Tin KHCN trong nước
Ứng dụng giúp giảm phát thải khí nhà kính cho chăn nuôi (29/06/2020)
-   +   A-   A+   In  

Một ứng dụng được các nhà khoa học của Đại học California Davis xây dựng và sửa đổi cho phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở Việt Nam sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính cho ngành chăn nuôi bò sữa.

Ngành sữa đang tăng trưởng nhanh và được dự báo vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Nhưng đàn bò sữa 300.000 hiện nay (dự kiến sẽ đạt 400.000 trong 2020) lại có thể tạo ra thêm gánh nặng về xử lý môi trường. Vì thế, “khi ăn một cân thịt chúng ta không thể chỉ nghĩ đến lượng dinh dưỡng, protein đóng góp cho cơ thể mà còn phải tính đến lượng khí thải ra môi trường trong quá trình tạo ra miếng thịt ấy”, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ NN&PTNN nói tại sự kiện giới thiệu kết quả Dự án tăng cường năng lực cho Chương trình chiến lược phát triển phát thải thấp, Do Bộ NN&PTNT tổ chức vào ngày 27/2.

 

Đặc điểm sinh lý của các loài động vật nhai lại như trâu, bò, quá trình lên men dạ cỏ trong khi tiêu hóa của chúng đã tạo ra khí metan CH4 - một loại khí có khả năng làm tăng hiệu ứng nhà kính và làm gấp hàng chục lần so với khí CO2. Do vậy, “sản xuất 1kg thịt bò sẽ tạo ra lượng khí thải tương đương với 295 kg khí CO2, 1kg sữa sẽ tương đương với 87kg khí nhà kính (còn 1kg thịt lợn thì khoảng 55kg khí)”, ông Tống Xuân Chinh cho biết.

 

Nhằm góp phần kiểm soát, giúp giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi, Cục Chăn nuôi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và đại học California Davis đưa phần mềm PC Dairy VN 2019 thiết lập khẩu phần thức ăn vào trong chăn nuôi ở Việt Nam. Đây là một phần của dự án tăng cường năng lực cho các chương trình Chiến lược phát triển phát thải thấp (ECLEDS) giai đoạn năm 2018 - 2019.

 

PC Dairy VN 2019 đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt và được sửa đổi để phù hợp với điều kiện sinh thái, các giống nhiệt đới và các loại thức ăn theo mùa và các khu vực khác nhau ở Việt Nam. Phần mềm này cho phép người dùng sử dụng một cơ sở dữ liệu về thức ăn nhằm thiết lập được một khẩu phần ăn phù hợp với một giá thành thấp nhất dựa trên các thông số như trọng lượng bò, giai đoạn sinh trưởng, sản lượng sữa, tỉ lệ mỡ sữa, sự thay đổi khối lượng, giá thức ăn và giá sữa. Phần mềm cũng tận dụng được nguồn thức ăn thô xanh tại địa phương hay các phế phụ phẩm tại chỗ của lúa, ngô, sẵn, v.v..., giúp cắt giảm chi phí mua thêm thức ăn tinh cho vật nuôi. Không chỉ vậy, PC Dairy VN 2019 còn có thể tính toán được lượng khí metan thải ra khi đàn bò sử dụng khẩu phần ăn này. Đây được đánh giá là một tính năng quan trọng và đặc biệt hữu ích trong bối cảnh các ngành chăn nuôi của Việt Nam đang nỗ lực thực hiện giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

 

Để có cơ sở dữ liệu làm đầu vào cho phần mềm, nhóm phát triển phần mềm đã tổng hợp hơn 1100 mẫu thức ăn, bao gồm 160 mẫu được thu thập trực tiếp tại 8 tỉnh thành và 994 mẫu chuyển đổi từ các dữ liệu hiện có. Không chỉ hữu ích cho phần mềm thiết lập khẩu phần, bộ dữ liệu về thành phần và giá trị dinh dưỡng của các loại thức ăn này có thể được chuyển cho các bên trong chuỗi ngành hàng sữa có thể sử dụng.

 

Bà Hà Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định, khi đưa vào ứng dụng, phần mềm này sẽ giúp đảm bảo được cả 3 yếu tố về hiệu quả kinh tế, hiệu quả môi trường và hiệu quả xã hội khi giúp tăng năng suất, giảm chi phí, tăng thu nhập cho người dân và giảm thiểu được lượng khí thải từ chăn nuôi nông nghiệp.

 

Dự án đã tổ chức hội thảo giới thiệu về phần mềm cho 273 đại lý khuyến nông, nhà sản xuất tại Hà Nội và TP.HCM, tập huấn và đưa vào giảng dạy cho gần 4000 sinh viên ngành Chăn nuôi tại học viện Nông nghiệp Việt Nam. “Đây cũng là bước khởi đầu, là lần đầu tiên giúp người nông dân hiểu về hiệu ứng nhà kính trong chăn nuôi. Trước đây các dự án thường tập trung vào vấn đề sản xuất lúa nhưng chưa có dự án nào về phát thải trong chăn nuôi ở Việt Nam”, bà Hạnh nói thêm.

 

Mới bước đầu được đưa vào áp dụng cho một số hợp tác xã, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên dự kiến thời gian tới có thể đánh giá được hiệu quả thực tiễn của phần mềm. Tuy nhiên nhóm phát triẻn phần mềm cho biết, PC Dairy VN 2019 vẫn còn một số hạn chế như cơ sở dữ liệu về mẫu thức ăn thu thập trực tiếp tại các địa phương còn ít, chưa đại diện được cho tất cả các vùng; có những mẫu thức ăn hiện có trong thực tế nhưng chưa thể tổng hợp được do không có kinh phí; các dữ liệu về thức ăn chuyển đổi từ sách hoặc các nguồn có sẵn đã khá cũ, có thể không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại.

 

Để phần mềm được sử dụng hiệu quả, theo bà Hoàng Thị Thiên Hương - đại diện cục Chăn nuôi, trước mắt cần hoàn thiện hóa phần mềm cho phù hợp với điều kiện nhiệt đới và loài bò của Việt Nam; bổ sung và cập nhật thêm nhiều dữ liệu về thức ăn cho bò sữa và bò thịt; tập huấn thêm cho cán bộ kỹ thuật tại địa phương - những người có liên hệ chặt chẽ và trực tiếp hướng dẫn người chăn nuôi; đồng thời cần có đánh giá sử dụng phần mềm trong thực tiễn sản xuất để cải tiến cho phù hợp hơn.

Nguồn: Báo Khoa học và phát triển

Số lượt đọc: 4590

Về trang trước Về đầu trang