Tại buổi báo cáo, PGS.TS Dương Nguyên Khang trình bày về ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo và chăn nuôi gà, vịt; quy trình làm đệm lót sinh học trong xử lý chất thải và sử dụng chế phẩm sinh học; Giới thiệu một số mô hình trên địa bàn tỉnh và ở các địa phương khác đã áp dụng phương pháp này trong chăn nuôi.
Ứng dụng đệm lót sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi mới được áp dụng tại Việt Nam với nguyên liệu làm đệm lót là trấu, mùn cưa, vỏ đậu phộng. Ứng dụng phương pháp này trong chăn nuôi sẽ làm giảm thiểu mùi hôi từ chất thải và hô hấp từ vật nuôi, giảm sức lao động, chi phí điện nước, giảm ô nhiễm môi trường và tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết kinh nghiệm và kết quả sau ba năm áp dụng mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi (2011-2013) ngày 22/5/2014, cả nước có 691 trang trại và 57.755 hộ có sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà với tổng số khoảng 5.400.000 m2 nền đệm lót; 28 trang trại và 3.658 hộ có sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn với tổng số khoảng 70.000 m2 nền đệm lót.
Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, việc ứng dụng đệm lót sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi đã được nhiều hộ chăn nuôi heo, gà quy mô lớn trên địa bàn tỉnh áp dụng và mang lại hiệu quả cao. Buổi báo cáo chuyên đề đã thực sự mang lại nhiều kiến thức hữu ích cho người nông dân huyện Châu Đức trong vấn đề sử lý chất thải của chăn nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế cũng như bảo vệ môi trường, nguồn nước.