vi khuẩn lại vừa không làm cho vi khuẩn nhờn, kháng thuốc.

 

Mới đây, một nhóm nhà khoa học quốc tế đã thử nghiệm một loại vật chất mới do hai nhà khoa học Eduard Babiychuk và Annette Draeger ở Viện Giải phẫu thuộc Đại học Bern (Thụy Sĩ) nghiên cứu phát triển. Họ thiết kế loại hạt nano nhân tạo làm từ chất béo (lipids) gọi là liposomes, rất giống với màng của các tế bào vật chủ. Trong y học lâm sàng, người ta dùng liposomes để vận chuyển những loại thuốc đặc biệt vào bên trong cơ thể bệnh nhân. Khi thực hiện công trình nghiên cứu này, hai nhà khoa học ở Bern đã chế tạo được loại liposomes có thể hút độc tố vi khuẩn, nhờ đó cách ly và trung hòa độc tố.

 

Eduard Babiychuk, người phụ trách dự án nghiên cứu này, nói: “Chúng tôi đã chế tạo được một loại mồi nhử (decoys) khiến độc tố vi khuẩn không thể nào chống cự được. Độc tố bị hút vào liposomes, và khi đã bám vào liposomes thì chúng có thể dễ dàng bị tiêu diệt, nhờ thế chúng không còn đem lại bất kỳ nguy hiểm nào cho tế bào vật chủ.”

 

Nhà nghiên cứu Annette Draeger bổ sung thêm, do không trực tiếp nhằm vào vi khuẩn nên liposomes sẽ không kích thích sự phát triển tính kháng-nhờn thuốc kháng sinh của vi khuẩn. Những con chuột thí nghiệm mắc bệnh bại huyết nguy hiểm sau khi được điều trị bằng liposomes đã sống sót mà không cần dùng thuốc kháng sinh.

 

Báo cáo kết quả nghiên cứu của Eduard Babiychuk và Annette Draeger được đăng trên tạp chí Công nghệ Sinh học Tự nhiên (Nature Biotechnology, Anh) số ra ngày 2/11/2014.

 

Đây thực sự là một bước phát triển quan trọng trong công cuộc đối phó với mối đe dọa kháng-nhờn thuốc kháng sinh đang ngày một nghiêm trọng trên thế giới.

Nguồn: news.vn

Số lượt đọc: 7580

Về trang trước Về đầu trang